Cánh đồng ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đi trong buổi sáng tươi mát với lời hòa ca vi vút của ruộng đồng. Kìa là gió reo trên đồi bạch đàn, gió lùa từng hàng cây đi lớp lớp như sóng. 
Trên bầu trời ngăn ngắt xanh, bầy chim sẻ ríu ran. Chúng ùa xuống rồi bay rạt lên, tiếng đập cánh, tiếng í ới gọi nhau. Tiếng nước chảy róc rách len qua những bờ vùng, bờ thửa. Ruộng lúa mùa này mới sạ, mạ lấm tấm non tơ. Tiếng gió hối hả chạy qua vườn chuối. Một vầng mây trắng lưa thưa bay qua ngọn cây cô đơn nằm chơ vơ trên cánh đồng làng.
Trước nhà tôi là con đường mấp mô dẫn ra cánh đồng. Ở đó, tôi có cả vùng trời tuổi thơ với miền ký ức xanh thẳm. Tôi xa cánh đồng đã hai mươi năm. Từng ấy năm, con trâu đã thôi kéo cày để thay bằng cơ giới. Nhưng ngần ấy thời gian trôi qua, tôi vẫn nhớ như in từng thửa ruộng. Những đám ruộng hình thù không giống nhau ấy vẫn cần người tháo nước, nhổ cỏ. Cây lúa ít mang lại giá trị kinh tế nhưng mỗi nhà vẫn giữ lại vài ba thửa ruộng để cày xới lấy gạo sạch và rơm tươi cho lũ bò đến mùa khô thiếu cỏ.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Ruộng vườn gắn với người nông dân như máu thịt. Như tôi, nếu rời bàn giấy, tôi cũng sẽ chọn làm ít ruộng lúa, trồng ít rau và thả thêm vài con gà để thỏa chí làm nông của mình. Cũng bởi, cánh đồng đã ăn sâu vào tuổi thơ của nhiều người ở thế hệ chúng tôi.

Tôi nhớ cánh đồng da diết. Nhớ những buổi sáng tinh sương tôi đã ra đồng, rét cắt da mà lội xuống bùn làm cỏ. Mặt cúi nhổ cỏ lồng vực cho mắt sưng húp vì ngọn lúa đâm vào và đau hết phía đùi sau. Tôi nhớ tiếng máy tuốt lúa với hai người đàn ông đứng đạp chân liên tục. Tôi nhớ những hang cua, những buổi tát đồng có mớ cá tươi mẹ kho với nghệ để át mùi bùn non…

Còn bây giờ, tôi dường như chỉ đi lướt qua để nuôi miền ký ức. Đi để nhìn những tảng mây bay lờ đờ trên đỉnh núi chon von, gần hơn là những ngôi nhà sàn lấp ló sau những bóng cây to, ở đó có khói bếp của nhà ai mới dậy, họ sẽ bắc nồi cơm để gói bụng một ngày dài ở rẫy.
Cánh đồng làng vẫn nằm đó. Chúng tôi lớn lên, đi xa rồi già đi. Đất có bạc màu nhưng vẫn cần mẫn. Ừ thì người có bỏ ruộng mà đi nơi khác chứ ruộng đồng vẫn nằm đó đợi người.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.