Lãng đãng heo may

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nơi tôi ở là miền đất thiếu mưa, thừa nắng. Khi cái nắng hạ khiến con người cảm thấy bức bối sắp qua đi, khúc giao mùa đến với những làn gió mát dịu khiến ai nấy đều cảm thấy dễ chịu, tâm hồn phơi phới ngập tràn những sắc màu, thanh âm trong trẻo của cuộc sống. Lòng người lại lãng đãng thả hồn nương theo những cánh gió heo may.
Tôi có thể đứng hàng giờ trên ban công lầu hai ngắm sự chuyển động của những đám mây. Nếu như dạo trước, vào những trưa hè vắng lặng, từng đám mây trắng xốp cuộn tròn im lìm trên bầu trời xa xôi thì giờ đây, tôi mới có thể ngắm mây trôi một cách rõ ràng nhất. Phía đằng Đông bình minh vừa hé rạng với những rạn mây màu đỏ rồi màu mỡ gà rực rỡ khiến con người nuôi bao hy vọng tốt đẹp về tương lai. Rồi khi ánh sáng mặt trời chan hòa khắp mặt đất thì gió heo may thổi mạnh làm cho những đám mây chuyển động không ngừng. Từng cụm mây trắng, xanh rồi xám theo gió chầm chậm nối tiếp nhau bay mãi. Trong khoảnh khắc bất chợt đó, tôi thấy bầu trời thật gần mà lòng người cũng dịu dàng như những áng mây bay.
Lại nhớ tuổi thơ tôi gắn bó với con sông đào uốn lượn qua những cánh đồng, phố xá. Con sông bốn mùa nước xanh trong với những triền đê cỏ xanh mướt êm đềm. Thời điểm mùa thu xào xạc gõ cửa cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi rủ nhau lên đê chơi. Phía chân đê, sát mép ruộng, người ta trồng rất nhiều mướp hương. Đứng trên bờ đê nhìn xuống, hoa mướp vàng rực mơn man trong nắng nhẹ gió mai. Lũ con gái chúng tôi len lén ngắt những bông hoa mướp bỏ đầy giỏ mang lên đê ngồi chơi đồ hàng. Hương mướp quấn quýt nơi đôi bàn tay bé nhỏ. Lúc về, tôi thả từng cánh hoa dập dềnh trôi theo sóng nước. Gió đưa hoa trôi xa rồi mà tôi mãi luyến tiếc nhìn theo. Còn lũ con trai lại mải mê với trò đào dế. Chúng mang theo một chiếc cuốc nhỏ, chọn nơi đất đùn lên mà đào. Một lúc sau, chúng đổ nước xuống lỗ, dế ngợp nước phải bò ra. Chúng chọn những chú dế mèn càng to bóng lưỡng khỏe mạnh bỏ vào hộp chơi trò chọi dế. Trò chơi tuổi thơ giản đơn mà say mê quên cả lối về.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mùa thu quê tôi cũng là mùa của những cánh chuồn xuất hiện. Trong những ngày gió reo giữa hàng cây làm xao động cả khúc trưa đầy nắng, rất nhiều cánh chuồn chuồn la đà trên vạt cỏ xanh. Những đôi cánh mỏng bay lên rồi liệng xuống như tìm kiếm điều gì? Lũ trẻ chăn bò đầu trần chân đất đuổi bắt chuồn chuồn, mê mải chạy theo mặc cỏ may dính đầy quần áo. Nhưng đâu có dễ, chuồn chuồn thấy bóng người vội vã bay cao. Lũ trẻ mệt nhoài ngồi bệt xuống đất bần thần gỡ bông may, đôi lúc lại ngước mắt trông chừng đàn bò nhà mình đang cần mẫn gặm cỏ phía xa.
Rồi những buổi mát trời đầy gió heo may. Thật ngạc nhiên khi con gái nhỏ của tôi tự ra vườn hái một rổ rau mùng tơi đem vào cho mẹ. Dặn mẹ mua cua nấu canh để nó được thưởng thức món canh mát thơm ngọt lừ ăn kèm cà pháo giòn tan. Để đến bữa nó say sưa gặm, bóc tách càng cua hưởng chút thịt bé xíu đậm vị. Món canh dân dã như làn gió mùa thu thổi vào lòng người bao yêu thương của cuộc sống giản dị.
Ngày ngày trôi qua, tôi vẫn thường im lặng đi trên những cung đường đầy gió heo may. Cảm nhận cái thênh thang, mát lành của khí trời khiến tâm hồn ta sảng khoái mà thêm yêu đời, yêu cuộc sống mến thương này. Những mùa gió heo may vẫn trôi chảy mãi trong tôi và trong trái tim bao người.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.