Trò chơi thuở nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trẻ con sống ở thời nào, miền quê hay thành thị, trong hoàn cảnh gia đình khó nghèo hay khấm khá thì vui chơi cũng là hoạt động chính, chiếm nhiều thời gian. Tùy theo giới tính, độ tuổi, tính cách, bối cảnh không gian và thời gian mà trẻ nhỏ chọn, nghĩ ra trò chơi cùng đồ chơi phù hợp. Vì thế, chẳng mấy khi chúng buồn. Nếu buồn cũng chỉ thoáng chốc, hút vào trò chơi lại quên ngay. Cách nói “tuổi thơ dữ dội” phần nhiều bởi từ cái nhìn của người lớn hoặc khi ta đã lớn và nhìn về tuổi thơ bằng phép so sánh với bạn bè cùng trang lứa, với chính mình, với lớp trẻ không cùng thế hệ trong bối cảnh đời sống xã hội nhiều khác biệt.
Không gian, thời gian, trò chơi, đồ chơi của trẻ con nông thôn rất phong phú. Đồ chơi phần nhiều tự làm lấy. Chiếc que dùng để chơi chuyền là những nhành cây. Viên sỏi chơi ô ăn quan nhặt đâu chẳng có. Chiếc khăn chơi trò bịt mắt là chiếc áo đang mặc. Chiếc ná (giàn thun), bộ cù, viên bi đất nung, cây súng bắn bằng hạt cò ke… tất thảy đều tự làm ra. Vật liệu lấy từ bờ tre, cây ổi trong vườn, cây trâm bờ suối, cây duối dại nơi gò hoang được chặt về, gọt đẽo, chế tác.
Trong khoảng sân đất trước nhà, bóng râm trong vườn, đầu làng, cuối xóm, bờ đê, đồng bãi… các trò chơi tùy theo quy mô đông ít người tham gia cứ thế mà diễn ra. Về ưu điểm, sớm giúp trẻ có kỹ năng làm việc, đôi tay trở nên khéo léo, quan sát tinh tế, thể chất được trui rèn. Tuy thế, nguy hiểm cũng nhiều, rình rập ở mọi công đoạn từ trèo cây, cầm dao rựa chặt đẽo đến thao tác chơi cù va vụt vào người, hạt đạn là quả cò ke trúng vào mắt, “tên bay đạn lạc” là viên sỏi vụt bay ra từ chiếc giàn thun…
Biết việc làm đồ chơi và trò chơi của lũ con trai nguy hiểm nên phần nhiều bị người lớn cấm cản, chúng phải lén lút. Nhằm lúc cha mẹ làm đồng, nghỉ trưa hay tranh thủ thời gian chăn trâu bò, hái rau dại, nhặt củi… chúng rủ nhau chặt nhành cây mà tiện mà đẽo; rồi thì trèo cây bắt tổ chim, rình rập bắn tỉa quả ổi, quả khế, chùm me, quả thị vườn nhà hàng xóm.
“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, bị bắt quả tang nếu không bị roi vụt vào mông cũng no đòn mắng. Bị phát hiện, cong đuôi chạy trốn vừa mệt vừa lo. Tuy thoát thân lúc đấy nhưng cuối ngày kiểu gì cũng có người đến nhà “mắng vốn”, lúc này thì no đòn từ cha nhức cả tai từ mẹ!
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Trò chơi, đồ chơi của trẻ con bây giờ khác trước. Ở nông thôn, không gian sống bị thu hẹp nhường chỗ cho gian nhà to, tường bao xây chắn, cổng khóa then cài. Đô thị hóa nông thôn, nhiều khu đất vốn là gò hoang, bãi trống dành cho nhà máy, công xưởng, khu công nghiệp, trang trại. Phần lớn các gia đình ít con, đời sống vật chất khá lên nên phụ huynh dành nhiều thời gian để mắt đến con trẻ, chăm bẵm học hành. Chúng ít có thời gian để chơi, phụ việc nhà cũng ít.
Lại nữa, thời công nghệ, trò chơi dân gian cũng nhạt dần. Đồ chơi được bày bán đến tận làng quê, giá đã rẻ lại phong phú cần gì phải chế tác. