Thức - Truyện ngắn của Nguyễn Lê Vân Khánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thỉnh thoảng anh lại tự hỏi tại sao mình không trở thành con người khác? Không phải kiểu câu hỏi tu từ để than thân trách phận, mà đó là một thắc mắc thật sự.

 
MINH HỌA: VĂN NGUYỄN
MINH HỌA: VĂN NGUYỄN



Một người hát phòng trà? Người huấn luyện sư tử trong rạp xiếc? Thợ kim hoàn? Tất nhiên không đơn thuần là làm một công việc khác, mà hẳn là một đời sống khác, định mệnh khác.

Năm nay anh bốn mươi hai tuổi, có thể nói đã qua nửa cuộc đời. Công việc nói chung không tệ, dù không nắm chức vụ cao tuy nhiên lại đang làm việc tại một tập đoàn lớn. Sở hữu một căn nhà khá rộng với đầy đủ nội thất loại tốt, bên ngoài có vườn nhỏ nhiều cây cối. Đi lại bằng chiếc Subaru Outback đời 2010. Tài khoản ngân hàng luôn dư một chút, suốt nhiều năm nay không phát sinh khoản vay nào. Nhìn chung anh không có mong muốn sở hữu thêm tài sản, không phải vì quá đủ đầy, mà chỉ đơn giản là luồng suy nghĩ ấy không hề xuất hiện.

Phần lớn thời gian ngoài giờ làm việc thì anh ở nhà. Anh ít thích những chỗ náo nhiệt, nên thành ra việc gặp gỡ bạn gái cũng không thường diễn ra bên ngoài. Thường vào cuối tuần, cô bạn gái đến vào buổi sáng với một túi hàng vừa mua ở siêu thị. Nàng thay mới tất cả những thứ sắp sửa hư hỏng hoặc hết, sơ chế thức ăn và chia chúng thành từng hộp vừa đủ cho một bữa ăn. Không hiểu sao nàng luôn xếp gọn được tất cả chúng vừa đầy ngăn đông tủ lạnh. Bên ngoài, nàng còn tỉ mẩn dán mẩu ghi chú để có thể dễ dàng tìm được từng thứ thích hợp trong cái ô tủ vuông đầy ắp không dư một li ấy. Trong lúc đó thì anh uống một tách cà phê.


Từ phòng ngoài, anh có thể ngắm nàng loay hoay trong gian bếp, một chốc ở chỗ bồn rửa, lát sau ở kệ bếp, sau thì lại loay hoay chỗ tủ lạnh, rồi lại lui về bồn rửa, như thể con bướm cứ chập chờn từ cụm cỏ này đến cụm cỏ khác trong buổi sáng mùa hè.

Cứ thế ngày cuối tuần nào cũng trôi qua nhè nhẹ. Nàng loay hoay sắp xếp việc này việc kia. Rồi buổi chiều tối họ cùng nhau uống một chút rượu vang. Xung quanh khu vườn anh đã trang trí một vài bóng đèn có màu vàng ấm dịu, hợp với việc uống rượu vang ngoài trời cùng bạn gái. Nàng chỉ hơn hai mươi lăm tuổi một chút. Anh không nhớ cụ thể, bởi lẽ lần đầu tiên gặp nhau, nàng đã nói nàng vừa tròn hai mươi lăm tuổi. Từ đó đến nay là bao lâu, cứ êm đềm lặng lẽ trôi qua.

Ngoài một chút lấn cấn là anh hơn nàng quá nhiều tuổi, thì tuổi hai mươi lăm ấy luôn khiến anh yêu nàng. Có thể có nhiều cô gái khiến người khác yêu vì sắc đẹp, vì tâm hồn, hay vì một đặc điểm nào đó, thì “tuổi hai mươi lăm” cũng vậy. Anh luôn yêu nàng vì điều ấy, cho dù tuổi hai mươi lăm thật sự đã trôi đi một chút. Anh không thể nào phân tích ra một cách cụ thể rõ ràng, nhưng tuổi hai mươi lăm ấy giống như một kiểu nội lực từ sâu bên trong nàng. Như kiểu ngọn lửa bên dưới nồi hầm đậu, không nhỏ nhen yếu đuối, lại không phải kiểu khiến người ta bị lấn át và bực bội.

- Nếu không là một họa sĩ thì em sẽ là gì nhỉ?

Anh hỏi trong lúc uống rượu vang.

- Em sẽ đi bán hàng trong siêu thị - Nàng trả lời không cần suy nghĩ.

- Ý anh không hẳn là nghề nghiệp. Nhưng cũng có thể tạm dùng nó để định danh cho cả một xâu chuỗi những điều em làm trước đó. Kiểu như phải như thế nào đó em mới trở thành một họa sĩ hay một ai đó khác…

- Thì như thế nào em cũng sẽ đi bán hàng trong siêu thị, nếu không phải là chuyện vẽ vời - Nàng cho một mẩu khoai tây vào miệng.

