Cúi đầu trước núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tự dưng lúc này đây, khi đang ngồi dưới chân một dãy núi Tây Nguyên mà trong tôi lại trào lên cảm thức về những ngọn núi. Đó có thể là nỗi ám ảnh mang mạch thở linh sơn đâu đó trong tâm tưởng. Ngắm núi mà muốn thốt lên lời tự lòng mình, ơi những chóp đỉnh cao vời, một hạt bụi bé li ti trong vũ trụ vô hạn là tôi xin được ngàn lần cúi đầu ngưỡng vọng; xin được bày tỏ khát khao về những ký ức miên viễn trên không gian sương khói lưng chừng trời kia mãi mãi hoài sinh...

Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Internet
Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Internet


 
1. Địa văn hóa chỉ ra rằng, con người sinh ở tiểu vùng địa lý cảnh quan nào thì sẽ hình thành nét tính cách tương ứng. Người ở vùng biển làm nghề chài lưới thì tâm tính không mấy giống lắm với người sống ở nơi đồng ruộng; sơn dân ở vùng thượng du cũng không trùng lối hành xử và phong thái của cư dân miền hạ. Không biết là người ta khái quát như vậy có thực sự chính xác hay không. Còn tôi, tôi sinh ra ở bên bờ biển nhưng từ lâu rồi, hình như tâm tưởng đã thuộc một phần về núi, đó là những dãy núi nơi tôi đang sống, hiển hiện trong tầm mắt thường nhật và cả những đường nét sơn dã ảo mờ như những dòng ký ức điệp trùng từ miền xa xăm. Xin tạm định danh là tâm thức núi. Với tôi, núi từng là một miền vẫy gọi, rồi tháng năm trở nên gắn bó, rồi những cuộc trải nghiệm ắp đầy hấp lực. Cuộc hành trình đi mãi theo mãi, tìm chút gì ở núi, mà bao tháng năm qua vẫn như đang lạc đâu đó ở triền thấp nhất của muôn nẻo đại ngàn. Núi ban cho tôi những ân huệ cảm xúc. Tôi cũng nghĩ về núi như một nơi chốn trú ngụ của những hoài vọng, là điểm tựa cân bằng trong những lúc tâm hồn cần sự tĩnh suy. Xa núi thì nhớ núi, về bên núi vẫn không nguôi cơn khát kiếm tìm giữa mênh mang cao vời những chóp đỉnh sơn nguyên...
 
Tôi sinh ra nơi cuối sông đầu biển. Với đám con nít ở vùng duyên hải mở mắt đã chạm vào sóng nước thì cái hình dung về núi là một thực thể gì đó thật xa, mờ, cao, lạ. Đến tuổi hoa niên, có lẽ lòng trai trẻ cũng chớm run đôi chút cảm xúc, tôi mới chạm vào sự thích câu ca dao xưa: “Núi cao chi lắm núi ơi/ Che khuất mặt trời chẳng thấy người thương”. Mà câu ca bày tỏ nỗi nhớ thương trong cách trở ấy chắc chắn sinh ra từ một vùng quê núi. Tôi từng tạm liên tưởng như thế khi thuở ấu niên đã được thấy những người đàn ông, đàn bà miền thượng mang váy áo thổ cẩm, lúc lắc sặc sỡ vòng bạc, vòng cườm thỉnh thoảng lại hạ sơn về bán lá thuốc, mộc nhĩ, nấm hương, thịt rừng khô giữa phiên chợ quê tôi. Nói tóm lại, từ thị giác cho tới thức nhận, thuở xưa ấy, núi với tôi là một thực thể nhiều phần xa lại. Ký ức núi của tôi là... cái núi giả. Ngọn giả sơn có tượng hình ngôi chùa chênh vênh vách đá và lão tiều phu gánh củi trong cái bể cạn bằng đá bên góc sân nhà, nghe bảo có từ thời ông nội, là khái niệm đầu tiên về điệp trùng núi non đâu đó trên miền thượng du mà tôi được cảm nhận. Cảm nhận trong một nỗi bất lực bởi thiếu sự trải nghiệm. Nhưng cũng từ cái ngọn núi giả được chế tác bằng vật liệu thô mang tượng hình khô khan ấy đã giúp tôi mỗi ngày như ngấm thêm một chút về nỗi niềm khao khát cội nguồn thiên nhiên sơ khai của những con người hiện đại. Bởi tiền nhân của chúng ta từ thời tiền sử từng thuộc về núi non, hang động, từng thuộc về những cánh rừng có trái cây ngon, muông thú lạ và lần đầu tiên con người biết lấy lửa nướng chín thức ăn là từ việc xát nắm bùi nhùi lên hòn đá núi...
 
