Nghe gió trên đồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai đó nói, con người có hai ngoại cảnh bình yên nhất nếu được may mắn sinh ra, đó là núi và biển. Và, tôi may mắn khi thuộc về vế thứ nhất. Bởi lẽ, trong tiềm thức của một người hay hoài niệm, tôi thường thao thiết về những ngọn đồi bình yên, rồi lắng nghe mênh mang chảy tràn cả một miền xanh nắng. Nhất là với những xa vắng tìm lại, khi đã gắn bó cả quãng thơ ấu chốn núi đồi, nơi đến cả hơi thở cũng thấm quyện vào gió núi và lớn lên.
Ai đã phả cơn gió tạt vào ký ức, mà núi đồi bừng thức cả khoảng trời?
Đó là hôm ngủ lại trong căn nhà gỗ nằm chơ vơ trên triền đồi thoai thoải, xung quanh cây cối xanh um và phía xa là ngọn núi cao nhất của làng. Mùa này, những cơn gió nghịch mùa thổi từ Tây sang và cả những ngọn gió theo miền từ Đông tới. Luôn biết như vậy nên tôi sẽ về bên đồi, ước mình có thể bay qua những triền núi nhấp nhô, để bằng cách nào đấy, sẽ cố đánh thức những chiếc lá ngủ say dưới thung kia rồi đùa vui cùng lá, thức cùng lá.
Buổi sáng ở đây luôn bắt đầu từ những trong trẻo xôn xao, tươi mới tràn nhựa sống, rộn rã tâm hồn. Đã phai nhạt dần ồn ào, chật chội, chỉ còn tiếng xào xạc của gió cọ mềm lên lá, hiền lành ẩn dưới dáng núi trầm mặc.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tôi một mình ngược nắng, ngược gió, cứ thế mà nương náu theo dòng hoài niệm. Cứ thế ngẩn ngơ với những hàng rào ven đường trở nên sặc sỡ hơn với váy áo, chăn màn hong nắng, đón nắng và hòa mình vào nắng. Để tới được triền đồi trong ký ức, tôi phải rảo bộ trên những lối đi hai bên đầy hoa dại, dẫn tới những ngôi nhà nhỏ, khoảnh sân đất, đàn gà líu ríu kiếm ăn, vài con heo dũi đất bên bể nước; đám trẻ con giỡn đùa, mặt mũi lem luốc nhưng nụ cười trong veo, hồn nhiên cùng nắng sớm. Tại cái thung nhỏ này, tôi đã từng than chán vì nơi đây chỉ toàn bông hoa cỏ khiêm nhường bên vệ đường, mái nhà nép mình, bé nhỏ trước núi, những tĩnh lặng nhạt trôi cùng cảnh vật. Cũng đã từng mơ ước cất cao đôi cánh bay khỏi thung hẹp chỉ để đặt chân đến miền đất rộng mới, hào nhoáng bên ánh đèn phố, choáng ngợp trong hình dung ảo ảnh cuộc đời.
Có điều gì đó thật kỳ diệu trong ký ức, hình ảnh những vạt mì dân làng trồng trên đồi cứ ngày đêm rào rạt, lao xao, là là nhịp sóng, bước đi trong từng buổi hoàng hôn. Tôi muốn được ngả mình bên đồi vào những buổi chiều, giữa mênh mông cỏ, rồi nhìn về làng bay vờn vờn lên trên những cụm khói. Thì miền đất đỏ này, bao mùa đi qua, gió như reo và nắng như hát, thế nên đồi núi cũng ướp tiếng cười trong veo.
Những đêm mùa hè gió lặng, im ắng phía triền đồi, tôi nhớ những vì sao buổi chiều mọc trên núi. Tôi từng khóc rất lâu trước chập choạng ngày, trong đêm mùa hè lặng gió, trước giấc mơ thành thị.
Trên đồi cao gió hát, tôi tìm đến người già trong làng để được nghe kể chuyện, để được nhìn cách bà con ứng xử với rừng, với những gì thiêng liêng, cao quý mà bao đời đã nuôi sống, chở che, bao bọc. Bằng cộng cảm kết nối quá khứ với tương lại, bằng hiền hòa và dịu êm, câu chuyện trên đồi do chính tôi tìm lại, sánh đượm hàm ơn.
Với tay thương mến cuộc sống này, với tay khẽ chạm vào bông hoa dại lặng thầm nở trên nẻo đường tìm về chốn xưa, để nghe gió kể trên đồi. Bây giờ, đứa con thành thị vẫn thuộc về nơi ấy, để khi mỏi mệt, chỉ cần trở về tựa lưng, gối đầu, lặng nghe làn gió xào xạc gọi tên là đã có thêm sức mạnh để đi qua hết thảy những khúc quanh co của cuộc đời.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.