Hẹn nhau mùa dã quỳ nở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiên bước chậm rãi trên con đường quen thuộc mà ngỡ như xa lạ lắm. Cô đã xa nơi đây bảy năm có lẻ rồi còn gì. Bảy năm cô không còn được lang thang khắp núi rừng mỗi mùa hoa dã quỳ nở, không còn những ngày phượt dài tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia đến các đồn biên phòng để cấp phát sách cho thư viện, phòng đọc.
Cô quen anh từ ngày ấy, ngày cô mới ngoài hai mươi, vừa tốt nghiệp ra trường rồi được bố mẹ sắp xếp cho công việc ở thư viện của tỉnh. Công việc tương đối nhàn, đôi lúc nhàm chán. Với tính cách thích bay nhảy của Nhiên, chỉ đến lúc đi cấp phát sách dài ngày dọc các đồn, Nhiên mới như được là chính mình. Nhiên nhận lời yêu Phong sau ba lần luân chuyển sách đến đơn vị. Là lính biên phòng, ngoài vẻ rắn chắc của chàng trai xứ biển lên sinh sống công tác tại Tây Nguyên, anh có tính thật thà nhưng cũng lãng mạn, thỉnh thoảng làm thơ. Vì thế mà Nhiên đã xiêu lòng.
- Anh thật sự không hiểu em, vì sao em lại có ý nghĩ thay đổi nhanh như thế chứ, chỉ hai năm nữa thôi, khi anh ổn định công việc, sẽ về xin phép bố mẹ hai bên, lúc đó chúng ta không có lí do gì để mà phải xa nhau nữa. Phong nhẹ nhàng khi Nhiên nói ra ý nghĩ của mình.
- Anh có biết ước mơ từ nhỏ của em là gì không? Là được đi khắp nơi, nghiên cứu về văn hóa, đời sống của người dân Tây Nguyên. Sao anh không chuyển công tác, cùng đi với em khắp núi rừng Tây Nguyên để thực hiện ước mơ ấy. Nhiên phân trần.
- Anh yêu công việc của anh, yêu chiếc áo lính này, đây là ước muốn của ba anh trước khi lâm bệnh, anh nối nghiệp ba và yêu công việc đã chọn.
- Còn em thì sao? Anh có bao nhiêu thời gian trong năm để dành cho em, không xuống địa bàn giúp dân thì đi trực chốt, hành quân biên giới. Mỗi năm chúng ta gặp nhau được bao ngày. Anh chuyển về thị xã đi, vẫn làm công việc của lính nhưng gần em hơn. Nhiên dịu giọng.

Minh họa: Ngọc Tâm
Minh họa: Ngọc Tâm
- Không được em ơi! Anh mới ra trường, mới chuyển về đơn vị hơn năm, đâu đã cống hiến gì nhiều cho mảnh đất mình đang sống, đã hiểu gì nhiều về người dân nơi đây. Mảnh đất này, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nơi đây còn nhiều em nhỏ thất học, không được đến trường vì hàng ngày phải lên rẫy cùng bố mẹ. Thương lắm! Hãy để anh gắn bó với mảnh đất này vài năm nữa em nhé! Đến khi ổn ổn, mình tính chuyện sau. Bây giờ anh không có thời gian nhiều cho em vì đặc thù công việc. Em mới vào nghề, chưa tiếp xúc nhiều không biết đấy thôi, có nhiều sếp của anh quê tận ngoài Bắc, có lúc 2-3 năm mới thu xếp nghỉ phép để về thăm nhà. Mình là lính trẻ, không cố gắng được bằng các anh ấy khi chưa vướng bận gia đình cũng thấy hổ thẹn em à.
Từ sau lần nói chuyện ấy, Phong không còn được gặp Nhiên nữa. Cô đã nghỉ công tác, về thành phố học cao học. Lý do chia tay thật đơn giản và có phần bồng bột. Phong không cản, một phần vì Nhiên chưa hiểu hết con người anh. Một phần vì Nhiên còn quá trẻ và Phong cũng mong muốn Nhiên học tiếp chuyên ngành mà em theo đuổi sau khi tốt nghiệp đại học. Chỉ vì nhà neo người, bố mẹ bắt cô về gần nhà ngay sau khi tốt nghiệp đại học nhưng nay thì có lí do chính đáng để Nhiên quyết tâm theo học tiếp. Nhận được thư Nhiên sau một tháng cô rời đi, nửa buồn nửa vui vì những gì em đã viết: “Em trẻ con quá phải không anh? Cái mảnh đất nơi bố mẹ sống bao năm, nơi mình được sinh ra, bao bọc mình cần những thanh niên trẻ như anh, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xông pha đến nơi gian khổ thì em lại khuyên anh rời xa. Em thấy hổ thẹn với anh, với dân bon, những người bạn yêu quý anh ở mảnh đất biên giới ấy. Thấy mình thật không xứng đáng với anh, hãy tìm cho mình một người con gái tốt, chín chắn nhé anh! Em học xong sẽ về với quê hương, về để xin lỗi với mảnh đất đã nuôi nấng mình”.
