Hương sắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi yêu nhất cao nguyên Gia Lai vào mùa hoa cà phê nở rộ dưới cái nắng mùa khô rực lửa; không gian dịp sau Tết Nguyên đán như ngập chìm, ngất ngây trong hương hoa cà phê nở rộ. Có ai từng đi qua rừng hoa cà phê mà quên được cái mùi hương ngọt ngào, quyến rũ ấy!
Mùa xuân, khắp các khu vườn, nương rẫy, sườn đồi,… đâu đâu cũng trắng xóa một màu hoa cà phê đang độ tỏa hương. Cánh hoa trắng tinh đan xếp, dày đặc từng chùm. Những bông hoa, cụm hoa như những bông tuyết trắng muốt trên cành. Cả một khu vườn, đồi nương phủ toàn sắc trắng hoa cà phê. Cái màu trắng muốt ngập tràn khắp đất trời Tây Nguyên làm con người như ngất ngây, mê mẩn. Đố ai khi đứng trước bức tranh hoa trắng này mà không bị xuyến xao, rung động? Những hôm bầu trời âm u bởi ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhìn từ xa, những khu vườn, đồi nương ấy như một cánh đồng phủ đầy tuyết, khiến người ta liên tưởng đến cảnh tượng của mùa đông ở châu Âu. Sau những cơn mưa vàng đầu mùa hoặc những đợt tưới định kỳ của bà con nông dân, những chúm nụ e ấp bấy lâu bây giờ đã đồng loạt bung lụa. Hương hoa quyến rũ đến lạ lùng, mang lại cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái. Thật tuyệt vời nếu bạn được đi dạo trên con đường ngập tràn sắc trắng và hương hoa cà phê đang mùa nở rộ, được hít sâu cái mùi hương nhẹ nhàng, thanh tao vào lồng ngực, bạn sẽ được thư giãn và quên ngay những nỗi nhọc nhằn, lo âu thường nhật. Mùi hương ấy như thể xoa dịu, gột rửa bao muộn phiền vấn vương trong lòng bạn. Bởi lẽ sắc trắng tinh khôi nên mùi hương thêm tinh khiết. Hương hoa cà phê đã xua tan cái khắc nghiệt, khô hanh, cằn cỗi của cảnh vật Tây Nguyên mùa khô. Những rừng cà phê mùa hoa nở đã góp phần làm cho bức tranh Tây Nguyên thêm sức sống và hứa hẹn sự ấm no, trù phú của người dân, buôn làng.
Sáng sớm, không khí se se lạnh và trong lành của cảnh vật núi đồi cùng với hương hoa thoang thoảng hòa quyện vào nhau càng làm cho không gian mang sức hấp dẫn riêng. Hương hoa cà phê không nồng nàn, đậm đà như hoa sữa, không ngào ngạt, lẳng lơ như hoa nhài, hoa quỳnh trong đêm và cũng không cần kiêu sa, quý phái như hoa hồng mà phảng phất đủ để cho người ta ngất ngây, đắm chìm trong hương sắc ấy. Tôi không biết có loại nước hoa đắt giá nào trên thế giới có thể bắt chước được hương hoa cà phê tự nhiên này?
Mùa hoa cà phê nở. Ảnh: Ngọc Thu
Mùa hoa cà phê nở. Ảnh: Ngọc Thu
Khi bầu trời chỉ vừa hửng sáng, những tia nắng còn chưa nhảy nhót trên cành cây mà ong, bướm đã lao xao, vo ve tìm đến thật vui tai. Những đàn ong thi nhau bay đi, bay về lấy phấn hoa thơm và mật ngọt trong những cánh hoa cà phê mỏng manh để tạo nên thứ mật ong vàng sánh nổi tiếng của vùng đất này. Bức tranh Tây Nguyên mùa hoa cà phê không rực rỡ, chói chang nổi bật như mùa hoa dã quỳ mà chỉ giản đơn với sắc trắng tinh khôi trên nền lá xanh, với bầu trời mùa khô trong sáng, ít mây. Bức tranh giản đơn về sắc màu nhưng có ai biết ẩn chứa trong tranh là âm thanh của cuộc sống của loài côn trùng, là hương thơm ngan ngát, dịu ngọt của hoa, là tình yêu cảnh vật, cỏ cây của người nghệ sĩ; tình cảm, sự gắn bó, cần mẫn, mê say và cả những nỗi niềm mong đợi của bà con nông dân với cây cà phê trên mảnh đất  bazan đầy nắng và gió này.
Sau những đợt nở rộ thì cánh hoa cà phê dần khép lại, héo đi, nhường chỗ cho những quả nhỏ xanh bắt đầu xuất hiện trên cành. Từng chùm quả ken dày cứ thế lớn lên mang bao hương vị của đất trời Tây Nguyên để tạo nên thức uống đậm đà, không thể thiếu đối với cuộc sống con người trên khắp thế giới. Hương hoa cà phê đã đi sâu vào lòng người và để lại cho ta những cảm xúc, ký ức vô cùng tốt đẹp. Cảm ơn mùi hương đặc trưng của miền đất đỏ cao nguyên đầy thi vị!
ĐẬU MINH NGA

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.