Ký ức ngày mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày mùa, làng quê rộn ràng hẳn. Từ sáng sớm, trên những con đường làng, các bà, các mẹ tất tả quang gánh ra đồng. Những chiếc xe công nông của bà con Jrai nổ máy xình xịch đợi nhau trên con đường đất hướng về phía cánh đồng.
Tuổi thơ tôi trôi đi êm đềm với những ngày chạy rong ruổi trên triền đê đầy bông cỏ mật, cười tít mắt cùng chúng bạn khi cánh diều no gió lên cao. Khi còn là cô bé với bím tóc đuôi gà cột cao phía sau, tôi vẫn thường được giao nhiệm vụ chăn chú trâu tơ để ba mẹ xuống đồng. Ngày ấy, hầu như tất cả những việc từ cày bừa, cuốc xới, làm cỏ, chăm bón... cho tới gặt hái, tuốt lúa đều bằng thủ công.
Mùa gặt đến, nhà tôi neo người nên sáng nào ba mẹ cũng dậy từ rất sớm, trong lúc mẹ lo chuẩn bị thức ăn nước uống cho bữa sáng và bữa trưa ở lại ngoài đồng thì ba tranh thủ đội đèn pin lên đầu đi trước. Có hôm, khi ba gặt hết gần nửa thửa ruộng thì mặt trời mới ló lên đầu ngọn tre. Lũ chúng tôi thích thú chạy theo sau mẹ bắt những chú cua đồng, cá chạch hay rô đồng... lủi lên từ gốc rạ cho vào giỏ. Chúng sẽ giúp cả nhà có món canh ngon trong bữa tối.
Gặt xong, lúa được đưa về nhà, ba tôi chất thành từng đống gọn gàng trước sân. Khi chưa có máy tuốt lúa thì ba cột ngang cái đòn gánh vào 2 cây cột nhà để làm tay nắm, lúa được đặt xuống nền nhà, ba đứng 2 tay vịn chiếc đòn gánh cột ngang ấy rồi dùng chân vò nát. Khi những hạt lúa được tách ra hết, mẹ giũ rơm, sảy hạt lép. Qua mỗi mùa đạp lúa như vậy, bàn chân chai sần của ba tưa máu, nhức nhối đến mấy ngày.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Thêm mấy mùa như thế nữa thì nhà tôi cũng sắm được chiếc máy tuốt lúa. Đó là chiếc máy có bàn đạp và vòng quay tròn đầy những chiếc răng bằng sắt, khi đó ba không còn phải dùng chân của mình để đạp lúa nữa. Tôi giúp mẹ ra những nắm lúa vừa nắm tay, ba đạp máy, những chẽn lúa rà rà trên vòng quay đều đặn của chiếc bánh quay qua nhịp chân của ba từ từ tách khỏi thân lúa. Ngày mùa vất vả nhưng niềm vui ánh lên trong mắt ba mẹ khi lúa được mùa. Năm nào nắng hạn, mưa bão nhiều, mất mùa, đôi mắt mẹ cha chùng xuống.
Có lẽ hào hứng nhất vẫn là con trẻ, chẳng biết được mất, cứ vô tư chơi đùa, tôi cùng đám bạn chui tọt lên đống rơm còn thơm mùi rạ mới đùa nghịch. Những đống rơm un cao như hình những chiếc nấm khổng lồ luôn là thứ hấp dẫn, thu hút, tụi trẻ chúng tôi tha hồ mà nhào lộn, hò hét, khoét những chiếc lỗ rồi cùng nhau chui vào đó, chia nhau nắm cốm mới rang...
Vậy mà đã 20 năm trôi đi, tôi sống xa quê, xa cánh đồng tuổi thơ với nhiều ký ức đẹp đẽ. Bây giờ ở quê tôi, bà con nông dân làm mùa không còn dựa vào sức người như trước, tất cả từ cày, cấy, gieo sạ đến gặt hái, tuốt lúa... đều đã có máy móc. Những nhọc nhằn, vất vả đặt lên lưng mẹ lưng cha cũng vơi bớt.
Chiều đi ngang qua cánh đồng làng của bà con Jrai, mùi đồng sau mùa gặt thoảng hương thơm dịu. Những chiếc công nông chất đầy ắp lúa quay trở về nhà. Những chiếc máy thổi xình xịch phun ra những lọn rơm thơm mùi rạ mới. Đám trẻ chạy vòng vòng quanh đó, cười tít mắt. Lòng tôi gợn một niềm xuyến xao về ngày mùa xưa cũ!
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.