Giải pháp công nghệ thông tin khẳng định vai trò trong đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc thúc đẩy số hóa và ứng dụng rộng rãi các giải pháp ICT đã giúp các nền kinh tế mới nổi ứng phó với những tác động của đại dịch.
 
Khách hàng chờ đợi tại quán càphê ở Daejeon khi robot nhận đơn hàng, pha càphê và mang đồ uống đến cho khách hàng. (Nguồn: Reuters)
Khách hàng chờ đợi tại quán càphê ở Daejeon khi robot nhận đơn hàng, pha càphê và mang đồ uống đến cho khách hàng. (Nguồn: Reuters)
Việc nhiều hoạt động được chuyển sang trực tuyến là một trong những tác động rõ rệt nhất của đại dịch COVID-19. Dù không phải không có những thách thức, nhưng việc số hóa đã giúp các chính phủ trên khắp thế giới ứng phó với đại dịch cũng như tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới cho các công ty tư nhân.
Khi mức độ nghiêm trọng của dịch trở nên rõ ràng vào đầu năm, hầu hết các chính phủ đã thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch. Các biện pháp như vậy có những mức độ khác nhau, nhưng cùng đưa đến một số thay đổi, trong đó có việc áp dụng nhanh chóng và sâu rộng các giải pháp kỹ thuật số.
Làm việc từ xa
Khi các lệnh phong tỏa được thực thi và các văn phòng đóng cửa, nhiều người bắt đầu làm việc tại nhà. Các công ty đặt mục tiêu duy trì hoạt động chừng nào có thể thông qua việc kết hợp giữa các chương trình dựa trên điện toán đám mây và các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom của Mỹ, những công ty công nghệ đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng đáng kể trong năm 2020.
Nhiều công ty nhận thấy rằng cách tiếp cận mới là điều bắt buộc nhưng đã mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí thuê văn phòng và không làm giảm năng suất. Một số lao động cũng thấy được những mặt lợi trong giải pháp làm việc từ xa như tiết kiệm thời gian và chi phí liên quan đến việc đi lại.
Các giải pháp công nghệ thông tin (ICT) đóng vai trò quyết định trong việc làm việc từ xa. Vào lúc này, khi thế giới lại thực hiện một đợt phong tỏa mới, làm việc từ xa đã trở thành điều bình thường mới đối với nhiều người.
Ở nhiều nền kinh tế mới nổi có cơ sở hạ tầng ICT kém phát triển, những gián đoạn do dịch trong một số trường hợp đã thúc đẩy những nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Trong một báo cáo hồi tháng Tư, Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định dịch bệnh sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa lĩnh vực công và tư nhằm tăng cường tiếp cận Internet sau cuộc khủng hoảng hiện nay.
Vấn đề đặt ra là việc làm việc từ xa có được duy trì lâu dài khi dịch lắng xuống. Nhiều dự đoán về các tiếp cận linh hoạt, khi nhân viên văn phòng có thể chia thời gian giữa làm việc tại nhà và làm việc tại văn phòng với quy mô nhỏ hơn. Với nhận định đó, các không gian làm việc chung có thể trở thành một hiện tượng ngày càng phổ biến trên toàn cầu.
Học từ xa
Cũng như các văn phòng, hầu hết các nước đã đóng cửa các cơ sở giáo dục ngay khi xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ nhất, yêu cầu việc dạy học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. 
Các nhà chức trách và các giáo viên đã thực hiện chiến lược trên cơ sở ICT. Một giải pháp chung là ghi hình trước một số nội dung mà sinh viên có thể xem trong khoảng thời gian tự sắp xếp và kết hợp với phần mềm họp trực tuyến. 
Bahrain nằm trong số những nước áp dụng giải pháp học trực tuyến hiệu quả. Đa phần năm học 2020 diễn ra trên cổng giáo dục điện tử do Bộ Giáo dục và Cơ quan Chính phủ điện tử và Thông tin Bahrain xây dựng, kết hợp với nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Services.
Công ty viễn thông Bahrain và Zain Bahrain đã thông báo những khách hàng đủ điều kiện để có thể truy cập các trang web giáo dục mà không bị tính phí.
Tuy nhiên, những thách thức liên quan đến việc học trực tuyến chỉ được giải quyết một phần ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Những vấn đề này bao gồm việc chưa được chuẩn bị đầy đủ kiến thức về kỹ thuật số của giáo viên và sinh viên cũng như các vấn đề về kết nối.