Chợt nghĩ, có phải do vậy không mà cho đến bây giờ, những gì mà ngôn từ định danh là “nguồn” đều có xuất xứ từ trên miền cao, ở nơi đó có núi? Một người bạn có cái đầu chất chứa nhiều suy tưởng của tôi “phán” rằng, người đồng bằng thích chơi giả sơn là bởi người ta luôn thổn thức trong lòng nỗi hoài niệm về xứ nguồn tiên tổ, nơi hình thành gốc gác buổi sơ khai của chính mình với tư cách là con - người - đứng - thẳng. Tôi cũng thấy là lũ trẻ miền biển đứa nào cũng thích vẽ. Với cây bút chì vẽ lên giấy, viên phấn trắng vẽ lên bảng hay cái que nguệch ngoạc những đường nét lên bãi cát ẩm thì những phong cảnh về dòng sông, về con thuyền, về mẹ gánh thóc, về cha đi cày, về anh kéo lưới… đều có thể được hình thành trong hình dung non nớt. Những điều ấy dễ hiểu, bởi tất cả đều trực quan, thân thuộc. Nhưng điều lạ là đứa nào cũng có thể vẽ núi. Những chóp đỉnh, những dãy điệp trùng, những đại ngàn mênh mang cứ thế hiện lên theo trí tưởng tượng hồn nhiên, dù chưa có đứa nào một lần thấy núi. Ngay cả bài ca dao đầu đời mà các bậc sinh thành bắt lũ con nít miền đồng bằng phải thuộc nằm lòng như một lời nhắc nhở về đạo hiếu cũng không nói gì liên quan đến đồng đến biển: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...”.
 
2. Trước núi, tôi vẫn thường suy tưởng về những gì đã khuất lấp và những gì sắp hiện hữu. Ví như, khuất phía sau mỗi con đường mòn ngoằn ngoèo kia chắc là có dòng suối mát lành nhằm thỏa cơn khát của người leo núi. Khuất phía sau chập chùng xanh thẳm kia cũng có thể là một linh tự thờ những vị thượng đẳng thần Cao Các - Cao Sơn hay bà Rồng, ông Cọp. Khuất phía sau những sương khói bồng bềnh giữa lưng chừng trời cũng có thể là một ngôi chùa tránh xa tục lụy nhằm rửa bớt những dục vọng, ưu phiền. Đâu đó sau phiến đá xám rêu là ngôi lều cỏ có bậc hành giả hiện trong dáng tiều phu. Không thể nào biết phía chưa đến ấy có gì và có thể là cả đời cũng không đến được, nhưng điều này có thể nhận ra: thử thách của núi là thử thách cao nhất mà mỗi người phàm trần đều muốn hướng tới.
 
