Facebook thừa nhận Portal có thể thu thập dữ liệu người dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phần cứng thông minh này có khả năng trở thành một con "quái vật" trong việc thu thập dữ liệu người dùng, phục vụ mục đích kinh doanh của Facebook.

 



Tuần trước, Facebook ra mắt Portal, thiết bị thông minh có màn hình hỗ trợ trò chuyện trực tuyến. Theo Recode, báo cáo ban đầu của công ty khẳng định các dữ liệu thu thập bởi Portal sẽ không được sử dụng cho việc quảng cáo nhắm mục tiêu với người dùng trên Facebook.

Tuy nhiên sau hơn một tuần, Facebook đã rút lại quan điểm này. Công ty cho biết trong một tuyên bố mới rằng cuộc gọi video được xây dựng trên cơ sở hạ tầng Messenger. Vì vậy, các thông tin cùng loại (như thời lượng, tần suất cuộc gọi...) có thể được sử dụng cho quảng cáo hiển thị hướng tới người dùng. Các loại dữ liệu chung khác, như tổng hợp về việc sử dụng ứng dụng, cũng có thể cung cấp thông tin để Facebook phân phối quảng cáo.

"Tôi nghĩ các đồng nghiệp trước đó muốn nói rằng chúng tôi không định sử dụng dữ liệu khách hàng. Nhưng có khả năng, nó sẽ được sử dụng", Rafa Camargo, Phó Chủ tịch Facebook Portal, nói về sự thay đổi trong thông báo mới.

 Điều này cũng khiến nhiều người phải cân nhắc lại việc bỏ ra 200 USD hoặc nhiều hơn để mua một thiết bị có micro và máy ảnh nhưng lại thu thập thông tin cá nhân rồi biến chúng thành lợi nhuận thông qua quảng cáo.

Thực tế, Facebook không phải là công ty duy nhất có tham vọng này. Amazon và Google cũng sử dụng các thiết bị thông minh của mình để thu thập những dữ liệu tiềm năng. Một số báo cáo cho thấy Echo Show của Amazon sử dụng máy ảnh để phân tích trang phục của mọi người, sau đó dùng thông tin này để giới thiệu các loại quần áo có thể mua. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch giới thiệu một số thương hiệu cụ thể khi người dùng hỏi trợ lý ảo Alexa về những thứ nhất định. Trong khi đó, Google không chủ động nghe trộm khách hàng nhưng đã thử nghiệm việc giới thiệu và quảng cáo cho các thiết bị dòng Home của mình. Tuy nhiên, có một điểm sáng mới là Google đã loại bỏ máy ảnh ra khỏi thiết bị Home Hub để đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng.

Trong nhiều năm qua, Facebook đã phải đấu tranh với vấn đề quyền riêng tư và bảo mật. Đã gần một thập kỷ kể từ khi Mark Zuckerberg đưa ra tuyên bố nổi tiếng, nói rằng sự riêng tư không còn là "tiêu chuẩn xã hội". Từ đó tới nay, công ty đã cố gắng làm phai mờ đi tuyên bố này nhưng liên tiếp các bê bối về dữ liệu xảy ra khiến nó càng được ghi nhớ sâu đậm. Hồi đầu năm nay, scandal Cambridge Analytics khiến thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng bị rò rỉ. Còn tuần trước, Facebook thừa nhận đã bị tấn công khiến dữ liệu cá nhân của khoảng 30 triệu người dùng bị tổn hại. Dù phạm lỗi hay chỉ tình cờ, Facebook đang không thể bảo vệ sự riêng tư của người dùng.

Nhưng Facebook luôn muốn nắm trong tay dữ liệu của khách hàng, bởi về bản chất đây là một công ty dữ liệu. Họ kiếm được nhiều tiền bằng cách thu thập dữ liệu từ hàng tỷ người, sau đó bán quảng cáo được nhắm mục tiêu với các dữ liệu đó. Vì vậy, nhiều chuyên gia không quá ngạc nhiên khi thấy công ty này dấn thân vào lĩnh vực phần cứng, bởi điều này đồng nghĩa với việc khuếch đại quá trình thu thập dữ liệu trong tương lai.

Bảo Nam (VNE)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.