Bên núi là nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Buổi sớm có mưa, những ngọn núi quấn đầy mây mù, sũng nước. Vài ba ngôi nhà lúp xúp lẩn khuất vào sắc xanh lòa xòa cây lá. Những ngày mưa như thế, có cảm giác bầu trời sà xuống thật gần, mây mù cứ loanh quanh mãi, lúc loãng ra như khói sương, khi lại kéo ùn lên như rủ nhau lăn xuống, chảy tràn từ đỉnh núi xuống tận thung sâu.
Men qua một khúc quanh sậm màu đất đỏ, tôi đã đặt chân đến cổng nhà mình. Ngôi nhà giữa bốn bề cây lá. Hàng cây hai bên lối đi, sau mỗi lần về, tôi lại thấy chúng cao lớn thêm một chút. Ngước một tầm mắt, tôi đã trông thấy những ngọn núi. Bao năm rồi, vẻ trầm lặng và tĩnh tại ấy vẫn như xoáy vào tôi cái nhìn chở che và bảo bọc. Chúng tôi đã cùng nhau lớn lên bên những ngọn núi ấy. Những buổi chiều bày ra đủ các trò chơi sau khi đã hái được kha khá măng le và nấm mối. Chúng tôi chạy nhảy đến mệt nhoài, rồi nằm lăn ra thảm cỏ mênh mông tựa một thảo nguyên tít tắp chạy vào tận chân núi, nhìn đàn trâu bò thong dong gặm cỏ và mơ về những chân trời vô định. Trên mé sườn núi và dưới những đám ruộng, người lớn vẫn cặm cụi chăm lúa, trỉa bắp, trồng khoai, mì... Có lẽ, họ không biết được những câu chuyện, vẻ như chứa đầy bí ẩn của đám nhóc chúng tôi.
Sau này, chúng tôi cứ lớn đến đâu thì rời xa núi đến đó. Những chân trời mới đã mang chúng tôi đi, mang theo cả vị ngọt lịm của khoai của bắp của mì, của đọt măng đăng đắng còn dính bết đất đỏ, của cây nấm mối như chiếc ô bé tí xíu vừa ngơ ngác chui lên... Có cả ánh mắt tiếc nuối đến ứa ra cả nỗi buồn của đứa bạn nhỏ vào một buổi chiều mải chơi mà để con diều tuột dây bay đi mất. Phải lớn lên từ núi, lớn lên bằng những sản vật thảo thơm do đất núi chắt ra mà có; uống dòng nước trong vắt, mát lịm từng tế bào thịt da ở giọt nước đầu làng; hít thứ gió trời hào sảng ùa về từ núi cao rừng sâu đem theo cả hương bazan và mùi nắng hoang hoải nhuộm nâu cả da cả mắt, mới thấu hiểu đến tận cùng nỗi nhớ của một đứa con xứ núi đang phiêu dạt tận những chân trời khác. Và mới lý giải được, vì sao khi chỉ cần khẽ chạm ánh mắt vào cái màu xanh trầm mặc của bất cứ ngọn núi nào, thì nỗi nhớ nhà, như chiếc lò xo bị nén chặt, bỗng nhiên bật nảy lên.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Một buổi chiều, tôi đã chậm bước giữa một ngôi làng chênh vênh bên sườn núi, nhỏ mà ấm áp, hệt như cái xóm nhỏ dưới chân núi, nơi có ngôi nhà của tôi. Có cảm giác, chỉ một cái với tay là có thể chạm vào những ngọn núi. Và mặt trời, vào cái giờ mà phố xá đã lên đèn lâu lắm, thì ở phía những dãy núi, nắng vẫn hừng nốt những tia cuối ngày. Con đường trong ngôi làng nhỏ dẫn thẳng vào chân núi nở đầy hoa dại, những nếp nhà nằm nem nép bên những ruộng lúa đang căng mình xanh óng, vài ngọn khói lơ phơ nhả lên trong những gian bếp nằm lặng bên thung. Tôi bước hẳn vào bên trong, vài người phụ nữ đang ngồi quây quanh một bếp lửa, nồi cơm gạo mới chín tới, dậy hương. Khói xộc lên cay mắt. Con mèo nhỏ hết nằm lại quấn lấy chân từng người, ấm áp hệt như khi tôi ngồi tựa vào bà tôi trong gian bếp quẩn mùi khói ngày mưa gió mù trời.
Có một sự liên tưởng lướt qua thật nhanh. Đó là đi qua bất cứ một miền núi đồi trung du nào trên dải đất này, cũng gặp những xóm núi từa tựa nhau như vậy. Nếu có khác, chỉ là một vài nét riêng biệt ở vẻ ngoài của những ngôi nhà, con ngõ, đụn rơm... Còn thứ thật giống nhau, không nơi nào khác, đó chính là vẻ ấm áp của những gian bếp. Phải chăng, sự ấm áp luôn là cảm giác khiến con người ta phải thương nhớ mãi thật lâu trong suốt cuộc đời mình.
Thỉnh thoảng, tôi rất nhớ khúc quanh rẽ về cánh cổng ngôi nhà nhỏ bên chân núi. Tôi ngồi bên cánh đồng, nhìn theo bóng mẹ tôi thoăn thoắt đủ việc. Những buổi chiều xâm xẩm, bóng tối mờ mờ loang từ trên núi dần phủ xuống ruộng đồng, thấy lòng thật ấm áp khi trước mắt mình là mẹ, vẫn lụi cụi như bao năm qua. Giữa những cánh cò trắng chao lên liệng xuống, giữa dịu thơm cỏ lúa và hương đồng, bóng núi mờ mờ trong nhập nhoạng bóng chiều vẫn như xoáy vào tôi cái nhìn vừa chở che, vừa bao bọc.
Dưới chân núi, tôi thấy mình nhỏ bé, tĩnh tại, mà lại vững chãi, an yên.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.