Kể cả khi đứng lẫn trong hàng chục cô nhân viên bán hàng như vậy, nàng cũng sẽ trông khá đặc biệt. Anh tưởng tượng một chút rồi kết luận như vậy. Nàng có đôi chân rất thon mềm, chạm vào chúng có cảm giác như thể ngậm một miếng thạch dẻo và cứ thế giữ trong vòm miệng. Gương mặt tuy không có chi tiết nào quá nổi bật, nhưng điều ấy lại khiến mọi thứ trông hài hòa dễ chịu. Cả nét mặt cũng thường ở trạng thái hài hòa, không quá vui cũng không quá trầm, giống như nốt si trên khuông nhạc. Nhìn chung ngồi bên cạnh nàng như ngồi trong cơn gió chiều, sự lắng đọng rỗng rang vây quanh như một chiếc áo choàng mùa hè.

Duy chỉ có ngón tay giữa của nàng khiến anh có đôi chút khó chịu. Không biết có phải vì tì bút vẽ vào đó thường xuyên khiến đầu ngón tay của nàng dường như bị lệch một chút. Trông cứ như người có nhiệm vụ lắp ngón tay ấy đã lắp vội lắp vàng rồi bỏ đi, nên khớp đầu tiên của ngón tay hơi lệch một chút với phần còn lại. Ở chỗ khớp ấy lại còn có thêm phần da đệm có vẻ hơi dư thừa. Vợ cũ của anh cũng có một ngón tay giữa giống y như vậy, với phần đầu ngón bị lệch và một chút da đệm dư thừa.

Vợ cũ nhỏ hơn anh hai tuổi, nhưng nàng mãi mãi ở tuổi ba mươi. Nàng đã mất cách đây tầm mười năm, trong một vụ tai nạn.

Ba năm sau khi vợ cũ mất, không hiểu sao hình ảnh nàng cứ dần dần nhạt đi trong anh. Anh chỉ nhớ được dáng người của nàng, không làm sao nhớ được một chi tiết cụ thể. Anh không cảm thấy bất tiện gì về chuyện ấy, người ta không thể nắm níu dấu xóa của thời gian. Anh không chủ động cố quên, cũng không ráng để nhớ, mọi chuyện cứ thế tự nhiên diễn tiến. Sau dần đến dáng người và nét mặt cũng không còn nhớ, vợ cũ chỉ còn là một “vùng trắng”. Lần đầu tiên nhìn thấy ngón tay bị lệch của bạn gái, tim anh liền có cảm giác bị lưỡi dao chém ngọt một nhát.

Anh không còn yêu người vợ cũ, có thể nói chắc về điều đó. Khi không còn yêu nữa, người ta có thể bỏ xuống tất cả: sự căm giận, và cả sự đau lòng. Trước đây anh đã nghĩ như vậy. Nhưng ngay sau khi gặp ngón tay bị lệch của cô bạn gái, anh nhận ra đôi khi một vài thứ mất đi và vài thứ thì thỉnh thoảng rơi rớt lại, kiểu như một cọng ngò tây trang trí còn sót lại trên đĩa sau bữa ăn, chẳng để làm gì, nhưng nó vẫn còn lại ở đấy. Cảm giác đau lòng dù chỉ là một cọng ngò lúc tàn tiệc, chẳng để làm gì hết, nhưng nó cũng khiến anh chao đảo mỗi khi nhớ về.

Sau mỗi cơn chao đảo như vậy, anh lại nhớ đến H. Đã mười năm rồi anh không gặp cậu ta. H. chơi thân với anh từ thời trung học. Khi tất cả bạn bè theo năm tháng cứ dần rã đám với những niềm vui và mối bận tâm khác nhau, thì anh và H. cứ thế mỗi lúc lại càng trở nên thân thiết. Tuy nhiên sau đám tang người vợ cũ, anh đã không còn nhìn thấy H. nữa. Nhiều năm qua, dù cố gắng cách mấy cũng không thể nào tìm thấy H. trong thành phố này. Gần đây trong khi lang thang trong một diễn đàn làm vườn, anh có cảm giác mình sắp sửa tìm thấy H. Và khi có linh cảm ấy, anh ngay lập tức đã báo với người yêu rằng có lẽ mình sẽ vắng mặt ở thành phố ít lâu. Nàng nói không có vấn đề gì, em sẽ dọn dẹp nhà cửa và vườn nhỏ thay anh.


