Trăng thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thuở nhỏ, những đêm trăng sáng mùa thu, tôi thường theo mẹ lên ngồi trước thềm nhà ngoại. Từng làn gió mát rượi ùa vào từ đồng bãi mênh mông, xua đi đàn muỗi quẩn quanh ở góc nhà. Ngoại, mẹ và tôi ngồi cạnh nhau trên chiếc sạp tre đã bạc màu năm tháng đặt dưới mái hiên. 
Trong nhà, ngoại tắt hết đèn điện, chỉ còn ngọn đèn dầu tỏa quầng sáng ấm áp trên gian thờ. Được nhỏ bé trong lòng mẹ giữa những ngọn gió đồng êm ả, tôi hay ngủ quên trước khi về. Giấc ngủ đến nhẹ tênh giữa tiếng mẹ và ngoại thủ thỉ, lẫn vào tiếng côn trùng trầm đều xa xa. Ngoài khoảng sân lá rụng, ánh trăng tràn loang loáng ảo mờ.
Đường về, tôi ngủ ngon lành trên lưng mẹ. Sáng tỉnh dậy trong tiếng mẹ lục đục khẽ khàng ở hiên sau, những dải nắng đầu ngày mong manh rọi qua song cửa, tôi không nhớ đêm qua mình đã ngủ quên tự lúc nào. Tôi học buổi chiều, ngồi trong lớp thỉnh thoảng quay mặt về phía cửa sổ, lơ đãng nhìn ra khoảng trời thu trong veo, lòng lại nôn nao đợi tới đêm trăng sáng. Những buổi tối đang học bài, đôi lúc ngẩng mặt nhìn lên, bắt gặp vầng trăng thấp thoáng sau bóng lá, tôi thường lẩm nhẩm câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Trăng ơi... từ đâu đến? Hay từ cánh rừng xa. Trăng hồng như quả chín. Lửng lơ lên trước nhà”. Rồi cứ ngỡ vầng trăng cũng đang dõi theo từng con chữ tôi viết, lắng nghe tôi chăm chú đọc bài.
Có nhiều đêm trăng sáng, lũ trẻ con chúng tôi tụ tập ở khoảng sân rộng bàng bạc ánh trăng. Đã hẹn nhau từ trước, đứa đem theo quả ổi, quả mận mới hái lúc chiều, đứa để dành vuông kẹo đậu, túi bánh ống thảo thơm, giòn rụm, vừa chia cho nhau vừa cười đùa ríu rít. Hết đồng thanh vu vơ hát ca, chúng tôi lại chuyển sang thì thầm to nhỏ những câu chuyện kỳ bí, mở ra một vùng trời bao la của trí tưởng tượng. Rồi có đêm, chúng tôi rủ nhau vào sân trường làng chơi trốn tìm, mồ hôi nhễ nhại. Bọn con gái gom thật nhiều cọng thun kết thành một sợi dây dài để cùng chơi nhảy dây giữa ánh trăng ngập tràn. Nhà tôi ở cuối xóm. Có quãng đường về tôi phải đi một mình, ngang qua bụi tre già cót két đong đưa. Gió hiu hiu thổi, bất giác nghĩ đến những mẩu chuyện kỳ bí khi nãy rỉ tai nhau, tôi chạy ù về một mạch. Tới cổng nhà, tiếng chó sủa sau lưng còn vọng vang.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Những đêm thu ngồi đợi trăng lên, tôi thường nao lòng nhớ bao mùa Trung thu đã xa. Chiều về, chúng tôi nôn nao tắm rửa thật sớm, hối cả nhà ăn cơm tối để kịp theo đoàn lân đến từng nhà trong xóm nhỏ. Tiếng trống lân “tùng cắc” tưng bừng, giục những đôi chân mừng vui hòa vào dòng người ngoài con đường đất. Đoạn đường ven đồng gió thổi lao xao, ánh trăng rót xuống miên man trên những cuống rạ vừa xong vụ gặt. Trước đó mấy ngày, tiệm tạp hóa của làng treo trước cửa dãy đèn lồng sặc sỡ, lần nào đi ngang tôi cũng ước. Bắt gặp ánh mắt non nớt đầy niềm mong mỏi của tôi, cha lẳng lặng vót tre, cắt giấy rồi tỉ mẩn làm cho tôi chiếc đèn lồng năm cánh, bên trong thắp cây nến nhỏ. Để rồi sau này, dẫu có được mẹ mua cho những chiếc đèn lồng ngộ nghĩnh, lung linh, tôi vẫn nhớ hoài chiếc đèn lồng đầu tiên do cha làm. Những thứ đầu tiên thường khiến người ta nhớ sâu đậm. Mà nó lại còn được tạo nên từ bao yêu thương như suối nguồn chảy mãi, thiết tha…
Đêm nay mất điện, ngồi dưới trăng lòng bộn bề ký ức, bất chợt thấy sống mũi cay cay. Đám trẻ hồn nhiên thuở nào giờ mỗi đứa một phương. Chiếc sạp tre qua bao năm vẫn im lìm trước thềm nhà ngoại, cho những đôi chân mỏi ghé vào tìm chút bình yên. Những lần trở về, tôi nhẹ nhàng để dép ngoài bậc thềm, thảnh thơi ngồi lên chiếc sạp tre nghe cót két thanh âm của mưa nắng. Trong nhà, tiếng chân ngoại đi lại khe khẽ lẫn trong giọng nói đầm đẫm sương gió. Ngoại kể với tôi mà như đang nói với chính mình. Tất cả khiến tôi an lòng, vì còn được đắm chìm trong những thân quen thuộc về ngoại. Trăng vén mây soi lòng tôi rưng rức bao điều xa xưa cũ kỹ.
Tháng năm như chuyến tàu một chiều, tôi tự hỏi mình có bỏ lỡ điều chi?   
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.