Thư viện ở Gia Lai chuyển đổi số để thu hút bạn đọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyển đổi số thư viện đã được Nhà nước ban hành quyết định thực hiện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hoạt động này vẫn còn nhiều thách thức với một tỉnh nghèo như Gia Lai khi cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính hạn chế.
Chị Đỗ Thị Thanh Tuyền-viên chức Thư viện huyện Đức Cơ-cho rằng: Một trong những lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại là thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn, nhất là bình đẳng trong hưởng thụ những giá trị văn hóa cho mọi người dân. Dù còn nhiều khó khăn để thực hiện chuyển đổi số ở một huyện biên giới như Đức Cơ nhưng khó khăn không phải là tất cả. “Chúng tôi triển khai nhiều hình thức thu hút bạn đọc như cấp thẻ thư viện miễn phí, đưa sách về trường học, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nhưng bên cạnh hình thức phục vụ truyền thống thì chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Chẳng hạn mới đây, có bạn đọc đến thư viện huyện tìm sách về trận đánh đồn Chư Ty nhưng chúng tôi không có. Nhờ có cơ sở dữ liệu kết nối, chúng tôi đã xin được thông tin về trận đánh từ nhiều nguồn như cơ quan Huyện ủy, các bảo tàng trong tỉnh để kịp thời phục vụ bạn đọc. Phương châm của chúng tôi là không chỉ phục vụ sách mà phải đáp ứng mọi nhu cầu tìm kiếm thông tin. Muốn làm được như vậy, chỉ có thể dựa vào chuyển đổi số”-chị Tuyền chia sẻ.
Chuyển đổi số thư viện là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc. Ảnh: Minh Châu
Chuyển đổi số thư viện là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc. Ảnh: Minh Châu
Chuyển đổi số thư viện là quá trình áp dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số đối với các thư viện truyền thống. Ngày nay, nhiều bạn đọc ngại lục tìm sách trong thư viện mà thích có sẵn file để có thể truy cập được mọi lúc, mọi nơi. Hay một số người tìm các đầu sách nghiên cứu, chuyên ngành mà thư viện không có, đây là lúc cán bộ thư viện cần hỗ trợ bạn đọc tìm kiếm thông tin, tư liệu. Chị Tuyền cho biết thêm: “Mặc dù nguồn sách do Thư viện tỉnh đưa về cơ sở rất phong phú, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao cũng mua bổ sung sách hàng năm nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc. Do đó, chuyển đổi số thư viện là bước tiến lớn để phục vụ bạn đọc. Việc chuyển đổi này góp phần xây dựng, kết nối liên thông các thư viện nhằm chia sẻ dữ liệu mọi lúc, mọi nơi. Hiện nay, việc liên hệ, kết nối với mạng lưới Thư viện số của cả nước để lấy tư liệu, thông tin cho bạn đọc tương đối thuận lợi. Chỉ cần chúng tôi có nhu cầu sẽ được hỗ trợ ngay, như việc gửi file thông tin hoặc giới thiệu đến các địa chỉ tin cậy. Tôi thường liên hệ với các phòng đọc, trung tâm của Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hay Thư viện Quốc gia Việt Nam, các trung tâm học liệu. Họ rất nhiệt tình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc, ở bất cứ đâu”.
Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết: Từ năm 2020, Thư viện tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc và tăng cường sự kết nối giữa bạn đọc với thư viện. “Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong kỷ nguyên số hiện nay, không chỉ thu hút bạn đọc mà còn giúp họ tiếp cận được nguồn tri thức khổng lồ từ nguồn dữ liệu số”-bà Thủy nói.
Giám đốc Thư viện tỉnh cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số ở các thư viện còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Trước tình hình đó, vai trò của đội ngũ cán bộ thư viện cơ sở đóng vai trò quan trọng. Đội ngũ này chính là cầu nối giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới tiếp cận, hình thành thói quen tìm kiếm thông tin thông qua các cơ sở dữ liệu số để giải trí, làm giàu hiểu biết. “Nhiều khi, bạn đọc chỉ đến viết yêu cầu vào tờ phiếu, chúng tôi sẽ tìm kiếm thông tin cho họ. Chúng tôi luôn sẵn sàng vì đích đến cuối cùng chính là phục vụ bạn đọc, nâng cao tri thức cho người dân”-chị Tuyền khẳng định.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Nghiệm thu đề tài xây dựng quy trình trồng sâm non bằng phương pháp khí canh

Nghiệm thu đề tài xây dựng quy trình trồng sâm non bằng phương pháp khí canh

(GLO)- Chiều 22-4, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai nghiệm thu đề tài “Xây dựng quy trình trồng sâm non (sâm Hàn Quốc và Hồng đẳng sâm) bằng phương pháp khí canh tại Gia Lai”. Đề tài do Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ trì, Tiến sĩ Ngô Việt Đức làm chủ nhiệm.