Khúc đồng dao thương nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới trở lại Sài Gòn. Cũng như mọi lần, khi nắng chiều đã nhạt, tôi lên sân thượng để tận hưởng những phút giây yên tĩnh tuyệt vời. Từ phía dưới đường bỗng vọng lên những tiếng cười đùa rộn ràng của đám trẻ. Những tiếng í ới gọi nhau, tiếng “xù xì” chia phe, tiếng “năm mười” của trò chơi kiếm tìm. Rồi bất chợt, bài đồng dao quen thuộc được cất lên: “Rồng rắn lên mây…”. Lòng tôi trào dâng nỗi bâng khuâng khó tả. Tiếng con trẻ vẫn lảnh lót vang lên, sao nghe như tiếng của chính mình vọng về từ một miền ký ức.
Như bao đứa trẻ lớn lên từ đồng quê những năm 80 của thế kỷ trước, tuổi thơ của chúng tôi là một buổi đi học, một buổi giúp cha mẹ việc nhà, việc đồng áng. Những buổi chiều muộn hay đêm trăng sáng, những đứa trẻ cùng xóm cách nhau vài ba tuổi lại tụ tập, cùng chơi những trò chơi dân gian đầy thích thú, nào là chơi keo, u quạ, đuổi bắt, trốn tìm... Trò chơi nào cũng đầy thích thú, nhưng thích nhất là cả đám nối đuôi nhau chơi trò rồng rắn lên mây trong rộn rã tiếng cười: “Rồng rắn lên mây/Có cây xúc xắc/Có nhà hiển minh/Hỏi thăm thầy bói/Có nhà hay không”. Còn nhớ, mỗi khi đóng vai thầy thuốc, tôi vẫn thường trả lời “Thầy thuốc vắng nhà”, “Thầy thuốc đi chợ” để các bạn đi thêm vài vòng, vừa đi vừa hát. Và, chúng tôi còn cùng nhau chơi các trò này khi đến trường, trong những giờ ra chơi. Sân trường khi ấy thật rộn ràng, tấp nập, đông vui. 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mỗi lần nhớ về tuổi thơ tôi lại nhớ những trò chơi nơi quê nhà. Nhớ những câu, những bài đọc ngắn mà ba má dạy cho khi chơi, nào là chồng tay lên nhau rồi vừa đếm vừa đọc “chặt cây dừa, chừa cây mận…”, tay nào trúng vào chữ cuối của “thì trốn tay này” thì được rút tay ra. Những trò chơi đơn giản mà rất vui, giúp gắn kết tình cảm người thân, hàng xóm. Không chỉ thế, những trò chơi còn có tác dụng rèn luyện thể lực, những bài thơ ngắn giúp trẻ làm quen với những câu từ vần điệu, có tác dụng rất tốt để bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Trong một con hẻm Sài Gòn ríu rít tiếng chim, nghe tiếng trẻ con vui đùa cùng nhau theo cái cách ngày xưa của mình, tôi thấy vừa lạ vừa quen. Trò chơi đang diễn ra dưới kia hay trò chơi trong ký ức mà khiến lòng tôi bồi hồi đến vậy. Chiều đã muộn, các em chia tay nhau để về nhà. Con hẻm trở lại yên tĩnh lâu rồi mà tôi vẫn còn tần ngần với bao cảm xúc. Mong sao những đứa trẻ luôn được hồn nhiên vui chơi theo lứa tuổi của mình và những bài đồng dao, những trò chơi dân dã sẽ được lưu truyền mãi như cách nó đã đi qua thế hệ chúng tôi.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...