5G là chuyện xưa, Mỹ - Trung Quốc đã đấu đến 6G

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lúc nhiều nơi trên thế giới vẫn còn chưa tận hưởng được lợi ích của mạng 5G, cuộc đua phát triển công nghệ 6G đã bắt đầu nóng lên với sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc.
Những công ty, chính phủ đầu tiên nào phát triển và được cấp bằng sáng chế đối với 6G (cho tốc độ nhanh đến hơn 100 lần so với 5G) sẽ là người chiến thắng lớn nhất trong "cuộc cách mạng công nghiệp kế tiếp", như cách gọi của một số người. 
Dù vẫn còn ít nhất 10 năm nữa mới thành hiện thực, 6G có thể giúp mang lại những công nghệ lâu nay chỉ được nhìn thấy trong phim khoa học viễn tưởng, như cơ thể và não người kết nối internet. 
Cuộc đua 6G phần nào đó cho thấy căng thẳng địa chính trị đang thúc đẩy các cuộc đối đầu công nghệ, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Peter Vetter, chuyên gia tại Công ty nghiên cứu Bell Labs thuộc hãng Nokia Oyj (Phần Lan) nhận định với trang Bloomberg rằng cuộc đua 6G không khác gì một cuộc đua vũ trang vì sẽ cần đến một đội ngũ nhà nghiên cứu hùng hậu nếu muốn vượt lên đối thủ.

Trong lúc nhiều nơi trên thế giới vẫn còn chưa tận hưởng được lợi ích của mạng 5G, cuộc đua phát triển mạng 6G đã bắt đầu nóng lên. Ảnh: Reuters
Trong lúc nhiều nơi trên thế giới vẫn còn chưa tận hưởng được lợi ích của mạng 5G, cuộc đua phát triển mạng 6G đã bắt đầu nóng lên. Ảnh: Reuters
Các công ty công nghệ Trung Quốc được xem là đang dẫn đầu cuộc đua mạng 5G bất chấp nỗ lực kiềm chế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. 
Giờ đây, cuộc đua mạng 6G có thể giúp Mỹ có cơ hội lật ngược tình thế trong công nghệ không dây. Một số chuyên gia nhận định Mỹ sẽ không dễ dàng để cơ hội trên vuột khỏi tầm tay và sự cạnh tranh cho vị trí thống trị mạng 6G thậm chí sẽ còn quyết liệt hơn mạng 5G. 
Rõ ràng là các nhà hoạch định chính sách ở cả Washington và Bắc Kinh đều để mắt đến 6G. 
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm 2019 từng viết trên Twitter rằng ông muốn nước Mỹ có mạng 6G "càng sớm càng tốt". Đến tháng 10-2020, Liên minh Next G đã ra đời ở Mỹ với mục tiêu thúc đẩy vai trò dẫn đầu của Bắc Mỹ trong 6G.
Các thành viên của liên minh này gồm những tên tuổi công nghệ như Apple Inc, AT&T Inc, Qualcomm Inc, Google (đều của Mỹ), Samsung Electronics Co (Hàn Quốc) nhưng không có Huawei (Trung Quốc)
Trong khi đó, Trung Quốc hồi tháng 11-2020 đã phóng một vệ tinh để thử nghiệm mạng 6G. Tập đoàn Huawei cũng lập một trung tâm nghiên cứu 6G ở Canada.  Ngoài ra, nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE Corp (Trung Quốc) tham gia phát triển công nghệ này. 
Không chịu đứng ngoài cuộc, Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 12-2020 công bố dự án 6G do Nokia đứng đầu và có sự tham gia của các công ty như Ericsson AB (Thụy Điển), Telefonica SA, (Tây Ban Nha) và một số trường đại học. 
Cuộc đối đầu về 5G khiến thế giới bị chia rẽ. Sau khi chính quyền thời ông Trump xem Huawei là một rủi ro an ninh, một số nước như Nhật Bản, Úc, Thụy Điển, Anh...đã nói không với mạng 5G của công ty này. Dù vậy, Huawei lại được hoan nghênh ở Nga, Philippines, Thái Lan và một số nước ở châu Phi, Trung Đông.
Theo một số nhà phân tích, Huawei và các công ty khác của Trung Quốc vẫn sẽ đối mặt vấn đề thiếu niềm tin như trên một khi mạng 6G bắt đầu được triển khai. 
Phương Võ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.