 

*

*     *



Phải mất gần mười tiếng đồng hồ lái xe anh mới đến nơi. Khác với thành phố anh ở, vùng cao nguyên đang vào mùa mưa. Thị trấn nhỏ, đến độ chỉ cần đứng ở chỗ cao đã có thể nhìn được toàn cảnh trung tâm. Tối qua anh đã kịp lục lại các bài viết trên diễn đàn làm vườn. Trong một bài viết về việc trao đổi cây giống, chủ tài khoản có hướng dẫn đường đi về nông trại. Việc đến nông trại không khó mấy, chỉ không chắc chủ tài khoản đó có phải là H. hay không. Anh cứ đi về phía tây của thị trấn, với vài con đường nhỏ trải nhựa bạt ngang qua những đồi thông. Khi còn đang loay hoay với bản đồ, thì H. lại là người nhận ra anh trước hết.

- Là Thức phải không?

Cậu ta đứng bên vệ đường, có lẽ có chút bất ngờ nên hơi khựng lại một chút, với một cái cán cuốc trên tay. Một kẻ đang chầm chậm đỗ xe, cố nghĩ xem mình sẽ nói gì trước nhất. Kẻ kia lại đứng nghệch ra với một cái cán cuốc. Lá thông lay nhẹ. Bên trên mây trắng trôi từng cụm cuộn gom lại trên bầu trời xanh. “Cuối cùng thì ngày này cũng đã đến!” - H. nghĩ.

- Chẳng hiểu sao từ một anh thành phố giờ lại thành một ông già làm vườn với cái cuốc còn trơ mỗi cán thế kia!

H. cười và tựa cán cuốc vào hàng rào.

- Đã lâu quá không gặp! Thực ra mày trông cũng không khá hơn!


H. sống trong căn nhà cách đó không xa. Nhà nằm lọt thỏm giữa đủ loại cây cối. H. không dọn cỏ, cũng không phân vùng ra từng loại cây trồng. Mới nhìn trông có vẻ như vườn hoang, nhưng nếu quan sát kỹ, có thể thấy phải tốn nhiều thời gian cho kiểu nông trại như vậy. Có nhiều thứ đã có thể thu hoạch được ngay. Rau nằm lẫn với đám cỏ, dây đậu chạy lan khắp vườn, cây cỏ tự phân tầng theo lối riêng của bọn nó. Xa hơn một chút còn có cả một cây tùng già.

Nhà H. tuy nhỏ nhưng mọi thứ đều ngăn nắp và dễ chịu. Tiện nghi chỉ vừa đủ dùng khiến căn nhà có cảm giác tiết độ và thư thả. H. đã sống như vậy suốt mười năm qua.

Buổi tối, sau khi tắm rửa và sắp xếp xong vài thứ thì bên ngoài cũng đã chìm trong hơi lạnh và mưa phùn. Anh và H. cùng đi uống rượu ở cái quán lúp xúp cách nông trại không xa. Uống rượu nấu của người địa phương, kèm với món thịt nướng ướp một loại lá gì đấy. Thịt có mùi ngây ngây của lá cây, vị cứ như một dấu gạch ngang, nhưng khi nhấp một ngụm rượu sau đó thì dấu ngang ấy lại chìm hẳn xuống đáy.

- Mày đến là để tìm tao?

H. từ xưa đã là người khá ít nói. Nếu cần làm việc gì đó, cậu ta cứ vậy mà làm. Ít khi chịu báo trước hoặc giải thích. Vì vậy thật ra anh cũng không mấy ngạc nhiên về chuyện H. cứ thế biến mất.

- Suốt mười năm qua, mỗi khi nhớ đến mày, tao lại nhớ đến Tg. - H. nói rồi nhấp một ngụm rượu, cái vị ngây ngây ấy lại rơi xuống đáy.

H. và Tg. chơi thân với anh từ thời trung học. Khi tất cả bạn bè theo năm tháng cứ dần rã đám với những niềm vui và mối bận tâm khác nhau, thì cả ba cứ thế mỗi lúc lại càng trở nên thân thiết, cho đến mười năm trước, Tg. và vợ anh cùng mất trong một vụ tai nạn. Chuyện ấy gần như là một cú sốc cho cả anh và H.


- Người ngoài thôi cũng cảm thấy khó nghĩ khi vợ mày và bạn thân của mày cùng trên chiếc xe khi tai nạn xảy ra. Và rồi tao cảm giác không thể nào chịu đựng nổi khi biết được những việc trước đó, nên cứ vậy mà đi thôi.

