Phấn đấu phát thải ròng bằng "0", nhiều dự án nhiệt điện than dự kiến bỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Công thương vừa có Công văn số 4329/BCT-ĐL báo cáo Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch Điện VIII, trong đó xin ý kiến không đưa vào quy hoạch 14.120 MW nhiệt điện than. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022.

Không đưa vào quy hoạch 14.120 MW nhiệt điện than

Để triển khai thực hiện các cam kết COP26 (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), Bộ Công thương cho biết đã rà soát các dự án điện than, điện khí đã có trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đến nay để không đưa vào dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Trong tổng công suất 14.120 MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công thương đề xuất, có 8.420 MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư và 5.700 MW đầu tư theo hình thức BOT. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 3.600 MW gồm các dự án: Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II. Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) được giao 1.980 MW  là Long Phú III. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840 MW gồm: Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I. Dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500 MW gồm Quỳnh Lập II, Vũng Áng 3, Long Phú II và dự án Quảng Ninh III chưa giao nhà đầu tư có công suất 1.200 MW.

Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2.428MW điện mặt trời đến năm 2030 (ảnh TTXVN)
Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2.428MW điện mặt trời đến năm 2030 (ảnh TTXVN)

Đối với các dự án nhiệt điện than do các tập đoàn nhà nước làm chủ đầu tư, trong quá trình rà soát, đánh giá Bộ Công thương cho rằng tính rửi ro pháp lý, các chi phí phát triển dự án do các tập đoàn bỏ ra không lớn. Riêng với 3 dự án đầu tư theo hình thức BOT thì các dự án Vũng Áng 3, Long Phú II đã có văn bản xin rút và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để các chủ đầu tư gồm: Công ty Samsung C&T và Công ty TATA dừng phát triển dự án. Trong khi đó, dự án Quỳnh Lập II sử dụng than, chủ đầu tư có văn bản đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng khí LNG, đồng thời nâng công suất. Tuy nhiên, dự án này được phát triển theo hình thức BOT và Posco Energy có được làm chủ đầu tư dự án tiếp hay không phải thực hiện quy định Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP). Hơn nữa, Dự án BOT Quỳnh Lập II công suất 1.200 MW mới được Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Posco Energy nghiên cứu chứ chưa chính thức giao công ty này làm chủ đầu tư.

Ngoài các dự án nêu trên, các dự án điện khí gồm: Kiên Giang I và II có công suất 2x750 MW do PVN làm chủ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, dự kiến vận hành giai đoạn 2021-2022. Các dự án này không được xem xét trong Quy hoạch Điện VIII đến năm 2030 do không xác định được nguồn nhiên liệu.

Theo Bộ Công thương, việc không đưa các dự án nhiệt điện than, khí nêu trên phù hợp với đề nghị của các địa phương cũng như kiến nghị của các chủ đầu tư nên không có rủi ro về mặt pháp lý. Hơn nữa, một số chi phí khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án của các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước nên không phải chịu trách nhiệm xử lý theo quy định. "Bộ Công Thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ việc loại bỏ các dự án điện than không còn phù hợp nêu trên nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26"-Công văn số 4329/BCT-ĐL đề xuất.

Quy hoạch hơn 2.428MW điện mặt trời vào năm 2030

Cũng cần nói thêm, trong báo cáo gửi Thường trực Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, đã tính toán với 3 kịch bản phụ tải, phát triển nguồn điện. Trong đó, ở kịch bản phụ tải cơ sở, tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2030 đạt gần 121.000 MW và năm 2045 đạt 284.000 MW. Ở phương án này, nhiệt điện than sẽ đạt gần 37.467 MW, chiếm 31% vào năm 2030 và giữ nguyên tới năm 2045, chiếm 13,2%.

Với kịch bản phục tải cao, tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2030 đạt hơn 134.700 MW và năm 2040 đạt 387.875 MW, trong đó nhiệt điện than vẫn là 37.467 MW, chiếm 27,8% năm 2030 và giữ nguyên cho tới 2045, chiếm 9,7%.

Với kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành, đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 25,7% vào năm 2030 và 9,7% vào năm 2045...

Thay vào đó, dự thảo Quy hoạch Điện VIII được tính toán và đưa phương án thay thế công suất nhiệt điện than bằng khoảng 14.000 MW điện khí LNG trong giai đoạn 2030-2045. Điện gió sẽ được tập trung phát triển mạnh.

Ở kịch bản cơ sở, điện gió trên bờ đạt 11.700 MW (chiếm 9,5%) vào năm 2030 và đạt 36.170 MW (chiếm 12,7%) vào năm 2045. Điện gió ngoài khơi đạt 30.000 MW (chiếm 10,5%) vào năm 2045.

Tại kịch bản phụ tải cao, điện gió trên bờ đạt 13.921 MW vào năm 2030 và đạt 55.950 MW vào năm 2045. Điện gió ngoài khơi đạt 64.500 MW vào năm 2045.

Bộ Công thương cũng kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2.428 MW điện mặt trời đến năm 2030. Đây là các dự án, hoặc phần dự án đã được quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành... với tổng chi phí đầu tư khoảng 12.700 tỷ đồng. Việc này được giải thích là để tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư.

Với các dự án điện mặt trời đã quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư, tổng công suất trên 4.136 MW, Bộ Công thương đề nghị giãn sang giai đoạn sau năm 2030 mới phát triển tiếp để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống.

Trường hợp nếu các nguồn điện khác chậm tiến độ và điều kiện kỹ thuật hệ thống điện tốt hơn, đảm bảo hấp thụ mức độ cao hơn điện mặt trời và an toàn, kinh tế các nguồn điện khác trong hệ thống... thì cơ quan quản lý sẽ cân nhắc, báo cáo Chính phủ việc có cần đẩy sớm vận hành số dự án này hay không.

HUỲNH LÊ

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.
Mạng 5G và xu hướng phát triển các sản phẩm trên nền tảng viễn thông công nghệ cao

Mạng 5G và xu hướng phát triển các sản phẩm trên nền tảng viễn thông công nghệ cao

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tại Việt Nam phối hợp với Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về nhà mạng, nhà cung cấp băng thông rộng di động và điện toán đám mây thế giới năm 2024.