Smartphone làm bằng thép hay nhôm bền hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thép không gỉ cứng và bền nhưng giá thành sản xuất cao, nên nhôm xuất hiện nhiều trên smartphone do chi phí rẻ hơn.

Trong khoảng 5 đến 7 năm trở lại đây, đa phần các nhà sản xuất smartphone trang bị chất liệu nhôm cho sản phẩm của mình thay vì nhựa. Gần đây, Apple và một số hãng khác đưa thép không gỉ vào sản phẩm. Vậy độ bền của chúng khác nhau thế nào?

Điểm mạnh của thép không gỉ

Theo Phonearena, thép không gỉ là một vật liệu tuyệt vời, với khả năng chống ăn mòn cao, khá sang trọng khi đánh bóng và đặc biệt là rất cứng. Thực tế, độ bền cơ học của nó vượt trội so với hầu hết hợp kim nhôm, chịu va đập mà không để lại vết lõm sâu, trầy xước cũng như rất khó bị uốn cong. Đó là lý do tại sao nó được sử dụng cho những sản phẩm cao cấp như đồng hồ hạng sang, phụ tùng ô tô... Gần đây, chất liệu này dùng cho smartphone, như iPhone X, XS, XS Max.


 

 iPhone X (phía trên) sử dụng khung thép nguyên khối, trong khi iPhone XR dùng hợp kim nhôm.
iPhone X (phía trên) sử dụng khung thép nguyên khối, trong khi iPhone XR dùng hợp kim nhôm.



 Ưu điểm của nhôm

Nhôm là kim loại có thể được tìm thấy bất cứ ở đâu trong thế giới hiện đại, từ vỏ lon đồ uống, bao bì thực phẩm đến thành phần cho máy bay. Nó cũng xuất hiện trên hầu hết smartphone đang có mặt trên thị trường, như Samsung Galaxy S9, Google Pixel 3, LG V40 hay mới nhất là iPhone XR.

Nhôm không bền như thép không gỉ nhưng lại có nhiều ưu điểm khác. Nó có thể đắt hơn thép ở một đơn vị trọng lượng, nhưng khối lượng của nó gấp 2,5 lần. Về mặt lý thuyết, một tấn nhôm sẽ tạo ra lượng thành phẩm cao hơn 2,5 lần so với một tấn thép.

Nhờ đặc tính mềm hơn, việc tạo hình cho nhôm dễ dàng hơn, đặc biệt là các bộ phận đòi hỏi tính chi tiết cao, từ đó giảm chi phí sản xuất. Riêng với điện thoại, nó hỗ trợ tản nhiệt tốt hơn, giúp  làm mát thiết bị hiệu quả hơn, cũng như dễ áp dụng màu hơn so với thép.

Đa số smartphone đang sử dụng hợp kim nhôm

Ở trạng thái nguyên chất, nhôm rất mềm và có thể biến dạng chỉ với lực nhẹ. Do đó, để tăng độ cứng, nhà sản xuất thường thêm kim loại khác. Hiện có khoảng 500 hợp kim nhôm, mỗi loại có độ bền riêng tùy thuộc vào hàm lượng kim loại đi kèm.

 

 Galaxy S9 và Galaxy S9+ dùng nhôm series 7000.
Galaxy S9 và Galaxy S9+ dùng nhôm series 7000.



Theo Aluminum.org, để phân loại dựa trên độ cứng, nhôm có các series khác nhau. Ví dụ, lá nhôm mỏng để bọc thực phẩm trong nhà bếp thuộc series 1050 hoặc 1100, trong khi vỏ lon bia hoặc nước ngọt là 3004, là hợp kim với mangan. Trong khi đó, nhôm dùng cho điện thoại có chỉ số cao hơn, như iPhone 6 sử dụng nhôm series 6000 (hợp kim với silic và magie) hay iPhone 7, Samsung Galaxy S9 dùng series 7000 (hợp kim với kẽm).

Theo một số chuyên gia, thép không gỉ có độ bền cao nhưng trong tương lai gần, các nhà sản xuất smartphone vẫn dùng nhôm cho thiết bị của mình. Điều đó không quá khó hiểu khi chất liệu này dễ áp dụng cho sản phẩm hơn và chi phí sản xuất, gia công cũng thấp hơn.

Bảo Lâm (VNE)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.