Phát hiện động vật đầu tiên trên Trái đất không thở khí oxy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học Israel cho hay họ đã phát hiện động vật đầu tiên trên Trái đất có thể tồn tại mà không cần dùng khí oxy.

 

 Henneguya salminicola nhìn dưới kính hiển vi - Ảnh chụp màn hình Times of Israel
Henneguya salminicola nhìn dưới kính hiển vi - Ảnh chụp màn hình Times of Israel



Kết quả nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí PNAS tuần này.

Cụ thể, theo trang Times of Israel, trong quá trình nghiên cứu một loài ký sinh trùng nhỏ - có quan hệ họ hàng với sứa và sống trong cơ thể cá hồi, các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv của Israel ngạc nhiên khi phát hiện loài ký sinh trùng này không có các hệ thống cần thiết để xử lý khí oxy - vốn được cho là tồn tại ở mọi dạng sống đa bào.

Loài ký sinh trùng này có tên khoa học là Henneguya salminicola, sống trong mô cơ của cá hồi. Nó có hình dạng giống như nòng nọc, có chưa tới 10 tế bào.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Động vật học của Đại học Tel Aviv đã tái hiện sơ đồ bộ gen của Henneguya salminicola để tìm hiểu cách loài ký sinh trùng này tồn tại.

Họ phát hiện các tế bào của loài động vật này thiếu ty thể. Ty thể là một bào quan xuất hiện trong tế bào của các động vật đa bào và thường được mô tả là "nhà máy năng lượng" của tế bào.

Ty thể giúp chuyển khí oxy thành năng lượng hóa học cần thiết để cung cấp cho tế bào. Hô hấp hiếu khí (hô hấp sử dụng oxy) không thể diễn ra nếu không có ty thể.

"Hô hấp hiếu khí được cho là diễn ra ở mọi động vật. Nhưng giờ chúng tôi xác nhận trường hợp động vật này không phải như vậy" - bà Dorothee Huchon, giáo sư tại Đại học Tel Aviv và là người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.

Giáo sư này nói thêm: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy sự tiến hóa có thể diễn ra theo những hướng lạ. Hô hấp hiếu khí là một nguồn năng lượng chính, nhưng chúng tôi đã phát hiện một loài động vật đã từ bỏ con đường quan trọng này".

Hiện không rõ loài ký sinh trùng này tạo ra năng lượng như thế nào. "Có thể là từ các tế bào xung quanh của cá hoặc có một loại hô hấp khác chẳng hạn như không thở bằng khí oxy, vốn thường thấy ở các sinh vật kỵ khí không phải là động vật" - bà Huchon cho biết.

Theo Bình An (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.