Facebook bị kiện cáo bủa vây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lúc tham gia vào nỗ lực ngăn chặn Covid-19 trên toàn cầu, Facebook vẫn phải đối mặt với nhiều vụ kiện lớn từ đầu năm đến nay.
 
Giữa mùa đại dịch, Facebook đang đối mặt nhiều án phạt. ẢNH: REUTERS
Kết thúc năm 2019 sau khi thua kiện tỉ phú Hà Lan John de Mol về cáo buộc quảng cáo lừa đảo về Bitcoin và bị tòa án yêu cầu đóng phạt 1,2 triệu USD nếu không có biện pháp xử lý, Facebook bắt đầu năm 2020 với hàng loạt cáo buộc khác từ lớn đến nhỏ.
Mức phạt chưa từng có
Tòa án liên bang Mỹ cuối tháng 4 thông qua mức phạt 5 tỉ USD dành cho Facebook trong vụ kiện với Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC). Bên cạnh tiền phạt, tòa án cũng yêu cầu Facebook báo cáo thường xuyên về việc thực hiện thỏa thuận và thành lập Ủy ban Giám sát độc lập về quyền riêng tư.
Facebook đặt cược vào Ấn Độ

Facebook đặt cược lớn vào Ấn Độ khi đầu tư 5,7 tỉ USD cho Jio Platforms, công ty con của tập đoàn đa quốc gia Reliance Industries. Jio đang vận hành các dịch vụ mạng như băng thông rộng, dịch vụ di động và nền tảng thương mại trực tuyến.

Theo tờ Financial Times, Facebook và Reliance có kế hoạch kết hợp dịch vụ WhatsApp và Jio để tạo ra một siêu ứng dụng tương tự WeChat của Trung Quốc. WhatsApp, ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook, hiện có khoảng 400 triệu tài khoản tại Ấn Độ, nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

“Đây là khoản tiền phạt chưa từng có tiền lệ mà một đơn vị bảo vệ người tiêu dùng từng đạt được”, Chủ tịch FTC Joe Simons tỏ ra hài lòng. Trong khi đó, đại diện của Facebook Michel Protti khẳng định các biện pháp mà công ty đã đề xuất có thể bảo vệ quyền riêng tư một cách toàn diện.
Những người ủng hộ quyền riêng tư vẫn phản đối thỏa thuận vì cho rằng hình phạt quá nhẹ tay với Facebook sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu nghiêm trọng xoay quanh Công ty Cambridge Analytica (Anh), theo tờ The Wall Street Journal ngày 25.4. Vào năm 2018, Cambridge Analytica bị tố đã thu thập trái phép thông tin hàng chục triệu người dùng Facebook.
Cũng liên quan đến vụ bê bối, chính phủ Úc đầu tháng 3 tuyên bố đang làm thủ tục kiện Facebook đòi bồi thường cho 311.127 người dân bị Cambridge Analytica khai thác dữ liệu cá nhân cho mục đích chính trị. Mức yêu cầu bồi thường có khả năng lên tới 529 tỉ USD, theo Techcrunch. “Các yêu cầu cài đặt của Facebook khiến người dùng không được phép lựa chọn hay kiểm soát cách bảo mật thông tin cá nhân của họ”, Ủy viên Thông tin và bảo mật Úc Angelene Falk nhận định.
Trước đó năm 2019, Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (ICO) phạt Facebook số tiền 645.000 USD vì thu thập và để lộ thông tin của ít nhất 1 triệu người dùng nước này, mức phạt cao nhất theo đạo luật Bảo vệ dữ liệu của Anh năm 1998.
Theo dõi người dùng và trốn thuế
Tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ ngày 9.4 đã khôi phục vụ kiện cáo buộc Facebook vi phạm quyền riêng tư bằng cách theo dõi hoạt động người dùng ngay cả khi đã đăng xuất khỏi mạng xã hội này. Một số người dùng cáo buộc Facebook đã âm thầm lưu trữ cookie (lịch sử truy cập web) trên trình duyệt và sau đó bán hồ sơ cá nhân cho các công ty quảng cáo.
Hồi đầu tháng 3, Facebook đánh tiếng sẽ trả hơn 500 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể với cáo buộc vi phạm luật bảo mật người dùng ở bang Illinois (Mỹ). Đơn kiện đệ trình vào năm 2015, cáo buộc Facebook thu thập dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của người dùng một cách bí mật, trái với đạo luật Bảo mật thông tin sinh trắc học của tiểu bang.
Facebook cho rằng việc xử lý nhận dạng khuôn mặt không được tính là dữ liệu sinh trắc học và luật pháp Illinois cũng không áp dụng cho một công ty có trụ sở ở California. Nhưng tòa án đã bác bỏ lập luận này.
Ngoài ra, theo tờ Daily Mail, Sở Thuế vụ Mỹ thông báo rằng Facebook cố tình định giá thấp giá trị tài sản sở hữu trí tuệ đã bán cho một công ty con ở Ireland vào năm 2010 để trốn thuế. Mạng xã hội này sẽ đối mặt với khoản tiền phạt 9 tỉ USD, bên cạnh tiền lãi và các hình phạt khác.
Facebook cho rằng mức định giá thấp khi ấy là để đề phòng những rủi ro khi mở rộng ra toàn cầu và trước khi hãng lên sàn chứng khoán. Vào thời điểm đó, Facebook chưa có doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động và sản phẩm chưa được xác định cụ thể.
Độc quyền và phân biệt đối xử
Anastasia Boone Talton, nhà tuyển dụng từng được Facebook thuê, ngày 17.3 đã đệ đơn kiện chống lại gã khổng lồ mạng xã hội, đòi bồi thường 100 triệu USD. Talton cho rằng cô bị phân biệt đối xử và quấy rối vì chủng tộc và khuyết tật của mình, bị chèn ép hơn so với các đồng nghiệp nam. Sau khi phàn nàn với lãnh đạo công ty, cô đã bị loại khỏi các sự kiện xã hội của Facebook và được thông báo không “phù hợp với văn hóa công ty”.
Business Insider dẫn lời người phát ngôn của Facebook Bertie Thomson nói: “Chúng tôi không dung thứ cho sự phân biệt đối xử hoặc quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào tại Facebook và hoàn toàn không đồng ý với cáo buộc của Talton”.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị buộc tội vì những hành động tương tự. Năm 2015, cựu nhân viên Chia Hong đã đệ đơn kiện công ty cũ lên tòa án vì phân biệt giới tính và chủng tộc.
Tháng 1 vừa qua, 4 công ty đã kiện Facebook ra tòa án liên bang Mỹ vì cáo buộc hành vi chống cạnh tranh, nói rằng mạng xã hội này đã cố tình gây hại cho các đối thủ tiềm năng. Facebook đã hạn chế quyền truy cập đối với một số ứng dụng của các công ty này từ năm 2012, trong khi vẫn cho phép truy cập các ứng dụng khác.
Ngọc Minh Khuê (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.