Nếu so về mức độ thân thiết, có lẽ H. thân với Tg. hơn anh. Khác với H., Tg. có vẻ dư năng lượng hơn một chút. Tất nhiên không đến nỗi bắng nhắng, nhưng đôi lúc cũng đẩy bản thân ra ngoài một cách khá vi tế. Đó là tính cách dễ bắt gặp ở những kẻ thông minh hạng trung. Kiểu thông minh sử dụng trong đời sống, có thể áp dụng khá tốt trong sự nghiệp, Tg. lại là người thích học hỏi và tìm hiểu đủ thứ kiến thức. Theo lẽ thông thường có lẽ kiểu người như vậy là chuẩn mực cho xã hội và loài người, nhưng không hiểu sao anh vẫn nghĩ chính sự thông minh ấy lại trở thành tấm chắn giới hạn. Mặc dù nghĩ sâu hơn nữa, vượt lên thông minh hạng trung, thì kiểu thông minh thượng hạng dùng để làm gì? Chẳng để làm gì! Bởi vì vợ anh có lẽ chỉ thích tuýp người thông minh hạng trung.

- Tao trông có vẻ như là một người ngoài cuộc, nhưng tao không cách gì có thể gạt bỏ được cảm giác tổn thương khi biết được mọi chuyện. Chính vì vậy mà tao không thể nói gì mà cứ vậy ra đi.

Ti vi phát bản tin thời sự, người trong quán lao xao hòa lẫn vào tiếng mưa. Tiếng bát đũa va vào nhau. Cả hai ngồi hướng mắt ra bên ngoài, thị trấn chỉ vài ba ngọn đèn vàng lòa nhòa. Anh do vậy cũng chìm trong hơi lạnh và mưa.

- Thỉnh thoảng tao lại tự hỏi tại sao mình không phải là một con người khác, mà lại như thế này, với những gánh nặng như thế này? - Anh lên tiếng - Sao tao không là một người chuyên mài lưỡi cuốc ở thị trấn nhỏ? Người lái xe ủi đường nhựa bạt qua những đồi thông? Mày có bao giờ nghĩ vậy không?

- Thì thực ra tao đang sống một đời sống khác còn gì! - H. đáp.
Cho dù có đứng trước hàng ba bốn năm máng trượt nước xanh đỏ tím vàng trong công viên, thì trong một lúc, ta chỉ được quyền chọn một.

 

*

*     *


Buổi chiều về đến nhà anh đã ngập trong hơi nóng hầm hập của thành phố. Bên ngoài cửa sổ, nắng vẫn chói chang như giữa trưa. Anh uống cạn một ly nước đầy ngập đá lạnh rồi đẫm mình dưới vòi sen. Thực tế cho thấy anh tìm H. chẳng để làm gì cụ thể, tuy nhiên suốt mười năm qua, anh luôn mong muốn có một lần được ngồi cùng cậu ta, cứ giữ yên như vậy, để sóng có thể tràn đến và cuốn mọi thứ đi mất.

Trong khi cố xả sạch xà phòng trên tóc, anh nhìn thấy những bóng nước đọng đầy trên mặt vách gương nhà tắm. Chúng tụ làm từng đám từng đám có màu gỉ trắng, chúng khiến anh có cảm giác lâng lâng một chút. Như thể cảm giác ngứa ngáy một cách kín đáo, kiểu dùng một chiếc tăm bông ẩm ngoáy vào sâu bên trong lỗ rốn.

Xả sạch bọt xà phòng trên người, anh lập tức cố công đi tìm một cây tăm bông. Chẳng khó gì việc ấy, bạn gái luôn sắp xếp mọi thứ đầy đủ. Đằng sau tấm gương nhà tắm là hộc tủ với đầy đủ vật dụng. Đá bọt tẩy da chết, bông tắm mới, khăn tắm sạch, xà phòng chưa bóc tem, tất nhiên có cả tăm bông ba loại. Anh chọn đại một cây tăm bông trong số ấy. Nhưng ngay sau khi khép cánh cửa gương, bày biện ra trước mắt anh là một cảnh chẳng thể nào tin nổi.

Bên dưới gờ ngực, bụng anh phẳng lì và trơn thẳng xuống dưới, không có gì ở đấy. Không có lỗ rốn ở đấy. Anh thử dụi mắt đến ba lần, nhưng mọi sự trước mắt vẫn vậy. Anh cố nhớ thử lần cuối mình thấy lỗ rốn là vào lúc nào, nhưng mọi thứ cứ mờ nhạt như đi lẫn vào “vùng trắng”.

Anh mặc quần áo và ra khỏi phòng tắm. Không khí bên ngoài vẫn hầm hập nóng, nhưng anh vẫn thử uống một chút nước ấm và ngồi một lúc ở bàn bếp. Không gian luẩn quẩn tiếng lao xao từ bên ngoài vọng vào như một loại tiếng nhiễu êm đềm. Nó khiến cho đầu anh cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Anh nghĩ mình cần gặp cô bạn gái, hôm nay. Anh mở điện thoại, tiếng “tuuuuu” đổ dài, tiếng như vẳng lại từ một nơi hẹp và rất dốc.

 

Theo N.L.V.K (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.