Ngôi nhà thơ ấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 15 tuổi, tôi theo bố mẹ chuyển nhà. Nói là chuyển nhưng nhà mới chỉ cách nơi ở cũ chừng mấy trăm mét. Cũng vì một biến cố mà mãi sau này, không ai trong gia đình tôi muốn nhắc lại. Chị em tôi sống trong căn nhà bố mẹ xây mới từ đó đến bây giờ. Ngôi nhà cũ đã bị phá dỡ từ lâu, chỉ còn nền đất trống. Nhưng 16 năm nay, cứ mỗi lần chạy xe ngang qua, tôi đều nung nấu suy nghĩ rằng, đến một ngày nào đó có đủ tiền, tôi sẽ mua lại mảnh đất này. Mảnh đất ngày xưa, nơi từng có ngôi nhà ấu thơ tôi ở đó.

Biển Hồ vốn là vùng ven. Ngày ấy, đất đai thênh thang, xóm làng cũng chưa san sát nhà cửa như bây giờ. Ngôi nhà được thưng bằng ván gỗ và mái lợp bằng mấy tấm tôn đã gỉ. Giữa nền đất rộng gần cả ngàn mét vuông, ngôi nhà nhỏ dựng lên lúp xúp. Nhà không có phòng riêng, chỉ được ngăn ra bằng mấy bức màn vải cũ. Thế mà cũng thành nhà trên, nhà dưới và buồng ngủ. Đồ đạc đơn sơ, chỉ có chiếc bàn chị em tôi ngồi học, cái võng mắc kề bên và chiếc rương đựng quần áo là đáng giá. Về sau, khi có điện, thôn xóm bắt đầu “bừng” lên, đèn dầu chỉ còn thắp trên bàn thờ tổ tiên thì mẹ tôi sắm thêm một vài vật dụng, chủ yếu là những thứ cần cho con cái.

  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Mấy đêm nằm nghe mưa, tự dưng tôi thầm nhớ ngôi nhà xưa. Nhớ hàng rào râm bụt đỏ ngời, bố tuốt cành làm roi những lần chị em tôi mắc lỗi. Nhớ cây xoài sau nhà, mọc kề chái bếp, lúc lỉu quả xanh. Mẹ dặn để dành cúng rằm. Có lần nghe tiếng độp trên mái, tôi lật đật ùa ra, thấy một trái đã vàng héo nằm dưới đất mà tiếc ngẩn ngơ. Tuổi thơ không có nhiều quà vặt như bây giờ. Một lát xoài xanh chấm muối cũng thèm đến nao lòng. Giờ cây xoài vẫn đứng đó. Chỉ có điều, mười mấy năm nay không còn ra quả nữa.

Mảnh đất nhà tôi khi xưa dài đến cả trăm mét, phần đất ở phía sau là một vườn bạch đàn nhỏ. Hình như có người gọi loài cây này là khuynh diệp. Tôi nghe như tên của mấy chai dầu gió mà các bà, các mẹ hay chuyền tay nhau. Thời đó, cây cối còn rậm rạp, mịt mùng nên ít khi tôi dám ra vườn một mình. Thế mà, bất kỳ cuộc rượt đuổi nào trong giấc mơ, tôi đều thấy mình chạy đến ríu chân về hướng ấy. Lao qua hàng trăm thân cây tróc vỏ để kịp về nơi có quầng sáng ở bên kia trời. Tôi không lý giải được. Lẽ nào giấc mơ chính là ô cửa để ký ức tràn về. Thi thoảng, tôi còn nghe mùi lá bạch đàn ngai ngái trong mũi. Đó là hương thơm thoảng về từ tiềm thức chứ bây giờ những cây bạch đàn ấy không còn quanh tôi nữa. Biết đâu chúng đang mọc bâng quơ ở một phương trời xa lắm.  

Có được mảnh đất, nơi tôi từng sống những tháng ngày thơ ấu là một ước mơ. Tôi vẫn biết, người ta chỉ mơ ước khi chưa thể (hoặc không bao giờ có thể) thực hiện được ý muốn của mình. Mua mảnh đất, xây căn nhà đã khó; mua lại cả một khoảng trời trong ký ức còn khó hơn gấp vạn lần. Thế ra, có nhiều ước mơ trong đời vừa là niềm tin dịu dàng, vừa là một nỗi buồn vô hạn.

Nhà mới của tôi chỉ là một căn nhà cấp bốn trên nền đất nhỏ hẹp. Nhiều bữa, nghe ai đó vui miệng nhắc lại kỷ niệm xưa, bố mẹ tôi lại thoáng buồn. Còn tôi, tôi chưa bao giờ nói với bố mẹ rằng “Con nhớ ngôi nhà ấu thơ”. Có những niềm riêng thật khó mở lời, dù là với những người yêu thương nhất. Thế giới này rộng lớn hơn mảnh đất cũ của nhà tôi rất nhiều. Nhưng càng bước đi, tôi lại càng thấy trống trải. Nhất là khi nhớ về…

 

LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.