40% người châu Á mang dấu vết cuộc hôn phối khác loài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau phát hiện chấn động về những cuộc hôn phối với loài người tuyệt chủng Neanderthals, các nhà khoa học tiếp tục tìm ra con cháu của người Denisovans ở châu Á.
Răng hàm dưới 3 chân, một đặc điểm phổ biến ở người châu Á hiện đại nhưng hiếm gặp ở người thuộc các châu lục khác đã dẫn nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư Shara Bailey (Đại học New York - Mỹ) tìm ra bóng dáng một vị tổ tiên cổ xưa đã tuyệt chủng: người Denisovans.
Nhiều nghiên cứu nhân chủng học khác trước đây cho thấy, chi người (Homo) từng rất đa dạng. Nhưng sau nhiều biến cố, chủ yếu do sự thay đổi khắc nghiệt của môi trường, hầu hết các loài người đã rơi vào cảnh tuyệt chủng, trừ một loài duy nhất là Homo Sapiens (người tinh khôn, người hiện đại), chính là chúng ta.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới này cho thấy trước khi giã từ thế giới, người Denisovans đã kịp để lại dòng máu của mình thông qua những cuộc hôn phối khác loài với người Homo Sapiens, và dấu tích chính là chiếc răng hàm dưới có thêm một chân nhỏ kỳ quặc.
Chiếc răng đặc trưng Denisovans này chỉ xuất hiện ở 3,5% người không phải gốc châu Á nhưng lại tồn tại ở hơn 40% người châu Á, theo khảo sát ở Trung Quốc và một số nước lân cận.
Các bằng chứng khảo cổ đã cho thấy người Denisovans đã xâm chiếm Tây Tạng từ 160.000 năm trước. Có thể từ đó họ đã gặp gỡ và nảy sinh tình yêu dị chủng với nhiều cá thể Homo Sapiens. Nghiên cứu mới này cũng dựa vào những chiếc răng hóa thạch của người Denisovans mà các nhà khảo cổ đã may mắn khai quật được.
 Những chiếc răng kỳ dị 3 chân được tìm thấy ở nhiều người châu Á hiện đại lẫn loài người tuyệt chủng Denisovans - ảnh: Đại học California
Những chiếc răng kỳ dị 3 chân được tìm thấy ở nhiều người châu Á hiện đại lẫn loài người tuyệt chủng Denisovans - ảnh: Đại học California
Hóa thạch của người Denisovians được tìm thấy chủ yếu trong các hang động ở Nga và Trung Quốc. Họ được cho rằng đã tuyệt chủng khoảng 30.000-50.000 năm về trước và sở hữu làn da sẫm màu.
Các phát hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.
Đây không phải bằng chứng đầu tiên về những cuộc hôn phối giữa loài người hiện đại chúng ta với các cá thể thuộc các loài Homo tuyệt chủng. Năm 2018, một nghiên cứu từ Viện Max Plank (Đức) đã tìm ra dấu vết của người Neanderthals, một loài người tuyệt chủng khác trên người châu Âu hiện đại. Một số người ở khu vực Bắc Âu có hộp sọ dài hơi giống người Neanderthals cổ xưa vì họ mang 2% DNA của loài người tuyệt chủng này.
A. Thư (Sci-News, International Bussiness Times, nld)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.