Gốc phượng đầu làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày Vân về, ở quê đang vào vụ. Mùi rơm rạ, mùi lúa mới thoang thoảng trong gió. Cây phượng, nơi một thời khắc dấu ký ức của Vân cũng đang độ ra hoa.

Quê Vân có tên là làng Loan. Cô không hiểu vì sao lại có cái tên đó. Khi chưa rời làng, Vân đem thắc mắc đó đi hỏi nhưng không ai trả lời được.

Thôi kệ, tò mò làm gì. Làng Loan vẫn hay mà. Cô nghĩ vậy rồi không hỏi ai nữa.

Ngay đường vào làng Loan có một cây phượng cổ thụ. Cây tán rộng, tỏa bóng mát cả một khoảnh đất. Bọn trẻ, người dân hay tụ tập quanh đó, người hóng mát, người buôn chuyện.

Cây phượng ra hoa, người làng biết mùa hè đang đến. Bọn trẻ háo hức, chúng sắp được nghỉ học. Cây phượng có từ bao giờ, không ai biết. Người già trong làng bảo nó có từ lâu lắm rồi.

Ba tháng rời xa quê, ngày trở về làng đi ngang qua cây phượng, Vân đứng mãi dưới tán cây hồi lâu mới về nhà. Với cô, cây phượng là một phần của ký ức. Vui buồn cô đều ra dưới gốc cây chơi. Cây phượng như một tri kỷ khi mẹ cô không may qua đời.

 

 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG


Mẹ mất trong một vụ tai nạn khi cô vừa bước đến tuổi mười sáu. Buổi chiều định mệnh đó khi Vân đang ngồi chơi dưới gốc cây, người làng chạy đến báo tin mẹ cô bị xe tải cán chết trên đường ra chợ. Cái tin như sét đánh ập đến. Cô bé vùng dậy chạy theo chân người làng. Ra đến nơi, mẹ đã được người ta che kín dưới manh chiếu cũ. Cô gào thét, rồi xỉu lúc nào không hay. Tỉnh dậy, Vân thấy mình đã ở trên giường nhà. Ngoài sân hàng xóm đang che rạp chuẩn bị cho đám ma.

Mẹ mất, cô sống với người bố nát rượu. Chưa đầy một năm sau, bố lấy vợ khác. Ông làm đám cưới với người phụ nữ đã có con ở làng bên. Cuộc sống của Vân như bị kìm kẹp.

“Cô học cho lắm vào rồi cũng chẳng khá lên được, không lo đi kiếm cái nghề mà làm ăn”, dì mắng nhiếc ra rả vào tai Vân.

“Con tự làm để đi học được mà. Dì đừng bắt con phải bỏ học”, giọng yếu ớt vang lên xin vả của Vân.

Vân cũng chẳng đấu tranh cho sự học của mình được nữa. Cô phải ra đi, bỏ lại những giấc mơ, hoài bão của mình.

“Kiếm cái nghề mà làm ăn”, những thanh âm còn vọng lại trong cơn thịnh nộ của dì. Nhưng Vân biết kiếm nghề gì để làm. Không ai giúp được Vân. Bố cô thì suốt ngày say xỉn. Bà mẹ kế thì ghét lấy ghét để chẳng bao giờ cho cô được một ngày vui, trừ hôm làm lễ cưới của hai người.

Những ngày sau khi nghỉ học để chuẩn bị cho chuyến đi xa, Vân vẫn không biết mình nên chọn nghề nào để học, để làm. Bà Hường, người thân thuộc nhất với Vân cũng chẳng giúp gì được.

“Hay mày học cắt tóc đi”, bà Hường khuyên.

“Mắt con kém lắm, học nghề đó không khéo lại làm hỏng tóc của khách”, Vân đáp.

“Không thì đi học may, trước mắt học xong cứ làm công kiếm tiền, sau này có vốn về quê mà mở tiệm”.

“Thôi, học may con không thích, với lại làng mình cũng có một vài tiệm may rồi”.

“Tùy, tau đến phát mệt với mày. Nói nghề gì ra cũng cãi”, nói đoạn, bà Hường đứng dậy, phe phẩy chiếc nón, bước đi.

