Việt Nam thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên với tốc độ gần 1,7 Gbps

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tập đoàn Viettel cùng công ty Ericsson (Thụy Điển) vừa thực hiện kết nối mạng di động 5G chính thức lần đầu tiên tại Việt Nam vào sáng 10/5/2019.
Tham dự buổi thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh, đại diện lãnh đạo tập đoàn Viettel và GĐ công ty Ericsson Việt Nam. 
Thử nghiệm kỹ thuật này được Viettel thực hiện nhằm đánh giá về khả năng ứng dụng công nghệ 5G trong thực tiễn tại Việt Nam. Tại sự kiện, tốc độ kết nối mạng 5G với thiết bị đầu cuối đã đạt từ 1,5 – 1,7Gbps – vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.
Việt Nam sẽ là một trong những nước tiên phong về ICT
Phát biểu tại buổi thử nghiệm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực tiên phong triển khai, làm chủ công nghệ của Viettel chỉ trong thời gian chưa đầy 4 tháng kể từ khi nhận giấy phép. 
 Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam.

“Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. ICT là nên tảng thúc đẩy mọi lĩnh vực trong cuộc sống, bởi vậy phải đi trước và phải được đầu tư trước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

“Bộ TT&TT đã giao Viettel thực hiện các nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao, về khả năng phủ sóng trong thành phố, đánh giá về can nhiễu vệ tinh, thử nghiệm tốc độ cao, dung lượng lớn để đánh giá độ suy hao, thử nghiệm các ứng dụng của 5G, trong đó có các ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh, IoT, hệ sinh thái 5G...”. “Bộ TT&TT sẽ công bố quy hoạch tần số cho 5G để sớm làm thủ tục cấp phép dịch vụ 5G.”

Sứ mệnh mới của nhà mạng: Hạ tầng cho chuyển đổi số
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đánh giá chất lượng di động băng rộng của Việt Nam chưa tốt. “Với sự kết hợp 4G và 5G, các nhà mạng phải nâng cao chất lượng băng rộng di động để Việt Nam lọt vào Top từ 30-50 trên thế giới. Hạ tầng viễn thông CNTT sẽ là hạ tầng của kinh tế số. Chúng ta muốn đi đầu thì hạ tầng viễn thông CNTT phải ở hàng đầu của thế giới.” 
 “Thử nghiệm 5G hôm nay của Viettel phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng di động băng rộng trên toàn quốc, và chỉ rõ vai trò của 5G trong mạng di động băng rộng. Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là các khu công nghệ cao, ở đó rất nhiều công nghệ mới sử dụng 5G đang được sử dụng. Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng 5G toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh.” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
“Từ 2G đến 5G, chúng ta nhìn thấy sự di chuyển về làm chủ công nghệ từ châu Âu về châu Á. Những ngày đầu của 2G, không có nhà cung cấp thiết bị nào ở châu Á, nhưng với 5G, các nhà cung cấp thiết bị đã nghiêng về châu Á. Việt Nam đã sản xuất được thiết bị 4G. Mục tiêu đến 2020 chúng ta phải sản xuất được tất cả các loại thiết bị viễn thông, trong đó có thiết bị 5G.”
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu: “Với tư cách là một quốc gia hội nhập toàn cầu, chúng ta sẽ không chỉ tiêu dùng công nghệ của nhân loại, mà còn phải sáng tạo công nghệ, góp phần vào sự phát triển công nghệ của thế giới. Viettel cần phải trở thành một trong những công ty quan trọng nhất của Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông.”
“Nhà mạng viễn thông phải nhìn thấy sứ mệnh mới đối với quốc gia, đó là xây dựng hạ tầng viễn thông CNTT phục vụ cho chuyển đổi số, cho một Việt Nam số. Không chỉ là hạ tầng viễn thông truyền thống, mà còn là hạ tầng dữ liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu (cloud computing), hạ tầng IoT, hạ tầng ứng dụng như một dịch vụ...”.
Tốc độ kết nối mạng 5G với thiết bị đầu cuối đã đạt từ 1,5 – 1,7Gbps – vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE.
Tốc độ kết nối mạng 5G với thiết bị đầu cuối đã đạt từ 1,5 – 1,7Gbps – vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE.
Tại sự kiện, ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ kết nối IoT trên nền 4G LTE-M và NB-IoT đã được Viettel triển khai và trở thành một trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai các công nghệ này. Viettel sẵn sàng các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Viettel cũng xây dựng một đội ngũ an ninh mạng lớn nhất và tinh nhuệ nhất Việt Nam để bảo vệ sự an toàn của người dùng trên không giang mạng”.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, cho biết: “Viettel và Ericsson đều nhận thấy tầm quan trọng của việc sử dụng mạng 5G trong việc áp dụng, nâng cao lợi ích của CMCN 4.0, hứa hẹn sẽ thúc đẩy số hoá tất cả các ngành như sản xuất, vận tải, nông nghiệp, năng lượng, y tế và giáo dục. Bằng việc sớm mang các dịch vụ 5G đến Việt Nam, Viettel và Ericsson đang xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo cho CMCN 4.0, góp phần tạo nên làn sóng phát triển kinh tế xã hội mới.”.
Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Mục tiêu của quá trình thử nghiệm này chính là nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ TT&TT đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với cơ sở hạ tầng hiện tại. Từ đó, Bộ TT&TT có cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020 theo đúng kế hoạch.
Huy Phong (VIE)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.