Do đó, việc chuyển sang học trực tuyến được quản lý tốt, vẫn cần đầu tư thêm và cần có những sáng kiến về chính sách như đào tạo về kỹ thuật số cho cả sinh viên và giáo viên cũng như công bố các chỉ dẫn và tiêu chuẩn quốc gia về quản lý không gian số.
Các ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số
Khi đại dịch ảnh hưởng lớn đến hầu hết mọi mặt của đời sống thường nhật, các giải pháp dựa trên ICT đã nổi lên.
 
Kiểm tra thân nhiệt và mã sức khỏe nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 17/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Kiểm tra thân nhiệt và mã sức khỏe nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 17/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Chẳng hạn, tại Maroc, một loạt các quy trình từ bộ máy chính phủ đến các thủ tục hải quan đã được chuyển sang trực tuyến, trong khi các nền tảng ICT cũng được sử dụng để chính phủ có thể hỗ trợ người dân. 
Ở các nước khác, các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số đã điều chỉnh các dịch vụ trong bối cảnh đại dịch, trong đó có các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á là Gojek của Indonesia và Grab có trụ sở tại Singapore. Trong khi đưa đến việc tái cơ cấu hoạt động và dừng một số dịch vụ có lợi nhuận thấp, đại dịch đã củng cố vị trí của các siêu ứng dụng.
Đặc biệt, dịch vụ giao đồ ăn và hàng hóa đã phát triển khi nhu cầu gia tăng mạnh do khách hàng tuân thủ các yêu cầu giãn cách xã hội và tránh các khu chợ và cửa hàng đông người. 
Nhờ số đơn hàng giao đồ ăn tăng trong khi nhu cầu gọi xe giảm, dịch vụ giao đồ ăn hai năm qua của Grab đã vượt dịch vụ vận tải, trở thành mảng kinh doanh chính của công ty này trong năm 2020.
Thêm vào đó, cả Gojek và Grab đã nhanh chóng mở rộng các dịch vụ tài chính sang thanh toán trực tuyến và tăng cường các dịch vụ khác như dịch vụ bảo hiểm và cho vay doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một lĩnh vực khác mà các ứng dụng cũng đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh dịch là y tế. Một ví dụ điển hình là Viện Tin học Qatar (QCRI) đã phối hợp với Bộ Y tế Công cộng trong việc phát triển một loạt các nền tảng kỹ thuật số mới.
Ở những nơi khác, công ty cung cấp dịch vụ khám bệnh từ xa Halodoc đã cùng với các công ty công và tư khác triển khai việc khám bệnh từ xa và giao thuốc đến nhà. 
Ngân hàng và công nghệ tài chính
Có thể một trong những thay đổi lớn hơn trong đại dịch là những hoạt động liên quan đến ngân hàng điện tử. 
Khi các hoạt động mua sắm và giao dịch ngày càng ít dùng tiền mặt và hướng đến các kênh điện tử trong giai đoạn dịch, cả các ngân hàng trung ương và các ngân hàng tư trên khắp thế giới tiếp tục khai thác tiềm năng của ngân hàng di động và công nghệ tài chính.
Chẳng hạn, ở Kenya, Ngân hàng trung ương nước này đã miễn phí giao dịch tài chính được thực hiện thông qua ngân hàng di động, trong khi Chính phủ Myanmar áp dụng việc cấp tiền hỗ trợ một lần cho những người dân dễ bị tổn thương thông qua các nền tảng kỹ thuật số như Wave Money và OnePay.
Hồi tháng 6/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo sẽ cấp 50 tỷ USD cho châu Phi trong 15 tháng nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. WB nhận thấy việc bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là cần thiết để nền kinh tế có thể phục hồi.
Các SME tại châu Phi chịu tác động lớn do dịch. Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ tài chính đã giúp các công ty này vượt qua được những thách thức, chủ yếu nhờ việc thực hiện các giao dịch kỹ thuật số và tiếp cận tín dụng nhanh và thuận lợi. 
Việc thúc đẩy số hóa và ứng dụng rộng rãi các giải pháp ICT đã giúp các nền kinh tế mới nổi ứng phó với những tác động của đại dịch. Điều này cũng chứng tỏ những lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại cho các chính phủ, doanh nghiệp và các cá nhân.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.