Núi, có lẽ là một ám ảnh lớn lao trong tiềm thức loài người. Cái ám ảnh khởi nguyên mang tính bản năng ấy có gì đó hoang dã nhưng lớn hơn điều đó chính là sự cao vời, thiêng liêng. Cảm xúc về tính thiêng bắt nguồn từ nỗi cô đơn mang “thuộc tính núi”, càng lên cao càng bơ vơ lạnh lẽo, và cũng có thể bắt nguồn từ muôn trùng hoang hoải, bất lực của tha nhân trước những nỗi lo sợ của chính họ. Con người, nhất là người tiền sử và ngay đến thời xã hội bán khai thì có muôn trùng sự thiếu hiểu biết và hoàn toàn thất thủ trước sự đe dọa của các thế lực tự nhiên, siêu nhiên. Mưa, gió, sấm, sét, lũ lụt, ma quỷ, thánh thần luôn hiện hữu trong thực tế và ý nghĩ của họ với những điều không thể lý giải. Và vì vậy, họ luôn ôm trong lòng nỗi tột cùng sợ hãi và mong cầu sự che chở, nâng đỡ của đấng tối cao. Người ta ngửa mặt lên trời để chuyển tải những thông điệp cầu xin. Trời thì quá cao vời, nhưng thật may, những đỉnh núi làm nhịp cầu nối đất với trời. Trong quan niệm cổ sơ, thần linh thường chọn các đỉnh núi cao nhất để ngự vì. Là Olempia trong thần thoại, là Himalaya, Makalu, Nanga Parbat ở nơi xứ người hay Phan Xi Phăng, Tản Viên, Ngọk Linh, Cư Yăng Sin, Bidoup xứ mình đều vậy. Người ta gọi những đỉnh núi cao là “cổng trời”. Những gì con người không truyền tải được trực tiếp lên Thượng đế, đành phải thưa gửi, nhờ cậy các vị thần, mà thần thì đang ngự đâu đó trên các ngọn núi. Là thánh thần nhưng con người vẫn thường gặp họ qua ngũ giác của mình, nên trong vẻ hùng vĩ cao vời lại có chút gì gần gũi, thân thiết.
 
Ở miền Tây Nguyên, nơi tôi đang sống cũng vậy. Núi non nơi này là sản phẩm triệu năm của Tạo Hóa. Núi là biểu tượng của quyền uy, sức sống và cái đẹp. Núi là không gian của niềm tin, của huyền thoại, là thế giới của những bí ẩn. Thế giới tinh thần của các sắc dân miền thượng lệ thuộc vào núi, vào rừng, bởi không gian sinh tồn của con người gắn bó mật thiết với nơi chốn trú ngụ của thế giới thánh thần. Cư dân bản địa hành xử theo vọng ngôn của núi. Những chênh vênh hay bền vững. Những bi tráng hay phiêu bồng. Những yêu thương, trìu mến và cả ẩn ức, căm ghét, hận thù. Hãy lắng nghe những lời kể sử thi, những câu chuyện cổ, những áng ca dao, những vần luật tục. Hãy đắm mình vào trang sử ngàn năm xứ núi. Hãy quỳ trên đất đai xứ này trong các nghi lễ và lắng nghe thông điệp. Rồi sẽ thấy ở xứ này hồn núi cùng hòa vào huyết quản của cư dân núi. Những đỉnh núi mang bi kịch thánh thần. Những ngọn núi tạo nên tín ngưỡng và chuyện tình lãng mạn. Rồi sẽ thấy, những ngọn núi, dãy núi không chỉ tồn tại như những chỉ dấu địa lý trên bản đồ quốc gia, núi chính là một phần hồn cốt thiêng liêng của Tổ quốc mình…
 
3. Tôi có những người bạn xứ núi, những người con ruột rà của đại ngàn. Nếu núm rốn của tôi ngày xưa bà nội giấu nơi góc ruộng lúa sau nhà thì núm rốn của những người bạn miền thượng của tôi lại được hòa trong đất đai rẫy ngô nơi triền núi. Bỗng một ngày những người bạn của tôi giã biệt cái nhà sàn khét mùi khói bếp của ông bà, bỏ rẫy rừng hoang phế, bạn quên bài chiêng cổ, bạn ngồi uống bia trong tòa biệt thự, bạn lái xe sang hạ sơn xuống phố. Đó là một thực tế, một thực tế không thể nào cưỡng lại. Nhưng từ trong sâu thẳm, tôi vẫn cảm nhận cái tâm trạng nhớ núi ngay giữa vùng núi non đang từng ngày bị cạo trọc cho những dự án bất động sản và du lịch trong ánh mắt của bạn bởi nó không giấu được. Như hôm kia, tôi cùng Krajan Plin, người đàn ông núi sinh ra ở triền phía bắc dãy Lang Bian, đứng bên bờ rào nhà anh ngắm khu đô thị mới với những con đường bê tông đang trườn lên, liếm dần cái dãy núi từng sinh ra câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái hai bộ tộc Cơ Ho từ ngàn năm trước mà nói với nhau những điều về nỗi niềm núi và cả về những nguồn lợi từ việc ai đó đang khoét núi, san đất, phân lô…
 
