Mùa hoa rực rỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đang ở giữa một chiều rực rỡ mùa hoa. Sắc vàng của dã quỳ miên man chảy từ đỉnh núi xuống mãi thung sâu. Ngước mắt từ dưới lên hay thả tầm nhìn từ trên cao xuống, cũng vẫn là một sắc vàng đầy mê đắm giữa đất trời.

Tôi đã từng lạc trong những chiều vàng như thế, vào mỗi mùa rực rỡ. Giữa những con đường nhỏ suộm sắc bazan dẫn lối quanh quanh, hết dốc cao xuống đến thung sâu, từ lòng phố ra tới ngoại ô. Mỗi năm, khi mùa hoa về, con người như lạc vào một miền thơ thới giữa sắc quỳ vàng nhuộm thắm cả không gian.

Chỉ là loài hoa dại, không mất chút công sức gieo trồng và chăm sóc nào, nhưng mỗi năm khi mùa đến, những cây dã quỳ như gom hết nắng trời cao nguyên để tô màu cho hoa, rồi lại nhuộm vào đất trời những khoảnh khắc rực rỡ nhất khi những đóa hoa khoe sắc. Mùa hoa quỳ nở, màu bazan như thắm hơn, nắng như đượm hơn quyện vào với sắc hoa bung biêng mọi nẻo dưới mây trời. Mùa hoa nở, tôi thường hay chậm lại, bởi những khoảnh khắc phố xá chợt như trở nên đẹp quá. Ngay phía sau những dãy nhà hai bên mặt phố, gần như bất kỳ con hẻm nào cũng có thể bắt gặp ít nhiều những bụi, những vạt hoa vàng. Một khoảng đất trống, cạnh một bức tường cũ phủ đầy rêu, thậm chí chỉ một khe hở nhỏ giữa những bê tông gạch đá, cũng vươn lên vài nhánh dã quỳ.

Ảnh minh họa: Phạm quý
Ảnh minh họa: Phạm quý


Giữa lòng phố, chọn một chỗ ngồi có view thoáng đãng, nhìn xuống những thung lũng thoai thoải dốc đồi, chỗ nào cũng chạm vào màu vàng của dã quỳ. Tôi đã từng rất lấy làm lạ, không hiểu sao suốt cả một mùa khô kéo dài đến nửa năm trời, nắng và gió hong đất đai khô cong, cỏ cây cháy kiệt dưới nắng trời, những thân dã quỳ cũng như hoàn toàn biến mất. Vậy mà rồi khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống, đất đai như cựa mình để cho cỏ cây thức dậy. Những vạt dã quỳ mướt xanh chen nhau mà lớn. Chẳng mấy ai để ý đến sự có mặt của chúng, cho đến một ngày, gió ngun ngún đem theo cái lạnh len vào da thịt, mưa vắng thưa dần, những đóa hoa đầu tiên nở căng ra giữa lá biếc, rồi vòm hoa cứ rực rỡ dần.

Tôi có lần, ngồi giữa một chiều hoa vàng, cùng chúng bạn râm ran chuyện cũ, như trôi đi giữa đồi hoa đang độ viên mãn nhất, lòng bất giác thốt lên: “Đã trót mang thân hoa dại/Sao em còn rực rỡ vàng/Cao nguyên thênh thang nắng gió/Nhờ em thêm chút nồng nàn”. Cái nồng nàn của phố, nồng nàn của dốc đồi nhẹ điểm vào màu hoa vàng như mê dụ người ta hãy chậm bước chân. Phố nhỏ của chúng tôi bình lặng quanh năm, vẫn còn những khoảng trống đủ cho những khóm hoa vàng nhẹ phẩy một nét cọ duyên dáng điểm xuyết giữa những người xe nhà cửa. Đâu đó giữa cuộc áo cơm bận bịu, có người vẫn chờ đợi khoảnh khắc một đóa hoa đầu mùa xòe cánh thắm, nhẹ nâng trên tay ghi lại khoảnh khắc ấy, rồi gửi cho bạn bè. Như một giao ước, người đi xa, vào khoảnh khắc ấy, gửi một lời hẹn trở về khi mùa hoa rực rỡ.

Dã quỳ cứ nhẩn nha nở. Khoảnh khắc rực rỡ nhất cũng chỉ bừng lên ngắn ngủi giống bất cứ một đời hoa nào. Sau đó, những đóa hoa cuối mùa lác đác nở rất lâu, kéo dài đến tận sau Tết Nguyên đán. Khi cỏ cây dần khô dưới nắng, những thân dã quỳ cũng tận hiến đến vẻ đẹp sau cùng, rồi lặng lẽ đợi một mùa hoa mới. Mỗi năm một lần xuất hiện, những đóa hoa dại ấy không chỉ làm đẹp cho đất trời, mà còn để lại bao luyến nhớ trong lòng người, nhất là những người đã từng gắn bó rồi lại phải đi xa.

Tôi vẫn thật chậm vòng xe mỗi lần rẽ xuống con dốc nhỏ về nhà mình. Thấp thoáng sau bức tường rêu xam xám màu thời gian, những bông dã quỳ vẫn lác đác thắm vàng trong nắng gió hanh hao. Khoảnh khắc rực rỡ nhất đã trôi qua, những đóa hoa cuối cùng sẽ nối nhau nở nốt, như sự tận hiến của một đời sống đầy mê say, náo nức, dâng hiến đến kiệt cùng.

 

 ĐÀO AN DUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.