“Học nghề gì bây giờ?”, Vân lẩm bẩm một mình rồi bước chân đi. Đầu óc suy nghĩ vẩn vơ đưa cô đến dưới gốc phượng lúc nào không hay.

Khi mẹ chưa mất, lúc nào hai người cũng ra gốc phượng ngồi hóng mát.

“Sau này con sẽ làm bác sĩ”, Vân bảo với mẹ.

“Cha cô, mới tí tuổi đã mơ mộng. Lo học đi đã. Mẹ sẽ nuôi cho mày ăn học đàng hoàng, để khỏi phải chân lấm tay bùn”, ngày còn sống, mẹ Vân vẫn khuyên, động viên con như vậy. Nhưng rồi, khi bà mất, dự định và giấc mơ của Vân cũng bị chôn vùi.

Ngày bà Hường khuyên đi học may, Vân cãi. Nhưng rồi cô cũng chọn học nghề này. Vân không còn sự lựa chọn nào khác.

***

Hơn một năm sau ngày mẹ mất, Vân khăn gói lên thành phố kiếm nơi học nghề. Không quen biết ai, cô lóng ngóng khi bước chân lên phố thị.

“Ê! cô em, đi đâu đó? Dưới quê mới lên phải không? Cần đi đâu, nói anh chở”, đám xe ôm đứng dọc bến xe, vồn vã mời gọi, trêu chọc.

“Em không đi đâu, có người đón rồi”, Vân đáp lại, tay ôm khư khư túi hành lý.

Ngày lên phố, Vân qua chào bà Hường. “Mày lên đó phải cẩn thận, không tin tưởng ai cả, nghe chưa?”, bà dặn Vân rồi móc trong túi áo một trăm nghìn đồng, nhét vào tay cô.

“Bà cất đi con có rồi. Con không nhận đâu”, Vân đẩy tay bà Hường. “Bố cô, nhận đi, sau này giàu có thì trả cho tau cũng được”, bà Hường cố nhét vào tay cô, rồi bỏ đi. Vân đứng nhìn bóng bà Hường hồi lâu, nước mắt chảy trào “giá như có mẹ lúc này”.

“Ơ em! đi đâu đấy. Lên anh đèo”, tiếng mời chào đon đả của lão chạy xe ôm đưa cô về lại với thực tại.

Vân giật mình, đưa cái túi lên trước ngực, ôm chặt. “Em có người đón rồi”, cô tránh một bên, mắt nhìn chăm chăm gã xem ôm, bước đi.

Cô lang thang qua các con phố, vừa tìm trọ, vừa xem chỗ nào có tuyển thợ học may rồi xin. Vân đến đầu đường Lê Lợi, thấy một nhà may treo biển tuyển học việc. Cô làm liều, ôm chiếc túi trước ngực bước vào hỏi xin việc.

Chủ tiệm may là một người đàn ông đứng tuổi, đầu tóc lấm tấm bạc. Vừa bước chân vào đến cửa, không đợi hỏi, Vân mở lời: “Em thấy cửa hàng mình đăng bảng tuyển học việc. Em vào xin, nếu được ông cho em học nghề”.

Ông chủ tiệm may đi quanh Vân, vừa đi vừa nhìn. Cô vẫn giữ thói quen ôm cái túi xách trên ngực, đưa mắt nhìn xoay theo dáng đi của ông chủ tiệm.

“Muốn học nghề may?”, chủ tiệm hỏi trọc lóc.

“Dạ”, Vân đáp.

***

Vân được nhận vào học việc. Cô thuê căn trọ cách tiệm may chừng năm trăm mét. Ở được ba tháng, cô nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gốc phượng đầu làng. Vân xin ông chủ về thăm nhà. Cô bắt xe về quê, định bụng hai ngày sau lên phố.

Thấy cô mới về đầu làng, bà Hường đã gọi giật ngược: “Không phải mày đi học may trên phố hả, sao giờ lại ở đây?”

“Con nhớ nhà quá, xin về thăm ít hôm”, Vân trả lời.

“Ối giời, mới đi có tí đã nhớ”, bà Hường bỉu môi, rồi nói tiếp “qua nhà thắp cho mẹ mày nén hương, tối ghé nhà tau ăn cơm”.