Nhìn Plin mà tôi lại nhớ “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” ở nước Mỹ cách nay hai thế kỷ. Chuyện là, năm 1854, Tổng thống thứ 14 của xứ Hoa Kỳ là Franklin Pierce muốn người da đỏ ở miền Tây nhượng bớt đất cho người da trắng. Tù trưởng của bộ lạc da đỏ Duwamish và Supuamish đã trả lời với người đại diện của Tổng thống. Bức thư này được coi là văn kiện hay nhất xưa nay về mối quan hệ thiêng liêng của các tộc người thiểu số đối với đất đai quê hương ngàn đời của họ. Người con của núi non nước Mỹ nói lời gan ruột: “Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong ký ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó ký ức của người da đỏ…”.
 
Dịp rồi, trên hành trình từ vùng Đắk Nông qua Đắk Lắk, tôi đã dừng lại dưới chân dãy Chư Yăng Sin mà ngắm núi lặng lẽ. Núi cao vẫn đó mà hồn núi nơi đâu? Tôi tìm kiếm hình ảnh thiêng liêng của Yàng P’nâm trên những địa tầng mỗi ngày mỗi bị cạo trọc lên tận chóp đỉnh, tìm kiếm Yàng trên những dòng suối khô cạn và đám rừng khộp xác xơ. Không chỉ Chư Yăng Sin, khắp mọi miền thượng du nước mình đều đang có những cuộc xâm lăng bạt núi, hạ rừng. Những làn sóng tàn phá được mệnh danh khai thác cho phát triển cứ đẩy lùi, đẩy lùi dần những ngọn núi đến với trơ trọc, cao quạnh. Đỉnh núi như ngày càng xa hơn. Chân núi ngày càng thưa vắng sự sống của tự nhiên. Ký ức về một không gian núi cứ chập chờn ẩn hiện. Không lẽ rồi một ngày sẽ bay biến tất cả?! Cái điều mà Fridric Angel - một trong hai nhà sáng lập Chủ nghĩa Mark từng cảnh báo hồi thế kỷ 19: “Không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là một lần giới tự nhiên lại trả thù chúng ta”, quả thật vẫn mới. Ngay cả khi Thượng đế trao cho con người cái quyền cai trị muôn loài nơi hạ giới, ngài cũng đồng thời căn dặn loài động vật bậc cao này biết độ lượng, yêu thương thiên nhiên. Nhưng bởi lòng tham, bởi sự ảo tưởng về tính kiêu hãnh, chính con người đã tận diệt chính không gian sống của mình mà quên rằng đó là việc làm hủy hoại giống loài. Nghĩ đến điều này, tôi lại ngước mắt nhìn núi với nỗi sợ không còn mơ hồ. Rồi đây khi núi không còn cây, núi không còn rừng, núi không còn là nơi khơi mạch nguồn nước mẹ thì không chỉ con người mà e rằng những mùa sương tháng gió cũng sẽ rất hoang hoải, bơ vơ…
 
Lại thêm một lần xin cúi đầu trước núi, cái cúi đầu chung của loài người có tội! Và rồi, tôi đành phải bám vào một điều gì đó mà bản thân cũng không dám hằng tin, rằng có những điều bất biến, ít nhất là chính trong hồn cốt của nó. Núi rồi sẽ cạn kiệt, tàn tạ, trọc lóc, khô cằn, nhưng tôi cứ mong rằng: “Điều đó trôi đi, nhưng nó không trôi qua”. Hình như đó là một câu trong cuốn sách dán nhãn hậu hiện đại của Lászlo Krasznahorkai, nhà văn Hunggary, xin tạm mượn để thay cho lời niệm cầu: Linh hồn của những ngọn núi thì sẽ mãi mãi hoài sinh và tồn tại!

 

Tùy bút: UÔNG THÁI BIỂU
(Dẫn nguồn LĐ online)

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.