Chiếc áo ấm ngày giá rét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến về quê mới đây, tôi có niềm vui gia đình nho nhỏ. Chẳng là không hẹn mà 2 đứa cháu gái ở xa gửi về biếu bà nội 2 chiếc áo ấm. 
Một món quà đến vào lúc quá bất ngờ: Nửa đêm, shiper gọi điện thoại, chú em tôi ra ngõ ký nhận. Tôi thấy 2 chiếc áo dày mà mềm, nhẹ, mịn, ủ trong tay một chút là ấm liền. Hai cháu chọn món quà giống nhau với lý do: Trời lạnh quá mà bà nội già yếu, đã trên 90 tuổi, chỉ còn xương bọc da.
Trông má mừng vui, cẩn thận gấp áo để trên đầu giường, lòng tôi dâng lên tình thương khác lạ. Hỏi sao không mặc, má nói mặc sao cho hết, áo cũ hãy còn và hãy còn mới. Ở cái tuổi gần đất xa trời, má vẫn nguyên bản chất của một người nông dân: dành dụm, tằn tiện, chắt chiu…
Cũng trong mạch cảm xúc đó thật tự nhiên, tôi liên tưởng đến tình hình hiện tại. Chưa khi nào thời tiết trở lạnh kinh khủng như năm nay. Đã mấy đợt lạnh xuất hiện băng tuyết vùng núi cao phía Bắc và một số tỉnh Bắc miền Trung. Cơ quan khí tượng cho biết, người dân cần chú ý gìn giữ bảo vệ sức khỏe trước khi một đợt lạnh khác sắp ập tới. Ngay cả người Nam Bộ “không có mùa đông”, thường không biết lạnh là gì mà gần nửa tháng qua áo ấm mấy lớp vẫn còn thấy lạnh.
Người già, trẻ em đổ bệnh phải vào viện cấp cứu, chữa trị. Trâu bò hàng ngàn con chết vì không chịu nổi cái lạnh cắt da cắt thịt. Những em bé vùng cao áo quần mỏng manh mặt bừng đỏ, tay run rẩy đứng bên đường bán món hàng mọn hay quây quần bên đống lửa, những người vô gia cư co ro trong đêm tối giá rét và đã có những trường hợp tử vong vì phải khí độc khi đốt than sưởi ấm, không ai là không chạnh lòng, xót xa, cám cảnh. Tây Nguyên chúng ta mấy ngày nay có thời điểm nhiệt độ xuống thấp chỉ 8-10 độ khiến không ít người phải khốn đốn vì lạnh.
Năm nay đúng là một năm có quá nhiều bất lợi: kinh tế suy thoái, dịch bệnh gây hại cây trồng, nông sản chủ lực mất giá kéo dài, Covid-19 hoành hành, thiên tai gây thiệt hại nặng nề… càng làm cho cuộc sống của những đối tượng dễ bị tổn thương thêm chật vật, khốn khó.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Tôi chưa bao giờ thấy một dọc đường ngoại ô thành phố nơi mình cư trú có đến mười mấy ngôi nhà treo biển bán, nhiều nhà liền kề nhau. Thông tin cũng đã quá nhiều kéo dài đến tận hôm nay: nhiều gia đình vốn là tỷ, tỷ phú đã phải bỏ nhà bỏ cửa tứ tán tìm kế sinh nhai, mặc nợ nần ngân hàng ngay tại thủ phủ hồ tiêu, vì “cây vàng đen” chết “không kịp trở tay”, tiền tỷ mất trắng chỉ trong một thời gian ngắn.
Một chị gần nhà tôi có mảnh vườn khá rộng nhưng bỗng một đêm, lọ mọ dọn nhà chuyển xuống một huyện vùng xa. Nghe đâu con cái nhà chị làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng dây dưa kéo dài nên buộc phải đứt ruột bán nhà, bán vườn trả nợ. Chắc là chị cảm thấy bị thương tổn nên không muốn xóm nhỏ chứng kiến, bàn ra tán vào.
Cà phê tán gẫu buổi sáng, một cán bộ ngân hàng khẳng định chắc nịch rằng, người dân bây giờ làm ra đồng tiền “chảy máu con mắt”. Kiểm tra hoạt động mạng lưới ở cơ sở, anh nói tình trạng kinh doanh, quán ăn, quán cà phê ở nhiều huyện đóng cửa không là đơn lẻ…
Rõ ràng, tình hình đang tác động bất lợi đến đời sống xã hội, dồn nặng xuống đôi vai người nghèo, người bất hạnh cả từ cái ở, cái ăn, cái mặc, phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, học hành, đi lại... Và quan tâm chăm lo cho những đối tượng đó chưa bao giờ thôi ngừng nghỉ, lơ là trong nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các thành phần xã hội với thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chúng ta vui mừng và thấy ấm lòng khi sau những tiếp tế, chia sẻ gan ruột trong phòng-chống dịch Covid-19, bão lũ miền Trung, giờ lại đến những nghĩa cử dành cho bà con đang bị giá rét hoành hành, cả những món quà thiết thực để bà con có điều kiện vui xuân khi Tết đang đến rất gần. Những món quà là áo chăn ấm, giày dép, nhu yếu phẩm thiết yếu của các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm xuôi ngược đến với bà con vùng khó lúc này thật hào hiệp, đáng quý biết bao nhiêu.
Nhóm từ thiện anh Tiến, bạn vong niên của tôi cho biết đã kêu gọi quyên góp đồ cũ mới, gạo, nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo và cụ bị chia phần cẩn thận để tầm 15 tháng Chạp là chuyển xuống một số làng giúp đỡ bà con. Nhưng sốt ruột vì mấy ngày nay trời lạnh quá nên nhóm anh dự định chỉ vài ngày nữa là triển khai ngay. Và ưu tiên hàng đầu là chăn mền, áo ấm cho bà con làng phong, bà con nghèo trong các làng dân tộc thiểu số. Đây là việc làm thường niên, như một lời hứa, một cam kết thầm lặng đối với bản thân mỗi người.  
Chia sẻ và việc làm của nhóm anh Tiến thật quý, thật xúc động. Rồi tự thấy bản thân mình thật tệ và tầm thường. Đôi lúc cuộc sống cuốn con người vào vòng bon chen, xô bồ, thậm chí thủ đoạn với nhau vì quyền lực, tiền bạc, lợi lộc. Nhưng tôi cam đoan rằng, nhiều người đã từng biết đến cảm giác những thứ mình mưu cầu, “săn lùng”, thậm chí chiếm đoạt trở nên vô vị, vô nghĩa, trước những thứ mà có thể khi “ngộ” ra thì đã muộn, quá muộn!
…Việc làm của nhóm từ thiện anh Tiến, những tấm lòng nhân ái hướng đến bà con vùng bị giá rét hoành hành, dĩ nhiên là những hành động đẹp đẽ, quý báu vô cùng. Nhưng 2 chiếc áo ấm của các cháu tặng bà cũng khiến tôi chưa thôi suy nghĩ và day dứt.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.