Trên đường 14C huyền thoại...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong kháng chiến chống Mỹ, đường 14C nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhân dân các dân tộc sinh sống trên cung đường này đã bảo vệ, che chở để những chuyến hàng từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam được thông suốt. Ngày nay, họ tiếp tục viết nên những bản hùng ca trong việc chăm lo phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc phên giậu của Tổ quốc.
Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Gia Lai có điểm đầu là Km 107 (tại bờ Bắc sông Sê San giáp địa phận tỉnh Kon Tum) và điểm cuối Km 202 (tại bờ Bắc sông Ia Hlốp giáp địa phận tỉnh Đak Lak). Tuyến đường này đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai như một sợi chỉ đỏ vắt qua những cánh rừng khộp và các ngôi làng trù phú trên địa bàn biên giới.
Chúng tôi có mặt tại làng Bi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) trong những ngày tháng 8. Dọc tuyến đường 14C, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9. Ngay giữa trung tâm làng Bi, nơi quốc lộ 14C nhập vào quốc lộ 19 có chiều dài 500 m, một tấm biển được dựng lên sừng sững với nội dung: “Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn, trọng điểm đánh phá của không quân và bộ binh Mỹ-ngụy”.
Năm nay đã bước qua tuổi 70, già làng Siu Ninh hiểu được những gian khổ hy sinh mà người dân và các lực lượng khác đã trải qua để bảo vệ con đường huyết mạch này. Ông Siu Ninh kể: “Ngày ấy, du kích xã cùng các lực lượng khác chiến đấu ngoan cường để bảo vệ tuyến đường 14C. Để con đường luôn thông suốt, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong những ngày bị không quân Mỹ đánh phá. Ngày nay, người dân sống trên tuyến đường này chăm lo lao động sản xuất và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc”.
 Quốc lộ 14C đoạn nhập vào quốc lộ 19. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Quốc lộ 14C đoạn nhập vào quốc lộ 19. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Để minh chứng cho điều mình nói, ông Siu Ninh thông tin: “Làng Bi có 340 hộ với hơn 1.000 khẩu. Cả làng chỉ còn 15 hộ nghèo. Dân làng Bi sở hữu gần 100 ha cao su tiểu điền, 100 ha cà phê và hơn 100 ha điều. Nhờ chịu khó sản xuất mà giờ đây làng có trên 100 hộ thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Làng đã thành lập 1 tổ tự quản an ninh trật tự và 1 tổ tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc”.
Chia tay làng Bi, chúng tôi xuôi theo đường 14C qua các xã: Ia Nan, Ia Pnôn, sau đó sang địa phận huyện Chư Prông. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch cho biết: “Quốc lộ 14C đi qua địa bàn xã có chiều dài gần 10 km. Đây không chỉ là tuyến đường huyền thoại trong chiến tranh mà ngày nay nó còn là tuyến giao thông quan trọng của xã. Các đội sản xuất của các công ty cao su trên địa bàn hầu hết đều đứng chân trên tuyến đường này. Chính vì thế đã hình thành và phát triển những ngôi làng trù phú 2 bên tuyến đường, là “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc. Mỗi người dân sống trên tuyến đường này là một “cột mốc sống” trong việc bảo vệ chủ quyền và giữ gìn an ninh biên giới”.
Từ xã Ia Púch, di chuyển gần 40 km, chúng tôi có mặt tại làng Ring (xã Ia Mơr). Đây là Km 202 phía Bắc sông Hlốp tiếp giáp với tỉnh Đak Lak, kết thúc quốc lộ 14C trên đất Gia Lai. Ông Phạm Văn Hiển-Trưởng thôn Ia Ring-phấn khởi cho biết: “Làng mình nằm trên đoạn cuối tuyến quốc lộ 14C thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Làng có 113 hộ với 267 khẩu. Những năm gần đây, nhờ các chính sách và chủ trương của cấp trên về phát triển kinh tế, đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp vào địa phương nên đời sống của người dân đã được nâng lên. Làng chỉ còn 1 hộ nghèo, 50 hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Bà con ở đây rất quan tâm đến việc học của con em mình nên không có tình trạng học sinh bỏ học”.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

(GLO)- Nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ miêu tả một bức tranh đồng quê rực rỡ hương sắc cỏ hoa, cây trái. Vẫn là con đường, cánh đồng ấy nhưng như được khoác lên mình một tấm áo mới tươi tắn, rộn ràng... được ông đặt tên là "Màu Giêng".