Bồ công anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. K. gọi điện nói sẽ ghé phố núi vài ngày. Khi ấy, không biết có phải do cao hứng mà K. rủ “mình đi lại con đường tràn ngập hoa bồ công anh ngày xưa đi?”. Thật không may, tôi không còn ký ức gì với con đường hoa bồ công anh. Chỉ lờ mờ đoán là hẳn nó rất ấn tượng, nên K. mới muốn đi lại.


Người ta có thể mất hẳn ký ức về điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ không? Theo lý thuyết thì ta sẽ nhớ tất cả, chỉ là không biết khi nào ký ức đó được đánh thức thôi! Tuy vậy, có những cơ chế phòng vệ khiến ta gần như quên hẳn điều đó từng xảy ra trong cuộc đời, giống như quãng thời gian tôi rong ruổi cùng K. Phòng vệ, để nói với chính mình rằng, sẽ không có bất cứ tổn thương nào xảy ra nữa. Vì vậy mà tôi quên hết thật chăng? Tôi nghĩ điều đó thật tốt. K. cũng chẳng cần nhớ để làm gì khi mọi thứ đã không còn như xưa, không thể trở về như xưa. Phố xá thay đổi nhiều, nên vạt bồ công anh trải dài suốt con đường nào đó, giờ chắc gì còn tồn tại?

Tôi rời điện thoại ngước nhìn bầu trời đã xuất hiện những áng mây. Thỉnh thoảng có cơn gió vô tình thổi tứ phía, làm những bông hoa bồ công anh có chút rối bời vì chưa định hình được hướng gió. Mãi sau mới có vài nhánh hoa bay lên. Cái màu trắng trong như làn khói, nửa ảo nửa thật chấp chới trong tầm nhìn, mỏng manh tan vào cơn gió. Tôi đã quên luôn cả việc những cụm bồ công anh xuất hiện trong khoảng sân trước nhà từ khi nào?

 



2. K. đến bến xe thì trời sập tối. K. nói sẽ tự đón xe đến nhà tôi. K. thích những con đường ở phố núi này vì nó trập trùng, khuất tầm nhìn, nhưng K. lại thấy thú vị. Đôi khi không nhìn thấy bất cứ điều gì ở phía trước lại thú vị. Tôi không hẳn hiểu hết về K., K. vừa gần vừa xa, vừa thực vừa mơ. Thỉnh thoảng những ý tưởng của cô ấy lạ đến nỗi, tôi muốn nhìn xuống bàn chân của cô ấy, xem thử nó còn chạm mặt đất không. Những ý tưởng lạ, hay cũng chẳng để làm gì. Cuộc sống đôi khi kéo con người ta thoát ra khỏi giấc mơ, về với thực tại đầy trần trụi, cằn cỗi.

Miền cao nguyên mùa này thời tiết khắc nghiệt, cái lạnh buổi tối cũng không dịu dàng dễ chịu như ngày trước nữa, nên tôi nói sẽ ra đón K. Ngày mai nắng lên, cô ấy muốn đi ngắm gì cũng được. K. dè dặt hỏi lại, ở qua đêm chỗ tôi có tiện không? “Tiện” ở đây của K. là có ảnh hưởng gì đến đời sống riêng tư của tôi không? Hình như K. chưa từng hỏi tôi có người yêu mới chưa? Mà chỉ là những câu nói xa gần để có thể đoán ra.

Tôi nói với K. nhà có phòng trống dành riêng cho khách, nên nếu thấy thoải mái cứ đến ở. Rồi sợ K. nhạy cảm chữ “khách” vì nó có vẻ xa lạ so với mối quan hệ từng chung một nhà giữa chúng tôi, tôi nói thêm rằng nếu K. ở đây thì tôi cũng tiện việc trông coi quán xá…

Buổi tối nhiệt độ xuống thấp bất thường. Quán chỉ có vài vị khách quen, cùng chú cún Mimi nằm dài sưởi ấm bên nhóm than gần tàn. Tất cả lặng im chẳng có ý nghĩ cần phải nhúc nhích. Đến khi Mimi nhận ra K. ngay ở cánh cổng. Nó đứng phắt lên, hai tai cụp lại, ư ư thành tiếng trong cổ họng thể hiện cảm xúc, nhìn rất cưng. K. cũng cảm động vì sự mừng rỡ của chú cún, K. đã không gặp Mimi gần 3 năm, từ khi Mimi chỉ nằm bé gọn trong vòng tay, mềm mại như một cục bông. K. cảm động chạy lại, ngồi hẳn xuống, ôm chú cún đã lớn phổng phao vào lòng. Tôi để yên vậy, cho cả hai thể hiện nỗi nhớ nhung với nhau, xách đồ vào nhà trước.

