Phát hiện hành tinh có thể ở được rất gần trái đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không những bằng kích thước trái đất, có nước, khí quyển và nằm trong "vùng sinh sống", Proxima Centarui b còn là ngoại hành tinh gần trái đất nhất từng được biết đến.
Nhà khoa học hành tinh Anthony Del Genio, đến từ Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA (New York, Mỹ) tác giả chính của bài báo vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Astrobiology cho biết Proxima Centarui b có "khả năng rất cao có thể ở được".
Hành tinh này quay quanh ngôi sao mẹ Proxima Centarui, một ngôi sao cách trái đất của chúng ta chỉ 4 năm ánh sáng. Với khoảng cách đó, Proxima Centarui b là hành tinh ngoài hệ mặt trời (ngoại hành tinh) gần trái đất nhất mà con người từng quan sát được.
Quang cảnh trên Proxima Centarui b do NASA đồ họa từ những dữ liệu thu thập được - ảnh: NASA
Quang cảnh trên Proxima Centarui b do NASA đồ họa từ những dữ liệu thu thập được - ảnh: NASA
Proxima Centarui b có kích thước tương đương trái đất và khối lượng 1,3 lần trái đất. Nó quay quanh ngôi sao mẹ mỗi 11 ngày và hoàn toàn nằm trong vùng sinh sống của ngôi sao mẹ. Ngay từ khi được quan sát thấy lần đầu vào năm 2016, hành tinh này đã được xếp vào danh sách các miền đất hứa cho công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy Proxima Centarui b sở hữu một bầu khí quyển và đại dương lỏng nằm ngay trên bề mặt, y như trái đất. Tuy nằm gần ngôi sao mẹ hơn khoảng cách giữa trái đất và mặt trời rất nhiều, nhưng do tính chất của ngôi sao mẹ vốn tỏa ánh sáng và nhiệt lượng yếu hơn mặt trời, khoảng cách này lại cho Proxima Centarui b ánh sáng và nhiệt độ bề mặt phù hợp, trên nhiệt độ đóng băng của nước.
Tuy nhiên cũng vì khoảng cách gần gũi đó, hành tinh này có thể là một thế giới kỳ lạ: nửa là thế giới đầy sức sống dưới ánh sáng mặt trời, nửa là bóng tối vĩnh cửu. Lý do khoảng cách gần tạo ra một lực hấp dẫn mạnh và hành tinh này có thể bị "khóa" vào ngôi sao mẹ giống cách mặt trăng bị "khóa" vào trái đất: luôn luôn đối diện với thiên thể mà nó quay quanh chỉ bằng một mặt duy nhất.
Một số nghiên cứu trước đó cũng cho rằng Proxima Centarui b bị "khóa" và đưa ra giả thuyết có thể chỉ một nửa phơi bày dưới ánh sáng ngôi sao mẹ của hành tinh là có đại dương và có thể có sự sống, nửa còn lại bị đóng băng.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, nhóm tác giả khẳng định rằng Proxima Centarui b có một đại dương năng động và tuần hoàn, đủ sức truyền nhiệt sang nửa bóng tối kia rất hiệu quả. Vì vậy cho dù không nhận được chút ánh sáng nào, khu vực quanh xích đạo của nửa bóng tối cũng có một dải đại dương lỏng, giống kiểu dòng hải lưu Gulf Stream mang nước biển vùng nhiệt đới lên tận bờ biển phía Đông nước Mỹ, giúp vùng này luôn ấm áp.
Tác giả chính Del Genio cho biết ông hy vọng với các kính thiên văn hiện đại hơn trong tương lai, chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng trực tiếp về sự sống trên hành tinh này.
A. Thư (Theo Space, Sputnik, Live Science, nld)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.