Vân gật đầu rồi bước đi. Cô về nhà, khu vườn ba tháng vắng bóng cô nay càng hoang vắng. Bố cô vẫn say xỉn trước. Dì bỏ về nhà mẹ đẻ sau một trận cãi vả với chồng. Vân chào bố, rồi cũng không để ý ông có đáp hay không. Cô bước vào nhà, đến gian thờ, thắp hương cho mẹ.

“Con mới về đây. Con nhớ mẹ quá”, Vân thầm thì với mẹ, thắp nhang lên ban thờ, nước mắt cô chực trào. Cô đi quanh nhà, áo quần vương vãi khắp nơi, bụi phủ. Gian bếp cũng chẳng gọn gàng hơn, mấy cái chén, đũa nằm tứ tung, chẳng ai chịu rửa dọn. Bố cô cũng chẳng thèm đụng đến, ông chỉ biết chai rượu. Từ khi dì bỏ đi, ông có gì ăn đó.

“Thôi, dọn dẹp làm quái gì”, ông ngồi ngả nghiêng ở bộ bàn ghế ngoài vườn, nói vọng vào.

Vân không để ý đến lời bố. Cô vừa lau nước mắt, vừa dọn dẹp. Cô nấc lên thành tiếng. Dọn được một hồi, cô không chịu được nỗi nhớ mẹ, không chịu được cảnh gia đình như thế này. Vân bỏ lại mọi thứ, chạy qua nhà bà Hường. Bố Vân nhìn theo. Ông không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng rồi vẫn cứ nhắp lấy nhắp để chai rượu trên tay.

Vừa vào đến cửa Vân ôm chầm lấy bà Hường, khóc thành tiếng. “Con nhớ mẹ quá”, cô nấc lên. Bà Hường chỉ biết ôm cô, xoa xoa vào lưng: “Nín đi, rồi sẽ ổn thôi. Ở lại đây ăn cơm với tau”.

Chiều đó, Vân ở lại ăn cơm với bà Hường. Cơm nước, dọn dẹp mọi thứ xong, Vân xin phép về nhà ngủ. Bà Hường rủ ở lại. “Con về ngủ với mẹ”, cô nói, rồi đứng dậy ra về.

Quãng đường từ nhà bà Hường về nhà cô không xa, nhưng vắng người. Trong đầu cô hiện lên nhiều suy nghĩ, cô định ra gốc phượng ngồi chơi một lúc rồi về. Đi được một vài bước, cô lại nghĩ khác. Vân quay đầu lại để về nhà, bất ngờ chiếc xe tải chạy đến, đâm vào cô. Vân văng ra xa, nằm bất tỉnh. Tài xế hoảng loạn, rú ga chạy thẳng. Cô nằm đó, không ai biết.

Bà Hường dọn dẹp mọi thứ xong, định tắt đèn đi ngủ. Bà thấy lòng bất an, cảm giác có điều gì đó không ổn. “Hay con Vân đi về nhà có chuyện gì rồi?”, bà tự đặt câu hỏi, rồi vào phòng lấy chiếc đèn pin chạy qua nhà cô. Vừa chạy bà vừa rọi đèn hai bên đường xem như thế nào. Chạy một đoạn cách nhà không xa, bà Hường thấy một bóng người nằm xấp trên đường. Bà chạy tới, nhận ra đó là Vân. Bà hét toáng lên, rồi chạy về xóm cầu cứu người đưa Vân đi viện. Khi chiếc xe máy của hai thanh niên chở Vân đi, bà quay về nhà tìm bố cô. Ông bố uống rượu ở đâu về ngồi ngã nghiêng ở ghế ngoài vườn, trong nhà tối như mực.

“Con Vân bị tai nạn rồi”, bà Hường vừa vào đến cổng đã hét lên. Bố Vân vẫn không để ý gì, ông nhấp thêm mấy ngụm rượu. Bà Hường lại gần, lay lay người đàn ông. Bà tát ông một cú như trời giáng: “Con Vân bị tai nạn”.

Ông bố chợt tỉnh, ngước mắt nhìn bà hồi lâu rồi đứng dậy chạy. Vừa chạy ông vừa gọi lớn tên con. Bà Hường đuổi theo ông Vân. Cả hai người lên đến viện khi con gái đã nằm trong phòng cấp cứu.