Bữa tối với cơm nóng, cá kho tộ vừa nhấc xuống khỏi bếp than, đọt su non xào tỏi được dọn ra, kèm chén nước súp có chút tiêu, hành bốc lên thơm phức. K. lấy ra một phần dành cho Mimi rồi mới ăn. K. vừa ăn vừa nói, em có kể về Mimi với mấy người bạn, họ rất thích và hẹn ngày nào đó đi du lịch sẽ ghé lại thăm Mimi. Thì ra Mimi cũng đã trở thành ký ức đẹp để cô ấy kể lại với bạn bè, như cái cách sống luôn bị hoài niệm chi phối của cô ấy.

Tôi chăm chú lắng nghe từng câu chuyện của K. K. có khiếu kể chuyện. Từ những chuyện vặt vãnh thôi nhưng cô ấy giữ cảm xúc câu chuyện rất tốt. Luôn có sự thu hút để người nghe hứng thú vào mạch chuyện, cho đến kết thúc. Và hầu hết đó là những câu chuyện trong quá khứ. Cả với những mối tình cô ấy đã đi qua…

Thời yêu nhau, điểm hẹn của chúng tôi là cây cầu đỏ bắc ngang con kênh nhỏ xíu, nước đen ngòm, chung quanh mọc tràn cỏ dại và cả rác rến đổ vô tội vạ của vài người thiếu ý thức. Tôi tìm mãi điểm thú vị ở nơi hẹn ấy, nhưng không ra, cho đến một lần K. tự bộc bạch: “Mỗi lần đến đây, em lại nhớ N. N. hay hẹn em ở nơi thoáng đãng này, chỉ vì cảm giác có trọn bầu trời, thay vì những nơi đông đúc bên ngoài kia”.

Tôi bỏ hẳn những buổi hẹn cùng K. tại cây cầu đỏ kể từ đó. Tôi cũng tìm đường khác để đi, thay vì phải đi ngang cây cầu đỏ chẳng có gì thú vị.

Tôi và K. chia tay không nhớ lần thứ bao nhiêu thì mới chia tay hẳn. Kể lý do ra thì có vẻ chỉ là giận dỗi trẻ con. Nhưng kết quả thì chúng tôi chia tay thật, chỉ vì tôi không còn thích những câu chuyện K. kể nữa. Khi ấy, tôi cũng chưa đủ kiến thức, trải nghiệm để hiểu rằng, con người ta có tâm lý linh hoạt. Nên đừng vội đóng khung theo diễn biến mà mình suy diễn ra. Nên tôi không còn nắm tay K., không còn hào hứng với bất cứ chuyến đi nào nữa, chỉ vì trong tất cả những điều ấy, đều có bóng hình tình cũ của K. Vậy thì tôi, người đang hiện diện trước mặt cô ấy là ai?

Đó là những ngày trước khi tôi có quyết định về phố núi ở hẳn. Và lần đầu tiên trong suốt quãng thời gian yêu nhau, tôi thấy K. bỏ hẳn sự kiêu hãnh của bản thân xuống. Cô ấy liên tục gọi điện, nhắn tin, nói rằng cho cô ấy thêm thời gian, cô ấy không thể sống thiếu tôi, cô ấy đã quen với sự hiện diện của tôi trong suốt thời gian qua, cô ấy sẽ làm tất cả vì tôi…

Nhưng tôi chẳng cần K. làm gì cho tôi nữa!

