Tìm ra thời điểm phun trào "khủng khiếp nhất lịch sử" của siêu núi lửa giữa lòng nước Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng vụ phun trào lớn nhất của núi lửa Yellowstone xảy ra cách đây 8,7 triệu năm, tạo ra lớp dung nham có thể bao phủ một khu vực rộng tương đương bang New Jersey, Mỹ.
Vụ phun trào lớn nhất của núi lửa Yellowstone  tạo ra lớp dung nham có thể bao phủ một khu vực rộng tương đương bang New Jersey, Mỹ (Ảnh:Arte)
Vụ phun trào lớn nhất của núi lửa Yellowstone tạo ra lớp dung nham có thể bao phủ một khu vực rộng tương đương bang New Jersey, Mỹ (Ảnh:Arte)
Nghiên cứu trên, được công bố đầu tháng này trên tạp chí Geology, đã phát hiện 2 vụ phun trào lớn nhất của núi lửa Yellowstone trong 9 triệu năm qua, trong đó có một đợt phun trào mà các chuyên gia tin rằng là một trong những "thảm họa lớn nhất và bi thảm nhất trong lịch sử".
Bí ẩn trên được các nhà nghiên cứu vén màn thông qua việc xem xét những dấu vết trầm tích xung quanh núi lửa Yellowstone ở các bang Idaho và Nevada, cùng với một số đặc điểm khác như màu sắc, tuổi đời và thành phần hóa học của các khối đá tại những dấu vết trầm tích trên.
Theo đó, nhóm khoa học xác định được vụ siêu phun trào đầu tiên xảy ra cách đây 9 triệu năm, được gọi là vụ siêu phun trào McMullen Creek, và đã tác động đến một khu vực rộng gần 11.913 km vuông thuộc bang Idaho ở thời điểm hiện tại.
Vụ siêu phun trào thứ hai, được đặt tên là siêu phun trào Grey’s Landing, tạo ra lớp dung nham bao phủ lên một diện tích gần 23.000 km vuông, tương đương diện tích bang New Jersey, Mỹ. Nó xảy ra cách đây khoảng 8.720.000 năm và được cho là một trong 5 vụ phun trào núi lửa khủng khiếp nhất mọi thời đại.
"Vụ phun trào Grey's Landing bao phủ dung nham nóng lên một khu vực rộng ngang bang New Jersey và làm ‘bốc hơi’ mọi thứ trong tầm ảnh hưởng của nó. Hơi nóng từ vụ phun trào bốc nghi ngút vào khí quyển, gây ra những trận mưa to như trút nước xuống toàn bộ nước Mỹ và còn lan ra toàn Trái Đất", giáo sư Thomas Knott, nhà nghiên cứu núi lửa ở Đại học Leicester, Anh và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Dù vậy, nghiên cứu cũng cho thấy độ lớn từ các vụ phun trào của siêu núi lửa Yellowstone đang trở nên suy yếu rõ rệt, với lượng dung nham nóng trong lòng núi lửa đang giảm gấp 3 lần so với lần phun trào gần nhất của nó.
Bên cạnh đó, nghiên cứu về chu trình hoạt động của siêu núi lửa Yellowstone còn cho thấy mỗi lần phun trào của nó thường cách nhau trung bình 500.000 năm. Thậm chí, 2 lần phun trào gần nhất của nó cách nhau tới 1,5 triệu năm.
“Vụ phun trào gần nhất tại siêu núi lửa Yellowstone xảy ra cách đây 630.000 năm,” giáo sư Knott nói thêm, “Nên phải mất khoảng 900.000 năm nữa, chúng ta mới phải chứng kiến một vụ phun trào tương tự."
Theo Việt Anh - Fox News/Dân Việt

https://danviet.vn/tim-ra-thoi-diem-phun-trao-khung-khiep-nhat-lich-su-cua-sieu-nui-lua-giua-long-nuoc-my-5020201165593641.htm

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.