Ô cửa sổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tôi, ô cửa sổ chính là nơi thi vị nhất trong ngôi nhà. Dẫu nhiều khi vắng bóng người, cửa đóng then cài chẳng khác nào tĩnh vật.
Cảnh trí bên ngoài cửa sổ nhà tôi bao ngày vẫn thế, một mái hiên, một cây hồng leo dịu dàng đơm bông giữa ngõ vắng, cạnh đó là giàn hoa giấy cố vươn nhánh để tìm chút nắng hiếm hoi trong lúc mưa dầm. Ai đó từng nói mỗi ô cửa đều hướng đến một chân trời. Đúng là trong những ngày không ra khỏi nhà, chừng ấy ánh sáng, chừng ấy khí trời cũng đủ khiến lòng rộng mở.
Có phải trong khung trời kỷ niệm của mỗi người đều cất giấu bóng hình một ô cửa sổ? Ngày đó dễ cũng đến mười mấy năm về trước, gia đình tôi ở trong căn nhà ván, cách mặt đường một khoảng sân rộng, sân đất đỏ chứ không được lát gạch tinh tươm như bây giờ. Bố tôi trổ một khung cửa sổ rất rộng, choán hết cả mặt trước ngôi nhà. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn giữ tấm ảnh chụp cùng bố bên cạnh ô cửa ấy. Nhà có 3 chị em gái, ngày nào cũng đứng tựa vào thành cửa sổ mà ngóng mẹ, suốt những năm tháng mẹ tôi rong ruổi vào tận buôn làng của người Jrai để đổi khoai, đổi mì. Lần nào đón mẹ về, nhìn vào giỏ hàng mà thấy có quả ổi hay trái bắp, tôi mừng rơn… Khi dỡ bỏ nhà cũ, bố tôi chỉ giữ lại hai cánh cửa sổ để lắp vào căn nhà mới. Nhờ vậy mà ngôi nhà của chúng tôi bây giờ luôn đượm mùi ký ức.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Thi thoảng, tôi đứng tựa vào thành cửa sổ trông ra, có cảm giác như mình đang đứng ở một vách ngăn giữa hai thế giới vậy. Một thế giới bên ngoài rộng lớn, xôn xao và ngập tràn những điều mới mẻ; còn một thế giới nhỏ bé bên trong căn nhà, nơi mỗi người trở về trú ngụ khi ánh hoàng hôn dần buông xuống. Mỗi ô cửa sổ còn là một câu chuyện của tâm hồn. Có người mở ra để chờ mong và đón đợi. Có người khép lại để được sống với bao khắc khoải, suy tư. Khép hay mở một cánh cửa là quyền lựa chọn của mỗi người. Có điều, cứ mãi khép chặt hay mở quá rộng ô cửa tâm hồn đều chưa phải là hay. Hạnh phúc có được phần nhiều do con người tự biết cân bằng. Như cái cách mà chúng ta mở cửa để đón khí trời hay khép vào để tránh gió lùa vậy.
Hàng vạn ngôn từ cũng không sao giúp tôi diễn đạt bằng hết xúc cảm trong lòng khi nhắc về ô cửa sổ. Tôi biết, trước những khắc khoải, có người nói ra, có người viết ra và cũng có người chỉ đứng bên ô cửa để ngắm nhìn. Nhìn mà như không nhìn, không nhìn mà thấu suốt tất thảy. Đôi mắt chẳng phải đã là cửa sổ tâm hồn hay sao? Tôi thường mơ về một căn nhà nhỏ trổ nhiều cửa sổ trên vách. Rồi từ đó, bước ra đời sống mỗi ngày để biết thêm một chút về thế giới rộng lớn ngoài kia và trở về với những ngẫm suy.
Chỉ cách một khung cửa thôi mà nơi này xôn xao, chốn kia tĩnh lặng. Ngôi nhà nếu thiếu đi một ô cửa sổ thì trống vắng biết nhường nào!
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.