Phát hiện cây hóa thạch 386 triệu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhóm các nhà khoa học Anh - Mỹ đã phát hiện ra những cây hóa thạch lâu đời nhất, có niên đại khoảng 386 triệu năm, tại một mỏ đá bỏ hoang ở thị trấn Cairo, New York (Mỹ) và tin rằng những cái cây này thuộc về một khu rừng rất rộng lớn.

 

 Các nhà khoa học phát hiện rễ của một cây hóa thạch Archaeopteris tại mỏ đá hoang ở Cairo - Ảnh: CHARLES VER STRAETEN
Các nhà khoa học phát hiện rễ của một cây hóa thạch Archaeopteris tại mỏ đá hoang ở Cairo - Ảnh: CHARLES VER STRAETEN



Các nhà khoa học tin rằng những cây hóa thạch tại Cairo già hơn khoảng 2-3 triệu năm so với những cái cây trong khu rừng từng được xem là già nhất thế giới ở thị trấn Gilboa, cũng thuộc bang New York.

Theo đài BBC ngày 19-12, những cây hóa thạch trên thuộc về một khu rừng rộng lớn, trải dài qua cả bang Pennsylvania. Phát hiện này sẽ giúp có cái nhìn mới hơn về sự tiến hóa của loài cây.

Hơn 10 năm trước, các chuyên gia của ĐH Cardiff (Anh), ĐH Binghamton (Mỹ) và Bảo tàng bang New York đã bắt tay tìm kiếm các hóa thạch trên các vùng đồi thấp dưới chân núi Catskill ở Thung lũng Hudson.

Kể từ đó, họ đã vẽ ra bản đồ một rừng cây rộng trên 3.000 mét vuông, trong đó có các hóa thạch thuộc về ít nhất 2 loại cây là Cladoxylopsids và Archaeopteris. Nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được hóa thạch của một loại cây thứ ba.

"Đây là nơi lâu đời nhất để đi lang thang và vẽ bản đồ về những hóa thạch cây từng sống vào giữa kỷ Devon" - tiến sĩ Cổ thực vật học Chris Berry của ĐH Cardiff, đồng tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology, cho biết.

Kỷ Devon là một kỷ địa chất trong đại Cổ sinh. Cladoxylopsids và Archaeopteris là cây thân gỗ và là nhóm thực vật chỉ được biết đến nhờ vào các hóa thạch, được xem là tổ tiên của các loài dương xỉ và mộc tặc (cỏ tháp bút).

Nhóm nghiên cứu cho biết họ cũng đã phát hiện những chiếc rễ cây thân gỗ rất dài làm thay đổi cách thức cây và đất giữ nước. Nhóm cho rằng một trận lũ lụt đã xóa sổ khu rừng này vì họ tìm thấy cá hóa thạch trên bề mặt mỏ đá.

Việc tìm thấy hóa thạch của những loài cây cổ xưa giúp chúng ta hiểu rõ hơn quá khứ của hành tinh. Thời điểm xuất hiện những cây hóa thạch này đánh dấu sự chuyển tiếp giữa một hành tinh không có rừng sang một hành tinh được bao phủ phần lớn bởi cây cối.

Tiến sĩ Berry tin rằng nghiên cứu địa điểm tại mỏ đá hoang này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức tiến hóa của thực vật cũng như cách chúng hấp thụ CO2 từ khí quyển.

"Cũng có thể là trong tương lai, chúng ta phát hiện ra một thứ thậm chí còn cổ xưa hơn khu rừng này vì thế giới cổ sinh vật học luôn đầy bất ngờ! Tuy nhiên hiện nay, phát hiện này là vô cùng thú vị" - giáo sư Howard Falcon Lang của ĐH Royal Holloway (London, Anh) nói.

Theo Anh Thư (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.