Sắc lá thu sang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bàng là loại cây có tán rộng, rất thích hợp cho việc trồng làm bóng mát ở các trường học. Bởi thế mà sân trường có rất nhiều cây bàng, cây nào cũng cao lớn. Một năm, bàng rụng lá vài lần. Sắc lá rụng từng mùa khác nhau nhưng mỗi độ thu sang là lúc lá bàng chuyển màu đẹp nhất.
Lá bàng chuyển màu rất nhanh và bất ngờ. Mới mấy hôm trước, tôi thấy lá bàng còn xanh lắm. Thế mà chỉ vài ngày sau, thật ngỡ ngàng trong một buổi mai đến trường, các tàng cây đã vàng rực từ lúc nào. Sắc thu hiện rõ trên từng phiến lá tươi màu rỡ ràng in lên nền trời xanh thắm. Tầng lá đan cài vào nhau như tấm thảm vàng ai trải giữa lưng trời. Dưới khoảng sân đất mát lạnh, lá rụng xếp dày nằm lặng im, giữ nguyên màu tươi mới. Còn trên sân xi măng, dưới sức nóng của mặt trời, lá khô cong nhảy múa, bay xào xạc dưới bước chân người. Tôi say đắm lưu lại cho mình khoảnh khắc đẹp cùng xao xác lá vàng, thấy mùa thu đang đến ngập lòng.
Yêu sao sắc lá sân trường! Nhưng để giữ gìn vệ sinh chung, chúng tôi phải dọn sạch thảm lá ấy. Vào kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè hoặc nghỉ học do dịch bệnh thì thầy cô trực trường có trách nhiệm quét lá. Thường thì một tổ trực chỉ có vài người nên việc dọn lá cũng hơi mệt. Có khi cầm chổi quét nhiều đến phồng cả tay, mồ hôi nhễ nhại. Chúng tôi quét xong thì gom lá thành đống lớn rồi đem đốt. Lá khô giòn cháy xèo, chỉ một loáng là để lại tàn tro. Lá tươi âm ỉ cháy, khói trắng bay hắt lên hòa cùng ánh nắng mai chiếu rọi tạo nên những luồng khói trắng tuyệt đẹp. Nghe trong không gian mùi khói lá thơm nồng như mùi rơm rạ đốt ngoài đồng bãi.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Những ngày trong năm học thì việc quét lá là của các em học sinh. Mỗi sáng sớm trước giờ sinh hoạt lớp, học sinh đều phải ra sân dọn vệ sinh khu vực được phân công. Em cầm chổi quét, em hốt rác. Không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp để kịp giờ. Khi không đủ chổi để quét, các bạn nhỏ tự giác nhặt lá và gom đổ vào hố rác. Chẳng mấy chốc mà sân trường sạch bong, các bạn yên tâm vào lớp chuẩn bị đón buổi học mới.
Thật lạ, trên cùng một cây bàng mà tưởng như vòng tuần hoàn diễn ra không bao giờ dứt. Khi lá vàng chưa trút hết thì trên cành đã lấm chấm những phiến lá non tơ. Lá vừa độ bánh tẻ cũng là lúc bàng trổ hoa. Hoa bàng kết thành từng dải ngăn ngắn nơi đầu cành mang sắc vàng dìu dịu. Rồi quả non xuất hiện, lấp ló như những chùm ngọc xanh. Một thời gian sau, quả bàng chín rụng vàng ươm, rơi lộp bộp đầy sân. Tôi lom khom cúi nhặt vài quả rụng, nghe hương thu ngai ngái đầy tay mình. Đối với đám trò nhỏ thì quả bàng là món nhâm nhi dân dã tuyệt vời. Các em túm tụm ngồi bên rìa bờ thềm xi măng, dùng cục đá ghè quả lấy nhân ăn với vẻ mặt thích thú.
Mùa thu năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, học sinh tạm thời chưa được đến trường. Những cây bàng vẫn âm thầm trút lá nhưng vắng tiếng chổi tre, vắng bước chân thấp thoáng đi về. Sân trường im ắng, mơ hồ chỉ có tiếng lá khẽ rơi như thầm mong ngóng điều gì…
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.