Một thời xe đạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có một thời mà chất lượng chiếc xe đạp được ai đó khái quát rất chuẩn xác: “Tất cả đều kêu trừ chiếc chuông”! Tuy thế, nó rất được trân quý, nâng tầm chức năng sử dụng: “Phương tiện phổ biến giải phóng đôi chân”! Nói là phổ biến, nhưng vào thời bao cấp, những gia đình có chiếc xe đạp sử dụng được không nhiều, bởi lắm lý do.
Nhà tôi có đến 3 chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp đòn ngang “made in France” được cha tôi dùng lúc còn trai trẻ, mua từ thời thuộc Pháp không tìm đâu ra ruột, vỏ để thay thế nên đành treo cất. Chiếc xe đạp đũa dọc, cỡ nhỏ dành cho chị gái đầu ngày thơ bé, mua vào thập niên 50 cũng cùng chung số phận. Nhà còn mỗi chiếc “xe đạp đầm” đường kính vành 650 mm, loại xe đạp phổ biến thời đó, có phụ tùng thay thế, làm phương tiện. Mà phụ tùng đâu dễ mua, năm này được bán phân phối cặp lốp, năm sau được bộ xích líp, cứ thế luân phiên nên “con ngựa sắt” vốn đã ốm yếu, chuyên chở nặng nhọc, ít khi ngừng nghỉ, không được đại tu đồng bộ cứ dở chứng thường xuyên. Các gia đình có xe đạp khác cũng thế nên cánh đàn ông con trai mỗi nhà đều có nghề chữa xe đạp, đầy sáng tạo, nâng tầm “phát minh” chẳng quá lời. Như chiếc vành bị gãy/bục thì dùng chiếc vành cũ đã vứt bỏ cặp thêm, dùng sợi cước nhựa cỡ bự kết vào. Cây kim dùng để kết vành xe cũng tự chế, từ chiếc tăm/nan hoa cũ, sau vài công đoạn chế tác hoàn toàn thủ công. Mọi người cũng dùng những viên bi lấy từ quả bom bi trong chiến tranh thay cho bi xe đạp… Anh trai tôi còn “tỉa” dần những chi tiết trong 2 chiếc xe đạp không sử dụng để thay thế rồi trầm trồ: “Phụ tùng của Pháp, của Nhật đúng… ngon, tuy đã qua thời gian dài sử dụng!”. Vì những lẽ ấy, chuyện hỏng xe giữa đường không phải là hiếm, chỉ còn cách dắt xe về. Hiệu sửa chữa xe đạp thường chỉ vá/nối ruột xe chứ không thay thế, vì lấy đâu ra. Những hiệu lớn, thêm chức năng hàn nối khung sườn, độ chế thành ra chiếc xe đạp thồ có sức tải trọng lớn, cả làm biến dạng nét vốn dĩ của xe. Chiếc xe đạp thời đó chức năng thẩm mỹ ít được quan tâm!
Ảnh minh họa: Phan Nguyên
Ảnh minh họa: Phan Nguyên
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế đất nước chuyển mình, xe đạp nội xuất, ngoại nhập tràn lan trên thị trường, cả những chiếc xe đạp hàng bãi của Nhật. Chừng như bù lại sự thiếu hụt, thèm muốn đã hằn trong tâm thức, với năng lực có thể, thứ các gia đình ưu tiên mua sắm là xe đạp: cho mình, cho mỗi đứa con đã lớn. Người đi làm tiết kiệm thu nhập dành để mua xe đạp, như thể bây giờ dành tiền mua ô tô. Cùng chiếc xe đạp ra đường là mang theo cả nét duyên, niềm vui sướng, tự hào!
Thời gian về sau, kinh tế hội nhập và phát triển, tận vùng sâu, xe máy thay cho xe đạp, thật sự là phương tiện không chỉ giải phóng đôi chân. Chiếc xe đạp một thời, với người có tính hoài cổ thì nâng niu giữ làm kỷ vật; số còn lại đem cất vào nhà kho, bán đồng nát hoặc tặng những ai còn cần đến. Hình ảnh chiếc xe đạp cũ chỉ thấy cùng với người mua bán đồng nát, trẻ em nghèo vùng sâu.
Ở phố thị, xe đạp bây giờ là món đồ chơi hơn là phương tiện. Với trẻ em mọi lứa tuổi, nhà sản xuất làm ra chiếc xe đạp với tính năng, kích cỡ, kiểu dáng, chất lượng khác nhau. Dành cho người lớn, xe đạp ít đa dạng kiểu dáng, màu sắc nhưng khác nhau về chất lượng, dùng để rèn luyện sức khỏe, để… chơi. Cái giá món đồ chơi xe đạp dành cho quý ông chẳng nhỏ chút nào, có loại ngang bằng giá chiếc xe tay ga hạng sang.
Được biết, ở nhiều quốc gia phương Tây giàu có và văn minh, chính phủ khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp trong các đô thị lớn nhằm giảm thiểu tai nạn và ô nhiễm môi trường. Ờ nhỉ, xe đạp không tạo ra khí thải; tai nạn xe đạp nếu xảy ra dễ gì gây chết người. Tự nhiên lại nhớ một thời xe đạp ở nước mình.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.