Chiếc đèn ngày cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày xưa, mỗi lần Tết đến, trong căn nhà ngói cũ kỹ, ba tôi lại thắp lên chiếc đèn măng sông. Tiếng “khò khò” của đèn tỏa ra ánh sáng ngập cả gian nhà, mùi dầu đèn bốc lên hòa quyện cùng mùi hoa quả, mùi nhang làm cho không gian thờ cúng thêm ấm áp.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Chiếc đèn là vật mưu sinh của gia đình. Ba tôi kể lại: Để có tiền mua chiếc đèn, ông nội phải lặn lội làm thuê gần mấy tháng trời. Những dịp lễ Tết, ba tôi cẩn thận mở chiếc hộp gỗ để lấy chiếc đèn ra lau chùi và cột chiếc bông đèn vào. Khi đốt lên phát ra ánh sáng trắng nhất so với các loại đèn thời ấy.
Vào mùa khô, nước sông suối cạn, chiếc đèn là phương tiện để ba má tôi lặn lội hàng đêm đi soi cá. Có lần, tôi xách giỏ lon ton chạy theo. Má soi đèn, ba úp nơm. Những con cá chép, cá lóc thấy đèn cứ trừng mắt đỏ ngầu nằm yên dưới vũng nước trong xâm xấp. Ba tôi lom khom úp nơm với manh áo bạc màu ướt lên tới ngực. Mỗi lần bắt được cá to, ba lại nở nụ cười mà đôi hàm răng đánh cầm cập vì lạnh. Quá nửa đêm, cả gia đình mới trở về nhà. Tôi hình dung như đàn chim vạc ăn đêm dẫn nhau về tổ ấm.
Vào vụ gieo cấy, ba xách đèn, vai vác bừa, lùa đôi bò ra ruộng, ánh sáng dẫn đường lần theo từng bước chân. Đến nơi, ba treo đèn lên cành cây cao cạnh bờ, ánh sáng như tỏa hết mình để ba cố bừa xong thửa ruộng sáng mai kịp cấy. Khuya về, ánh đèn soi đường cho ba dò lần những bước dưới màn đêm hun hút, men theo tiếng chim ăn đêm lần bước về nhà.
Mùa gặt, chiếc đèn lại tỏa sáng toàn sân để ba thấy đường dang cao bó lúa đập xuống nền sạp cho những hạt thóc bung ra khỏi thân rơm. Má ôm chiếc nia như quá khổ, lặng lẽ sảy, gạn lại từng hạt thóc ươm vàng. Mùi mồ hôi trên lưng áo ba, mùi mồ hôi quấn trên tóc má cộng với mùi thơm của rơm rạ, mùi dầu đèn tỏa ra, hòa quyện vào nhau để lại những dư hương ấm áp trong tôi qua những ngày mùa.
Rồi những hạt thóc nhọc nhằn đã giũa mình trắng tinh nuôi tôi khôn lớn. Tôi như cánh chim dang đôi cánh rộng, những lo toan cho hành trang cuộc đời cứ cuốn hút quên đi ngày tháng. Đón những cái Tết xa quê, cũng đầy đủ các thức, món của Tết nhưng sao tôi nghe như thiếu thốn một điều gì. Có lẽ, chỉ có quê nhà mới cho tôi cảm nhận cái Tết thật trọn vẹn.
Quê tôi hôm nay, đèn điện đã thắp sáng các đường đi ngõ hẻm, chiếc đèn năm xưa được ba bỏ vào chiếc hộp cất sâu trong góc tủ. Và những câu chuyện của một thời cũng đã theo ba má bay về một phương trời xa thẳm.
Bây giờ, tất cả đã im lìm nằm trên gian thờ chỉ còn lại bóng hình qua di ảnh. Đứng trước gian thờ, chiếc đèn măng sông đã không còn bông đèn để phát ra ánh sáng nhưng tôi vẫn cẩn trọng mắc lên chỗ ba tôi thường treo để giữ lại dư âm, hình ảnh, để nhớ lại mùi hương, nguồn sáng của những ngày tháng êm đềm bên gia đình đoàn tụ.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.