“Bác sĩ nói nó như thế nào?”, ông bố chạy lại hỏi hai người thanh niên chở Vân lên.

“Bác sĩ chưa nói gì cả”, hai thanh niên đáp.

Ông chạy đến bên cửa phòng. Một lúc sau bác sĩ ra thông báo cần máu để chuyền cho Vân, nhưng cô là máu AB - nhóm máu hiếm. Cả bà Hường, hai thanh niên đều thử, chỉ có ông bố trùng máu với Vân.

Nhưng ông đang say rượu, không thể lấy máu lúc này. Bác sĩ bảo phải cần gấp, trong ngân hàng máu của bệnh viện không còn nhóm máu đó.

“Phải làm như thế nào mới có thể lấy máu từ tôi? Phải làm thế nào?”, ông bố hỏi dồn dập.

“Bác phải giải rượu trước đã. Chúng tôi không thể lấy máu khi nồng độ cồn trong người bác vượt ngưỡng như vậy được”, bác sĩ trả lời.

Ông chạy đến vòi nước ngoài sân, uống lấy uống để, súc miệng rồi nhổ ra. Ông làm như điên trước sự can ngăn của bà Hường. Ông tắm luôn cho người bay hết rượu, nhưng vẫn không ăn thua. Bà Hường đi mua ly nước chanh nóng cho ông uống để giải rượu.

“Trời ơi! Rượu ơi là rượu. Bố hại mày rồi Vân ơi!”, ông bố khóc rống lên giữa sân bệnh viện rồi gục xuống.

Gần một tiếng đồng hồ sau, ông tỉnh cơn say, bác sĩ mới lấy máu truyền cho Vân. Cũng may vừa kịp, Vân tai qua nạn khỏi. Ông bố cả hai đêm không ngủ, ngồi bên ngoài cửa chờ con gái tỉnh. Bà Hường và hai thanh niên trở về nhà. Bà quay lại viện đem cháo cho Vân khi trời hửng sáng.

“Ông về nghỉ tí đi, để cháu đó cho tôi”, bà Hường khuyên bố Vân. Nhưng ông không nghe, đẩy bà Hường ra: “Mặc tôi”.

Vân tỉnh dậy. Ông bố chạy đến cầm tay con, mắt ông đỏ hoe. Chưa bao giờ bố cô khóc, chưa bao giờ ông tỏ ra yếu lòng. Bố cô ôm lấy con. Bà Hường đứng bên cố gỡ ông ra: “Con bé đang còn yếu, đừng ôm chặt nó như thế”.

Ông khóc rấm rứt như một đứa trẻ. Cầm tay con, ông hứa từ nay sẽ bỏ rượu chè, lo làm ăn, thương yêu cô. Vân nhìn bố. Nước mắt chảy hai hàng.

***

Buổi chiều. Vân đang nằm trong viện, trời bỗng nổi giông sét. Vân linh tính có điều gì đó không lành. Cô đứng dậy nhìn ra bên ngoài. Trời đất vần vũ, mưa đổ xuống như trút. Một lúc sau, tạnh mưa bà Hường đem cháo vào cho cô. Bên ngoài trời vẫn âm u.

“Cây phượng đầu làng bị sét đánh trúng, thân cây toác thành hai, đổ rạp mày ạ”, vừa vào đến chỗ cô nằm, bà Hường kể cho Vân, rồi bà tặc lưỡi: “Không biết có điềm gì không?”. Nghe tin, Vân sững sốt. Cô bỏ bịch cháo qua bên, định chạy đi ra gốc phượng nhưng bà Hường lại căn ngăn.

Ngày ra viện, Vân được bố dẫn qua gốc phượng. Thân cây khô héo. Dân làng đang tụ tập quanh gốc cây, họ làm một mâm cơm, cúng cây. Gốc cây được đào lên, ở chỗ cũ người ta trồng vào đó một cây phượng khác.

Vân xin phép bố. Cô tới gần vốc một nắm đất, ươm vào gốc cây phượng.

 

Theo NGUYỄN ĐẮC THÀNH (baodanang)

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.