Nhớ mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa đông năm ấy, xứ Quảng quê tôi sao mà lạnh. Trời mưa lâm thâm suốt ngày. Nước ngập trắng bờ, trắng bãi. Nhà tôi ở trong một khu vườn tuy cao ráo nhưng nước đã mấp mé ngoài sân. Chỉ riêng có khu rừng Phú Quý như tấm bình phong trước khu nhà, nơi mà tôi và lũ trẻ chăn bò thường hay hái sim, hái móc là ngạo nghễ với bao mùa nước lụt. Mùa này, nhìn khu rừng rậm rạp, thâm u, tôi có cảm giác mình đang ở chốn thâm sơn cùng cốc.
Đêm buông xuống, tiếng côn trùng, ếch nhái hợp nhau làm thành dàn đồng ca trùm lên cả không gian hòa cùng tiếng mưa rơi đều trên mái tranh nghe buồn tê tái. Bên ngọn đèn dầu leo lét, mẹ tôi ngồi co ro, nheo mắt khâu lại mấy chiếc áo bung chỉ cho các em.
Tôi nằm trên chiếc giường tre với tấm chăn mỏng cố dỗ giấc ngủ. Nhưng cái lạnh như cắt cùng tiếng gọi bạn của lũ ễnh ương từ cái ao ngập nước bên góc vườn khiến tôi không thể nào chợp mắt. Có lẽ sợ người ta ngủ quên không nghe “dàn hợp xướng” nên lũ ễnh ương càng cố cất cao giọng…
Mẹ tôi khâu xong chiếc áo, đứng dậy kéo chăn đắp lại cho các em rồi nằm xuống. Thấy mẹ trăn qua trở lại, khó chợp mắt được, tôi đâm lo. “Lạnh quá, mẹ khó ngủ hả mẹ? Con đi cời than để sưởi ấm nghe!”. Tôi kéo chăn chuẩn bị ngồi dậy thì mẹ bảo: “Không lạnh lắm đâu con à! Mấy con ễnh ương nó kêu to quá, mẹ khó ngủ chút thôi”.
Tôi lồm cồm bước xuống giường, khơi ngọn đèn tỏ hơn rồi mở cửa ra ngoài. Gió rét đến tê người. Tôi đến bên đống đá vụn trước sân, cầm vài cục ném xuống ao bên góc vườn. Tiếng lũ ễnh ương ngưng bặt. Mẹ hỏi: “Con đang làm cái gì ngoài sân thế?”. “Dạ, con đuổi mấy con ễnh ương, nó ồn không ngủ được!”. “Kệ nó mà. Nằm một chặp sẽ quen tai thôi”. Tôi vặn nhỏ ngọn đèn, lại nằm xuống cố giữ im lặng. Được một lúc, tôi đang thiu thiu chợp mắt thì tiếng uềnh oang của ếch gọi bạn lại trỗi dậy…
Không phải đây là lần đầu tôi nghe tiếng kêu của chúng. Lạ thay, cái đêm hôm ấy, thứ âm thanh đồng nội đã xoáy vào cõi lòng sâu thẳm của tôi một nỗi buồn man mác. Từ khi ba tôi qua đời, mấy mẹ con còn lại cảm thấy quạnh quẽ hơn. Tiếng uềnh oang trong mùa yêu đương của đám ễnh ương cứ loang trên dòng nước lũ, dội vào khu rừng thành một thứ âm thanh rền vang như ở cõi mênh mang nào xa lạ…
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Khi tôi lớn khôn rời tổ ấm của mẹ thì tất cả điều bình dị của quê nhà đều trở nên thân thương, đáng nhớ. Gần đây, tôi cắt phép về thăm mẹ cũng vào mùa đông mưa sũng ướt miền Trung. Ngôi nhà xưa giờ đã cất lại khang trang hơn. Cái lạnh lẽo của khu vườn ẩm ướt ngày nào cũng đã vơi bớt nỗi quạnh hiu. Chỉ thấy mẹ ngày càng như chiếc lá vàng trước ngõ…
Xóm Nam Mú đã ít nhiều đổi thay. Nhà nhà tụ hội đông vui hơn. Đêm ngủ lại căn nhà xây cấp 4 của mẹ tuy ấm áp hơn nhưng tôi cũng không thể nào chợp mắt được. Tiếng mưa vẫn rơi đều đặn trên mái tôn. Mẹ vẫn còn chứng bệnh khó ngủ…
Thấy tôi trằn trọc hoài, mẹ hỏi: “Lạnh quá, khó ngủ hả con? Để mẹ cời ít than cho ấm nhé!”. Tôi vội ngăn mẹ: “Không đâu mẹ! Chăn bông thế này lạnh sao được. Chỉ có điều con cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó…”. “À, mẹ biết rồi! Con nhớ tiếng ễnh ương chứ gì? Mẹ đã cho lấp mấy cái ao để lấy đất trồng rau rồi. Từ ngày con đường cao tốc đi qua rừng, mọi cái dường như đổi thay. Mùa này vắng tiếng gọi bạn của chúng, mẹ cũng nhớ lắm!”. 
Đêm ấy dường như trong mơ, tôi nghe thấy đâu đó vang lên âm thanh quen thuộc của lũ ếch; đến khi thức giấc thì trời đã sáng và cơn mưa cuối đông đã ngớt tự khi nào! 
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.