Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 3-6, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Phạm Ngọc Linh-Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Làm việc với đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số sở, ban, ngành liên quan.
Tiến tới xây dựng chính quyền điện tử
Theo báo cáo của Tỉnh ủy tại buổi làm việc, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; góp phần tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, tỉnh xác định đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Theo đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ; kết nối, liên thông văn bản 4 cấp “Trung ương-tỉnh-huyện-xã” từ năm 2016 và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện gửi, nhận hơn 1,6 triệu văn bản điện tử. Hệ thống một cửa điện tử liên thông đã được triển khai đến 181/222 xã, phường, thị trấn và theo kế hoạch đến tháng 6-2019 sẽ có 100% cấp xã triển khai hệ thống này. Toàn tỉnh có 1.492 thủ tục hành chính, trong đó có 329 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 127 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được tích hợp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ được xử lý mức độ 3 đạt 77,3%, mức độ 4 đạt 55,72%.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng, cung cấp thí điểm một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thông qua các ứng dụng trên các thiết bị di động và tích hợp trên mạng xã hội Zalo để tạo thuận tiện cho công dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2009 với hơn 50 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đăng ký sử dụng; hơn 9.000 cán bộ, công chức được tạo lập và cấp hộp thư điện tử công vụ. Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử cho công việc đạt tỷ lệ hơn 70%...
Vẫn còn hạn chế
Sau khi nghe báo cáo chung của tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, các thành viên trong đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề còn hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 36 trên địa bàn tỉnh.
44Đoàn khảo sát thực tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai-Ảnh Hồng Thi
Đoàn khảo sát thực tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 36; đồng thời khảo sát thực tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nêu rõ, việc ứng dụng và phát triển CNTT ở địa phương mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa có sự đột phá và còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tỉnh có diện tích khá rộng (lớn thứ 2 cả nước); dân cư phần đông là người dân tộc thiểu số; xuất phát điểm cũng khá thấp. Hiện nay, tỉnh vẫn còn 66/182 xã đặc biệt khó khăn, 664/2.165 làng đặc biệt khó khăn; thu ngân sách chỉ đạt 4.200 tỷ đồng/năm. Mặt khác, tại 222 xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT mà chỉ làm kiêm nhiệm. Các doanh nghiệp ở tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ nên chưa chú trọng quảng bá trên mạng internet; còn lúng túng trong ứng dụng CNTT vào quản lý và sản xuất, kinh doanh… Tuy vậy, hàng năm, tỉnh vẫn cố gắng bố trí khoảng 30 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực CNTT, chưa kể nguồn xã hội hóa của các ngành, địa phương.
Kết luận buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Linh đánh giá cao những kết quả mà Gia Lai đã đạt được khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh các dự án, hạ tầng để đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong 5 năm tiếp theo. Đặc biệt, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền khi triển khai thực hiện; chú trọng kết nối thông tin đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực CNTT và tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho người dân và doanh nghiệp.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.
Mạng 5G và xu hướng phát triển các sản phẩm trên nền tảng viễn thông công nghệ cao

Mạng 5G và xu hướng phát triển các sản phẩm trên nền tảng viễn thông công nghệ cao

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tại Việt Nam phối hợp với Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về nhà mạng, nhà cung cấp băng thông rộng di động và điện toán đám mây thế giới năm 2024.