Dệt nỗi nhớ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa không chỉ được “định danh” bằng quy luật thời gian, dựa theo thời tiết, khí hậu. Là bởi, có những mùa rưng rưng trong ký ức tuổi thơ dệt thành nỗi nhớ da diết trôi theo tháng ngày.

Tiết trời cuối năm se se lạnh, sương len lỏi vào từng sợi nắng khi chiều buông. Con đường làng bỗng rộn rã tiếng cười đùa của đám trẻ con. Đứa thì gùi, đứa thì cầm thúng, rổ, có đứa ì ạch túm lê bao cà phê đầy ắp trên những con đường từ rẫy về nhà. Bụi đỏ bazan vởn lên trong nắng. Con đường hằn lên những dấu trượt dài như vết dấu thời gian lưu luyến. Tôi chợt thấy mình trong dáng vẻ thân thuộc ấy.

  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Cả năm đội mưa nắng, tảo tần hôm sớm, dân làng đều mong đợi đến ngày thu hoạch nên người nào người nấy đổ ra vườn rẫy nườm nượp. Mùa này, từ vườn này sang rẫy khác, lúc nào cũng tấp nập, đông vui. Tôi nhớ những buổi sáng đi học trong mù mịt sương, lối ngược, lối xuôi nào cũng gặp xe công nông, xe máy, thậm chí là cả đoàn người rộn rã ra rẫy hái cà phê. Không khí nhộn nhịp, những gương mặt hân hoan đã xua tan đi những cơn gió lùa thông thốc, những ngày lạnh nơi núi rừng Tây Nguyên. Lòng tôi cũng chộn rộn mong đến cuối tuần được nghỉ học để đi mót cà phê.

Thời ấy, giá 1 ký cà phê chưa đến 3 ngàn đồng. Bố tôi vẫn thường hay nói “bán cân cà phê chưa mua nổi cân cà pháo”. Bởi thế, đám trẻ xóm tôi rất dễ xin đi mót cà phê ở các vườn sau khi thu hoạch. Chỉ lác đác dăm quả trên cành, vài quả vương vãi sót lại ở hố cà phê bị lá che lấp, vậy mà vui, mà mừng reo hớn hở. Có hôm, anh em tôi cặm cụi đi mót cả buổi chưa đầy rổ cà nhưng vẫn đầy háo hức. Gom góp cả mùa đi mót, rồi bán cà phê ấy đi đủ tiền mua được đôi dép nhựa tổ ong, vài quyển vở mới… đã mừng lắm rồi!  

Tôi nhớ hôm ấy, cô chủ vườn gọi anh em chúng tôi lại bảo: “Mai mang theo chổi, vườn nhà cô chưa quét gốc đâu, cô cho mót cà rồi quét lá tấp xuống hố ép xanh gọn lại cho cô là được”. Anh em tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng. Chúng tôi làm rồi dọn vườn cho cô hơn cả tuần mới xong. Hôm đầu tiên anh em chúng tôi làm đến tận lúc trời nhá nhem tối. Ham quá, cứ thấy cà phê là cắm cúi nhặt rồi quét. Quét rồi nhặt. Đến khi mệt đừ, gốc cây tối chẳng thấy đường mới dừng lại. Cả đám trong xóm chẳng đợi được nên về trước. Bố mẹ tôi tá hỏa đi tìm con vì sợ xảy ra chuyện. Suýt chút nữa anh em tôi bị ăn đòn. Năm ấy, anh em tôi nuôi được con heo đất béo mẫm, đủ mua cho mỗi đứa một bộ quần xanh áo trắng mới tinh, vừa để mặc Tết, vừa để đi học. Cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi mua được những món quà nho nhỏ cho bản thân lúc ấy quả thật rất lạ kỳ.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, những đứa trẻ trên mảnh đất Tây Nguyên này đã trải qua bao nhiêu mùa mót cà phê, gom góp ký ức để trưởng thành, mót những rớt rơi của mùa để lại mà dệt nên nhớ thương trong mình, để hiểu, để yêu hơn mảnh đất đã nuôi dưỡng mình lớn lên.

 

TRÚC PHÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.