Phát hiện 18 hành tinh lạ cỡ trái đất từ "kho tàng chết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rà soát di sản từ thợ săn hành tinh Kepler đã chết của NASA bằng thuật toán mới, các nhà khoa học đã tìm thấy cùng lúc 18 hành tinh cỡ trái đất bị chôn vùi.

Nghiên cứu mới phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Hệ mặt trời Max Planck, Đài thiên văn Sonneberg, Viện Vật lý thiên văn – Đại học Georg-August (Đức) đã tìm ra cùng lúc 18 hành tinh lạ cỡ trái đất từ dữ liệu của Kính viễn vọng không gian Kepler. Phát hiện trên nhờ vào một thuật toán mới siêu việt hơn giúp tìm ra cả những hành tinh được tờ Space mô tả là "bị chôn vùi".

 

 18 ngoại hành tinh cỡ trái đất được đem so sánh với trái đất (Earth) và Sao Hải Vương (màu xanh). Trong đó, hành tinh màu xanh lá cây là hành tinh duy nhất được xác định thuộc vùng có thể sống được - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
18 ngoại hành tinh cỡ trái đất được đem so sánh với trái đất (Earth) và Sao Hải Vương (màu xanh). Trong đó, hành tinh màu xanh lá cây là hành tinh duy nhất được xác định thuộc vùng có thể sống được - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp



Thuật toán nhắm vào hiện tượng "đường cong ánh sáng" xảy ra với ngôi sao mẹ. Cho dù hành tinh đó quá mờ nhạt và nhỏ bé, "bị chôn vùi" trong quầng sáng tỏa ra từ sao mẹ nhưng nó có thể để lại dấu vết khi đi ngang mặt ngôi sao mẹ, bằng cách chặn một phần ánh sáng và làm ngôi sao mẹ mờ đi một chút.

Thêm một chút tính toán dựa vào đường cong ánh sáng này, các nhà khoa học không những xác định được sự tồn tại của hành tinh đó mà còn hiểu biết được chút ít về nó, ví dụ như kích thước và dự đoán khả năng tồn tại sự sống.

18 hành tinh được xác định lần này thuộc nhóm hành tinh "kích cỡ trái đất", được định nghĩa là có kích thước từ 70% đến gấp đôi hành tinh của chúng ta. NASA luôn khao khát săn được các hành tinh dạng này bởi kích cỡ đó là một điểm cộng lớn cho cơ hội tồn tại sự sống.

Các tác giả cho biết hầu hết các hành tinh khó nhìn thấy này nằm trong khu vực rất gần sao mẹ, nên cực nóng (lên tới 1.000 độ C) và khó có khả năng giữ nước tồn tại ở dạng lỏng. Chỉ có 1 hành tinh duy nhất quay quanh một sao lùn đỏ là thuộc vùng "có thể ở được", tức đủ khả năng giữ nước ở trạng thái lỏng.

Tất cả các hành tinh này đều là kết quả khai quật được từ K2, dữ liệu từ chương trình quan sát cuối đời của Kepler, trước khi kính viễn vọng không gian này ngừng hoạt động vào năm 2018.

Trước khi "chết" đi, Kepler đã mang về cho nhân loại dữ liệu về 100.000 ngôi sao xa xôi, trong đó có ít nhất 517 ngôi sao là trung tâm của một "hệ mặt trời" khác, tức có ít nhất 1 hành tinh quay xung quanh.

hóm nghiên cứu của Đức cho biết họ đang có ý định tiếp tục xem xét 517 ngôi sao đó bằng thuật toán mới để hy vọng tìm thêm các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ mặt trời). Họ ước tính có thể tìm thêm ít nhất 100 hành tinh có kích thước trái đất bằng thuật toán của mình.

Nghiên cứu vừa công bố trong 2 bài báo đăng tải trên tạp chí khoa học Astronomy and Astrophysics.

A. Thư (Fox News, Astronomy and Astrophysics, nld)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.