3. Buổi sáng, bầu trời trong xanh hơn sau cơn mưa đêm qua. K. có chút lặng người khi nhận ra vạt hoa bồ công anh mà tối qua do trời tối nên cô ấy chưa thấy. Trong làn gió mơn man, chiếc khăn voan của cô ấy bay phất phơ theo những cánh hoa còn sót lại. Trong không gian tĩnh lặng đó, tôi đọc được những hiểu lầm mà K. đang nghĩ khi chạm phải những cánh hoa bồ công anh ở nơi này, phải chăng cô ấy đang nghĩ tôi trồng loài hoa ấy vì những hoài niệm tươi tắn của tuổi trẻ ngày nào? Ngày ấy, tôi hồn nhiên mong muốn sẽ chụp bộ ảnh cưới với K. ở giữa cánh đồng bồ công anh. Nhưng lúc đó K. chần chừ.

K. luôn chần chừ mọi ý nghĩ ở phía tương lai, khi tôi gợi lên: về một đám cưới, một ngôi nhà, một vùng đất cả hai sẽ đến, về mùa tóc bạc vẫn ở cạnh nhau… tất cả háo hức hồn nhiên của tôi chỉ được đáp lại bằng thái độ chần chừ mà tôi không hiểu vì gì. Tôi đã nghĩ rất nhiều, chơi vơi rất nhiều với sự chần chừ của cô ấy, cho đến khi vô tình đọc được những dòng chữ của cô ấy trong một cuốn sách: cô ấy chờ đợi một người khác, không phải tôi. Thì ra đằng sau sự chần chừ đều có lý do của nó.

 Trong bóng đá, cầu thủ dự bị nhiều cơ hội sẽ được mời ra sân, không ít lần đó, họ tỏa sáng. Nhưng tôi không thích là một người dự bị trong một mối quan hệ.

Cũng có thể là trực giác tôi sai. Cô ấy chẳng nghĩ gì cả, chỉ là ngắm hoa bay. Nhưng trong tôi vẫn muốn giải thích điều gì đó ở vạt hoa nơi này.

- Loài hoa này dễ mọc lắm, chỉ cần gió đưa hoa tới, chạm đất là lên cây.

Thật khó khăn để tôi nói toạc với cô ấy là: hoa mọc tự nhiên, chứ không phải do tôi cố ý trồng. Tôi luôn sợ làm đau lòng người khác. Cả những người khiến tôi tan nát cõi lòng nhiều lần. Đấy là sự bao dung hay dễ dãi? Tôi cũng không rõ, nhưng tôi luôn tìm cách tự chữa lành vết thương trong lòng mình, để đỡ đau đớn hơn.

Cô ấy im lặng một lát, rồi lên tiếng:

- Em biết mà!

Tôi cũng không hiểu cô ấy biết gì. Nhưng điều đó chẳng còn quan trọng với tôi.

Buổi chiều. Tôi quay tấm bảng có chữ open ra ngoài, nói với K. một cách thoải mái như những người bạn:

- Tối nay K. uống rượu nha! Quán có loại rượu hợp với K. lắm!

K. vui vẻ gật đầu.

4. Những ly rượu tối qua khiến tôi ngủ dậy muộn. Tôi nhìn đồng hồ đã quá giờ ăn sáng, liền chạy sang phòng K. Nhưng K. đã đi từ trước đó. Lọ hoa dại màu trắng pha tím nhạt trên bàn còn tươi nguyên, có lẽ cô ấy cắm trước khi rời khỏi đây.

Tôi có chút trống trải. Đó là cảm xúc của mỗi lần khách rời đi. Tôi nhận ra, với K., tôi cũng chỉ nghĩ cô ấy là một vị khách, nên có cảm xúc vậy!

Mỗi buổi sáng, tôi theo thói quen ra ngồi cạnh những cụm bồ công anh. Tôi đọc được những suy nghĩ của chúng, rằng “hãy ở lại bên tôi, ngay thời khắc này, nếu không nhìn ngắm tôi ở thời khắc hiện tại, sẽ không còn kịp nữa…”. Và những cánh hoa ấy chỉ chờ chút gió nhẹ là bay đi, sự sống tiếp tục sinh sôi nơi những vùng đất mới. Loài hoa ấy mỏng manh nhưng mạnh mẽ và gieo vào lòng người sự thuần khiết, yêu thương để biết nâng niu hoa trong khoảnh khắc hiện tại quý giá.

Một ngày mới đã đến!

Theo LA THỊ ÁNH HƯỜNG (QNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.