Qua miền cỏ cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa mưa năm 1983, tôi về Đội 4 (Công ty Cao su Chư Prông) thăm bạn. Từ trên triền dốc nhìn xuống, dãy nhà tập thể nửa mái chìm trong biển cỏ đuôi chồn. Mưa rả rích, những khóm cỏ trĩu nước choài ra lối đi như đan lưới. Trong ánh chiều chạng vạng, chợt nghe bâng quơ một cảm giác quạnh vắng đến nao lòng. 
Đã gần 40 năm qua, tôi vẫn còn ấn tượng với loài thảo dã đặc trưng của miền đất Gia Lai ngày ấy. Chẳng một khoảnh trống nào của đất lại không có sự hiện diện của cỏ. Ngay ở Pleiku, chỉ ra khỏi trung tâm một quãng, tầm mắt đã ngợp trong chân trời của cỏ đuôi chồn. Đuôi chồn là loại cỏ có thể cao tới ngang vai người. Chúng mọc thành từng khóm, thân hình ống phân thành đốt, lá thuôn dài hình lá lúa, mép hình răng cưa rất ráp. Bộ rễ chùm bám chắc vào đất. Hoa xốp như bông lau, màu nâu nhạt, trông giống đuôi con chồn, chứa hàng ngàn hạt nhỏ li ti. Trong muôn vàn loài cỏ, có lẽ cỏ đuôi chồn đứng đầu bảng về sức sống.
Ngày ấy, ai có dịp đến các vùng đất mới vỡ hẳn sẽ có một ý niệm đầy đủ về sức sống của loài cỏ này. Trên những khoảnh đất đã đốt dọn, chỉ 1-2 cơn mưa đầu mùa đã thấy cỏ xuất hiện. Thoạt đầu, chỉ vài khóm vẻ yếu ớt, vô hại, thế nhưng, chỉ sau vài trận mưa dầm, chúng đã bật dậy ngỡ như được đùn ra từ đất. Rồi cứ thế thảm nọ nối thảm kia, ùn ùn nuốt chửng vào lòng nó tất thảy những loài yếu thế. Ngạo nghễ, tung hoành cho tới khi những cơn gió mùa khô cuồng nộ nổi lên se sắt, chúng mới lả dần để lại những đám thân khô xác. Nhưng như một kẻ ranh mãnh, chúng chỉ thoát xác chờ những cơn mưa để lại tiếp tục bật dậy trong cái vòng sinh nở luân hồi.
Cỏ đuôi chồn. Ảnh: Thái Bình
Cỏ đuôi chồn. Ảnh: Thái Bình
Những năm Gia Lai-Kon Tum sôi động trong chương trình vỡ đất, dễ đã hàng chục lần, tôi từng từ xã Bình Giáo qua Công ty Cao su Chư Prông để về trung tâm huyện. Đây là vùng đất để lại trong tôi một dấu ấn đặc biệt về loài cỏ này. Giữa mênh mông chỉ đôi bóng cây kơ nia còi cọc, ngút mắt một sắc cỏ đuôi chồn. Chúng kết thành bức tường thành như để khẳng định riêng mình cái giang sơn hoang vu bất diệt. Vẫn biết cái ấn tượng ấy đã quá xa xăm, vậy mà ngày trở lại mấy năm về trước, mới chớm qua cầu Ia Drăng tôi đã không kìm được sự ngạc nhiên. Con dốc xưa lổn nhổn ngập trong bụi đỏ giờ san sát những căn nhà xây kiểu Thái mái tôn đỏ chót. Lối mòn ngợp cỏ năm nào giờ là con đường trải nhựa xuyên giữa 2 bức tường cao su tăm tắp. Từ đỉnh đồi phóng tầm mắt ra 4 phía thảy đều ngăn ngắt chân trời cao su. Khoảng trống duy nhất trên vùng đất hoang hóa bây giờ chỉ còn cái vệt đường băng sân bay dã chiến ngày trước của quân đội Mỹ. Đất chết giờ đã trở thành Nông trường Thống Nhất thuộc Công ty Cao su Chư Prông.
Đâu chỉ một vùng đất này cuộc sống đã vượt lên quá bao điều tôi nghĩ. Tôi nhớ làng Quen Grai (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) với một con người khá đặc biệt-ông Puih Blang. Thời chống Mỹ, ông là Xã đội trưởng, là người đã dìu dắt rồi đưa người anh hùng nhỏ tuổi Kpă Klơng vào du kích. Một chiều mưa năm 1990, tôi tìm đến nhà ông để bòn chút tư liệu cho bài báo Tết. Lối vào làng ngập giữa 2 bức tường cỏ đuôi chồn. Từ nhà ông trông ra, 4 phía cũng thâm u một màu cỏ úa. Câu chuyện về Kpă Klơng hôm đó hóa ra chỉ chiếm một dung lượng nhỏ. Phần lớn thời gian, tôi đã nghe nỗi lòng đau đáu của ông. Đánh vật cạn lực với cỏ để giành hạt lúa mà hết mùa chưa đầy tháng, làng đã có người đói rồi. Hạt lúa thì mỗi lúc một gầy mà cỏ thì mỗi ngày mỗi khỏe… Về làng hôm nay với bạt ngàn cao su, cà phê xanh ngắt, những ngôi nhà xây khang trang, đi trên những con đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ, tôi đã từng tự hỏi: Có thể nào tin được đây từng là một ngôi làng nghèo đói đến xót xa?
Bao ngôi làng, tụ điểm dân cư và bao công ty, nông trường, cuộc sống hôm nay đã được xây trên nền thảo dã hoang vu như thế. Một ngày trở lại vùng đất xưa, cầm trong tay một bông cỏ đuôi chồn yếu ớt còn sót lại bên vệ đường, lòng chợt thấy bâng khuâng: Đã trở thành quá vãng những rừng cỏ đuôi chồn, thứ mà tôi muốn nói đến như “biểu trưng” của một thời vỡ đất gian nan. 
NGỌC TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...