***
Nhiên đi dạo quanh đồn, cũng không thay đổi là mấy so với bảy năm trước khi lần đầu tiên cô đặt chân đến đây và gặp anh. Đang mùa dã quỳ, vàng rực cả vạt đồi. Nhiên nhớ anh, đã có lần anh hái bó dã quỳ tặng cô, nói rằng: Mình hẹn nhau vài mùa dã quỳ nữa em nhé! Anh sẽ kết vòng nguyệt quế cho em bằng hoa dã quỳ, dẫn em đi khắp vạt đồi này mùa dã quỳ để mình thực hiện abum ảnh cưới. Em có đồng ý không? Nhiên lúc ấy im lặng, mân mê những cánh hoa dã quỳ vàng tươi, đang mùa, cánh hoa nở đều, giản dị. Những cánh hoa ấy kiên cường, mạnh mẽ trong những cơn gió.
Đang trong đợt cao điểm của chiến dịch phòng chống dịch Covid-19, lại mùa cà phê của dân bon, các chiến sĩ ở đồn đi xuống địa bàn, tăng cường đến các chốt và đi tuần tra biên giới... Đồn vắng hẳn. Nhiên về công tác ở một cơ quan của tỉnh. Hôm nay là lần đầu tiên Nhiên đi cùng đoàn công tác thăm các chốt và đồn biên phòng, động viên tinh thần, tặng những món quà nhỏ để các chiến sĩ yên tâm chống dịch, bảo vệ bình yên nơi biên giới. Đang giờ trưa, mọi người đang nghỉ, Nhiên tranh thủ lang thang khắp đồn, nơi mà cô đã có những kỷ niệm khó quên nơi đây của những ngày còn trẻ. Nghĩ lại, Nhiên thấy ngày ấy mình nhỏ nhen quá. Giờ thì đã khác, sau hai năm về quê công tác, suy nghĩ đã thay đổi nhiều, đến ba mẹ cô còn ngạc nhiên...
- Dã quỳ hôm nay có còn đẹp như dã quỳ của bảy năm trước không em? Nhiên giật mình với giọng nói quen thuộc từ sau lưng, không lẽ nào là Phong sao? Chưa kịp quay lại, người thanh niên ấy đã ngồi bên cạnh thì thầm: Sáng nay nghe bộ chỉ huy điện xuống có đoàn của Ban Dân vận xuống mà không thu xếp kịp về ăn cơm cùng đoàn được, xin danh sách đoàn thấy tên em nên vội về cho kịp chứ không đoàn lại di chuyển sang đồn khác.
- Vậy anh là đồn phó Nguyễn Phong, gương điển hình trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua. Một đồng chí lãnh đạo đồn gương mẫu, gần gũi, giúp dân, đã có rất nhiều sáng kiến giúp các bon đồng bào trong việc vừa bảo đảm sản xuất, thu hoạch mùa màng, bảo đảm công tác phòng chống dịch, không để phát sinh trong cộng đồng và nhiều việc tốt khác nữa. Gương sáng ấy là anh sao?
- Em nói như báo nói ấy nhỉ, mà hình như vẫn còn thiếu: Cũng đã lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình vì còn đợi một người.
Nhiên chợt run lên khi bàn tay Phong đặt lên vai mình. Cái lạnh của cơn gió trưa mùa đông dường như được xua tan, thay vào đó là vòng tay ấm của anh, vòng tay ấy nay như rộng hơn, vững chắc hơn sau bảy năm trời thử thách. Không có ai thay thế được Nhiên trong trái tim người lính. Còn với Nhiên, nhờ nghị lực của Phong mà cô đã chín chắn, chững chạc hơn.
- Qua tháng tình hình dịch ổn, anh nghỉ phép về nhà xin phép bố mẹ và đón em để thực hiện lời hứa bảy năm trước nhé! Đang mùa dã quỳ đẹp nhất em à! Lời hứa hẹn và giọng nói của anh vẫn ngọt ngào như ngày nào.
Thay câu trả lời, Nhiên ngả đầu vào vai Phong, trong đầu là hình ảnh Nhiên dịu dàng trong tà áo dài trắng bên cạnh Phong với bộ quân phục. Tay Nhiên cầm bó dã quỳ rực rỡ. Hai người cùng dắt nhau đi trên con đường vàng rực dã quỳ nơi biên giới bình yên.
Truyện ngắn của Thanh Thảo (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...