Giàn nhót nhà tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi tạm gọi bụi cây ấy là giàn vì tán lá xõa ra cũng đủ làm mát một khoảnh đất. Cây nhót này được tôi trồng cách đây hơn 2 năm, là quà tặng của người bạn ở tận Huế, lọ mọ đóng gói rất cẩn thận gửi theo đường bưu điện mất chục ngày.
Khi ghé thăm nhà cô gái Thái trắng, căn nhà bên con suối 42, thấy một giàn cây leo phủ kín sân trước, chi chít những quả mọng đỏ hồng, là dân lâm nông, học khá môn thực vật, nhưng tôi cũng không định danh được. Đây là thời gian tôi mới tốt nghiệp đại học và được phân công về nhận công tác ở một huyện phía Bắc tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ.
Cô gái Thái có căn nhà với giàn nhót đẹp ấy là giáo viên mầm non, phụ trách lớp bên cạnh văn phòng làm việc của tôi, sáng nào cũng “vô tình” ngắm nàng ríu rít với trò nhỏ, được 1 tuần thì tôi kiếm chuyện làm quen.
Những quả nhót mùa đầu. Ảnh: Nguyễn Sơn
Những quả nhót mùa đầu. Ảnh: Nguyễn Sơn
Trở lại với giàn nhót. Quả nhót hình bầu dục, lớn hơn ngón tay cái với hình hài đỏ mọng dễ làm người ta cho rằng sẽ ngọt lắm khi thưởng thức. Sau khi lau vào áo hoặc quần cho đi hết lớp vảy bạc rồi cắn thử xem, chao ơi là chua. Các bà, các cô thường giã muối ớt hay làm một chén mắm ruốc để thưởng thức. Riêng tôi, không hảo chua nên mấy năm trời ở đó hiếm hoi lắm mới nhá chút đỉnh cái loại quả này.
Giàn nhót ấy tuy không làm tôi đoái hoài đến sản phẩm của nó, dù rất hấp dẫn phụ nữ, nhưng lại là “chứng nhân” của một chuyện tình, bóng mát của nó bảo bọc những thương yêu, giận hờn, thậm chí sóng gió của quá trình phát sinh, phát triển tình cảm giữa tôi và cô chủ nhà mà đỉnh điểm là một đám cưới tuy đơn giản nhưng tràn đầy ấm áp thời bao cấp.
Cây nhót ấy chẳng biết do ai trồng mà đã có mặt trước khi gia đình vợ tôi về cư ngụ trên mảnh đất ấy từ năm 1963. Thời gian đó, loài cây này không phổ biến trong Nam nếu không muốn nói là hiếm, người trồng chắc chắn phải là người gốc Bắc và cũng không biết bằng cách nào để có cây giống.
Sau vài năm, vợ chồng tôi chuyển công tác về Pleiku, căn nhà nhỏ và mảnh vườn có chủ mới. Họ đã phá dỡ giàn nhót đầy kỷ niệm vì nhu cầu xây dựng nhà. Thỉnh thoảng, đi ngang qua chốn cũ, ngoái nhìn cảnh mới mà nhớ quay quắt vườn xưa.
Gần như tôi không còn gặp lại cây nhót nữa cho đến khi có được một khoảnh vườn ở ngoại ô Pleiku. Tình cờ, trong khi lục tìm ký ức chia sẻ với một người bạn từ Huế vào thăm, vợ chồng tôi có nhắc đến giàn nhót năm nào. Mười ngày sau, tôi nhận được một cây giống nhỏ do bạn tôi gửi qua đường bưu điện với lời nhắn: Sẽ hoàn hảo hơn cho tôi vì giống này ngọt lắm.
Sau 2 năm chăm bón, trước Tết Nguyên đán vài tháng, cây đã ra hoa kết quả, bói mà sai trĩu cành. Hôm rồi, chọn mấy quả đã chín, chuyển màu đỏ toàn thân, nếm thử thì đúng là ngọt thật, cái ngọt không lịm mà vẫn pha một chút, một chút thôi vị chua đượm hương nhót, đủ để đưa vị cùng muối, mắm hoặc ngâm đường. Thế là, vườn nhà tôi lại có thêm trái ngọt.
Trồng được cây, sống tốt, cho quả ngon mà không khoe cũng lạ. Sau khi tôi đăng ảnh cùng vài dòng status trên trang Facebook cá nhân, nhiều người không biết loại cây này. Thế nhưng ở Pleiku đã có người sở hữu trong vườn và đã rao bán online với giá khá rẻ.
Chỉ cần một khoảnh sân nhỏ trước nhà, làm cái giàn, trồng một gốc, chừng 2 năm đã có bóng mát, quả ra quanh năm, xanh xanh đỏ đỏ trông cũng vui mắt. Riêng tôi, nhót là loài cây đượm màu kỷ niệm...
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.