Những vệt nhớ tình cờ gặp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cậu bạn đồng hương hẹn cà phê gửi vài chiếc bánh trung thu cho con. Bạn và tôi chung cảnh xa quê, sống ở Sài Gòn, cách chưa tới 10 cây số mà có khi bình thường cả năm không gặp vì ai bận việc nấy, nhưng gặp thì nhất định phải ngồi hàng tiếng dài để nhắc nhau từng kỷ niệm.

Ngày còn bé, nhà cậu cách nhà tôi chỉ vài trăm mét. Cả hai cùng tuổi nhưng không quen biết nhau khi còn ở quê. Nhưng chúng tôi có những điều rất chung để có thể vui vẻ trò chuyện: đi học chung một đường, trốn vé, xem chui một rạp cải lương, theo mẹ theo bà đi chung một chợ…
 

 


“Ê, nhớ không, chợ chiều phố mình hồi đó cứ mùa này bán đầy bánh dẻo, bánh nướng. Mà trời ơi, toàn bánh nướng hình lợn mẹ lợn con lúc nhúc nhìn yêu tới mức không dám ăn. Bánh dẻo thì thơm lừng mùi hoa nhài chứ không là mùi hương liệu như giờ”, bạn nhắc. Tôi gật gù: Ừ, bên khu nhà ông con nít có đi vòng vòng rước đèn múa lân không? Ở khu tập thể nhà mình Tết Trung thu kéo dài phải cả tuần. Ngày nào cũng đi bộ mỏi chân rước đèn. Mà đèn hồi ấy có đa dạng như của đám con mình bây giờ đâu, toàn đèn ông sao, quả trám…

Đứa bé bày, đứa lớn tự chế. Đứa khéo tay làm đèn kéo quân, đứa không khéo tay làm cái đèn ông sao cũng vẹo vọ, có đứa (chắc chẳng có cái hoa tay nào) hoặc do nhà nghèo quá, lại chỉ xâu hạt bưởi phơi khô đốt lên, tinh dầu hạt bưởi cháy thơm thơm khét khét, nổ lép bép, lóe sáng như loại pháo hoa cầm tay độc lạ. Mỗi đứa một kiểu, mỗi đứa một cảnh mà niềm vui cứ trong veo y nhau, ánh mắt nụ cười đáng yêu y nhau. Đứa nào đứa nấy, đèn này đèn kia, đèn cầu kỳ chen với đèn vụng về kề bên nhau làm thành một vùng sáng lung linh, ấm áp. Chẳng bao giờ có chuyện đứa có đèn kéo quân sang trọng lại không muốn đứng bên cái đứa cầm chuỗi hạt bưởi nổ lép bép, sáng lù mù. Chỉ cần vắng mặt một đứa đã là khuyết đi một niềm vui. Trung thu của chúng tôi, những đứa trẻ ở tỉnh lẻ dịu dàng, mát lành như gió sông thu vậy.

Bạn kể, hồi đó mấy chị em bạn mồ côi bố mẹ, ở với bà ngoại. Bà ngoại kiếm đủ tiền đong gạo là may lắm. Trung thu ăn chung tấm bánh bà mua ở chợ chẳng bõ dính răng. Bà mới ngồi làm kẹo lạc. Bà thắng đường cực khéo, đủ độ giòn, dai vừa chứ không dai nhách, ngọt thơm chứ không đắng gắt.

Đêm Trung thu, mấy bà cháu vui niềm vui giản dị, bẻ những chiếc bánh, kẹo lạc giòn rụm, nói những chuyện vui, gác những buồn phiền cũ, những âu lo tương lai đâu đó. Những điều phiền hà chẳng bao giờ có thể là “khách mời” trong đêm Trung thu.

Nhà tôi cũng chẳng phải khấm khá. Rất nhiều Trung thu không có vị bánh nướng, bánh dẻo trong những ngày mẹ con ở trong khu tập thể. Thậm chí, những nhà khác cũng chẳng mấy nhà khá hơn. Cả công ty mấy trăm đứa trẻ chỉ có dăm chiếc bánh dùng để bày cỗ.

Đêm hội trăng rằm được mở ra trong sân khu nhà trẻ tập thể, xem chị Hằng múa hát, chú Cuội cười nói. Xem xong kịch thì mỗi đứa được túi bánh kẹo nho nhỏ đủ màu xanh đỏ, chia thành từng nhóm nhỏ đi về từng dãy nhà trong khu tập thể. Mỗi dãy nhà chỉ tầm 7-10 căn nhỏ, và dĩ nhiên là rất thân nhau như chung một căn nhà lớn. Đã có một mâm cỗ Trung thu của các bố, mẹ chờ sẵn ở đó. Mâm cỗ Trung thu có chè bưởi cô Hoa nấu, lạc luộc chú Ngọc đưa qua, món cơm cháy khô giòn thơm phức của mẹ tôi làm và vài trái cây quen thuộc của mùa trăng gọi: ổi, na, bưởi...

Món cơm cháy khô rán giòn của mẹ là một trong những món ăn được xem là “cầu kỳ, sang trọng” trong tuổi thơ tôi. Thực chất là tảng cơm vừa cháy sém bám đáy nồi, phơi nắng khô giòn. Tới khi cần ăn thì đổ chút mỡ lợn, nóng già, bỏ cơm cháy đã phơi khô vào. Miếng cơm cháy sẽ phồng lên, dậy mùi thơm béo ngậy. Trước khi tắt bếp, mẹ sẽ rải một lớp mỏng đường lên để món cơm cháy hấp dẫn hơn. Chỉ vậy, và chúng tôi sẽ giành nhau ăn đến những hạt cơm cháy vương lại cuối cùng. Có đứa sau khi ăn còn mút tay thun thút.

Bạn nói, đúng, đúng... đúng là món ấy bà cũng từng làm cho bạn ăn. Vậy mà giờ bao loại cơm cháy chà bông, cơm cháy tôm khô, cơm cháy rong biển... chẳng thể ngon bằng món cơm cháy rán giòn mỡ lợn, không có gì ngoài vài hạt đường vẩy lên. Có thật vậy không, hay chỉ đơn giản vì khi chúng mình đi qua nghèo khó, càng lớn, càng xa lại càng nhớ, thương về một miền cũ đã qua?

Tôi không trả lời bạn. Mà thiết nghĩ cũng chẳng cần phải trả lời khi cả tôi và bạn đều chỉ cần ngồi đối diện nhau, bên những ly cà phê nhỏ giọt chậm rãi trong một sớm mùa thu trời xanh mây trắng, mỉm cười nhớ về một vùng ký ức trong veo trong một mùa thu nào đó. Nơi có mẹ, có bà, có những người đã về miền mây trắng nhưng vẫn ở mãi trong lòng chúng mình vì đã dành tặng những gì yêu thương, ngọt ngào nhất.

Đôi khi, bạn à, có một niềm hạnh phúc bé mọn, là khi những vệt nhớ của chúng ta tình cờ gặp nhau.

Theo KHÔI NGUYÊN THẢO (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.