Tìm thấy 'bom núi lửa' trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại Bảo tàng Thiên nhiên ở Hà Nội đang có hàng chục khối đá hình thù lạ mắt, được các nhà khoa học nghiên cứu về đề tài núi lửa khẳng định đây là “bộ sưu tập đầu tiên về bom núi lửa tại Việt Nam”.

 
Một
Một "bom núi lửa" có hình dạng như quả bàng khô
Mỗi
Mỗi "quả bom" đều được gắn ký hiệu riêng



Theo chuyên gia địa chất Lương Thị Tuất, bom núi lửa là một trong những sản phẩm phun nổ của hoạt động núi lửa, hình thành từ những khối dung nham sền sệt hoặc nửa rắn nửa lỏng được núi lửa phun vọt lên không trung, nguội dần trong quá trình rơi xuống, kết rắn lại với kích thước lớn hơn 6,4mm.

 

Những quả bom núi lửa hình thù kỳ lạ. Bom núi lửa kích thước to, nhỏ rất khác nhau. Ví dụ bom núi lửa được tìm thấy ở Nhật Bản và ở Đức có đường kính lên tới 5 - 6m. Hình dáng và cấu trúc của bom núi lửa đa dạng và độc đáo, phản ánh rõ nét quá trình khí động học xảy ra khi bom bay trong không trung, và cả những tác động khi bom tiếp đất.  

 

Ông La Thế Phúc, bà Lương Thị Tuất là hai chuyên gia đầu tiên phát hiện được bom núi lửa trên Tây Nguyên
Ông La Thế Phúc, bà Lương Thị Tuất là hai chuyên gia đầu tiên phát hiện được bom núi lửa trên Tây Nguyên
Chuyên gia Lương Thị Tuất say mê giải thích sự hình thành bom núi lửa
Chuyên gia Lương Thị Tuất say mê giải thích sự hình thành bom núi lửa



Từ năm 2014, nhóm chuyên gia địa chất và khảo cổ thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bắt đầu nghiên cứu về núi lửa Tây Nguyên, với cả trăm ngọn núi đã tắt lửa từ hàng chục vạn năm, thậm chí hàng triệu năm trước. Nhiều núi lửa bị mưa gió bào mòn, con người canh tác nên mất dần hình dạng và dấu vết. Bom núi lửa cũng do vậy đã bị vùi lấp và trở nên hiếm hoi...

Tuy nhiên, mới đây, đoàn đã phát hiện được quả bom núi lửa đầu tiên sau một trận mưa lớn tại Chư Đăng Ya, Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Tiếp đó, lại tìm thấy bom núi lửa ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; Ở vùng hang động Chư Bluk huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông...

 Phóng viên Tiền Phong cùng Giáo sư Nguyễn Lân Cường, thành viên đoàn nghiên cứu trong hang động núi lửa Chư Bluk ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông
Phóng viên Tiền Phong cùng Giáo sư Nguyễn Lân Cường, thành viên đoàn nghiên cứu trong hang động núi lửa Chư Bluk ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông



Tiến sĩ La Thế Phúc nguyên giám đốc Bảo tàng Địa chất, nghiên cứu viên chính của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam xác nhận việc tìm thấy bom núi lửa trên Tây Nguyên là phát hiện quý giá, giúp các nhà khoa học hiểu chính xác hơn bản chất của lớp vỏ tầng sâu của Trái Đất, thấy rõ sự tương tác giữa phần vật chất được núi lửa phun lên từ lòng đất với bầu khí quyển.  

Trên thế giới, bom núi lửa được thu thập và trưng bày ở các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng núi lửa học, bảo tàng công viên địa chất và các khu di sản nhằm nâng cao tri thức cho cộng đồng. Bộ sưu tập bom núi lửa mà nhóm chuyên gia Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam mới thu thập được chính là cơ sở để xây dựng khu du lịch địa chất hấp dẫn cho Tây Nguyên trong tương lai.



 

 Nham thạch phun trào từ họng núi lửa Kilauea. Ảnh: Encyclopedia Britannica
Nham thạch phun trào từ họng núi lửa Kilauea. Ảnh: Encyclopedia Britannica



Còn nhớ, tháng 5/2018, núi lửa Kilauea phun trào dữ dội với những khối nham thạch và tảng đất đá cả chục tấn bị phun ra xa gần cả kilomet khiến chính quyền tiểu bang Hawaii (Mỹ) phải sơ tán khẩn cấp dân cư. Cảnh tượng đó có thể dẫn đến hình dung hàng triệu năm trước, những ngọn núi lửa trên Tây Nguyên cũng đã phun trào tương tự, mới sản sinh ra những quả bom núi lửa hình thù kỳ lạ thế này.

Hoàng Thiên Nga (TPO)


 

Có thể bạn quan tâm