"Lỗ đen trên trời" hút hết đại dương của hàng xóm trái đất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một cái lỗ khổng lồ có thể đã xuất hiện 2 năm một lần trên bầu khí quyển Sao Hỏa, hút toàn bộ đại dương của nó ném ra ngoài không gian.

Nghiên cứu mới từ một nhóm khoa học gia của Nga và Đức đã đưa ra một cách lý giải mới cho sự khô cằn và chết chóc của Sao Hỏa, người hàng xóm từng được chứng minh rằng có những đại dương giống như trái đất. Đó là một chiếc lỗ khổng lồ xuất hiện giữa bầu khí quyển của nó và "háu ăn" y như lỗ đen vũ trụ.

 

Sao Hỏa quá khứ - ảnh đồ họa của NASA
Sao Hỏa quá khứ - ảnh đồ họa của NASA



Theo bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters, các nhà nghiên cứu cho rằng Sao Hỏa từng sở hữu một siêu đại dương rộng lớn, khá giống trái đất thời tồn tại "siêu lục địa", nhưng nhỏ hơn khá nhiều. Cứ 2 năm, "lỗ đen" bí ẩn lại xuất hiện trên bầu khí quyển một lần và hút một phần nước của đại dương này, ném ra ngoài không gian. Một phần nhỏ nước còn lại bị trả về các cực của hành tinh.

Sau hàng tỉ năm, quá trình này tuy chậm chạp nhưng đủ khiến hành tinh đỏ dần khô cằn.

Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học Dmitry S. Shaposhnikov (đến từ Viện Vật lý và công nghệ Moscow và Viện Nghiên cứu Vũ trụ - Nga) đã tìm hiểu sự kỳ lạ của nước trên Sao Hỏa. Các nghiên cứu trước đó từng chứng minh Sao Hỏa có hơi nước ở tầng cao trong bầu khí quyển và chúng có xu hướng di chuyển về các cực của hành tinh. Điều này rất khó hiểu vì các dữ liệu về một tầng khí quyển ở giữa của hành tinh cho thấy nó có vẻ ngừng hoàn toàn chu trình nước. Nó quá lạnh để duy trì hơi nước.

Tuy nhiên, chiếc lỗ bí ẩn đó đã mở ra vào mùa hè ở bán cầu Nam của Sao Hỏa, khi khu vực này tiến gần mặt trời. Điều này xảy ra mỗi 2 năm theo thời gian trái đất. Chiếc lỗ xuất hiện ở độ cao khoảng 60-90 km, đưa hơi nước từ dưới thấp vượt qua tầng khí quyển trung bình lạnh giá, đi thẳng lên tầng trên. Quá trình có sự hỗ trợ của những cơn bão bụi khổng lồ - thứ từng giết chết cỗ máy thăm dò Mars Curiosity Rover nổi tiếng của NASA.

Nhưng khi thoát lên cao, chỉ một phần nước trốn thoát, trôi về cực Bắc và Nam. Đa số các phân tử nước còn lại bị ánh sáng cực tím quá mạnh cắt đứt liên kết hydro – oxy. Hydro bay ra ngoài không gian, chỉ còn oxy ở lại. Và như vậy, nó không còn là phân tử nước nữa.

A. Thư (Live Science, Geophysical Research Letter, nld)

Có thể bạn quan tâm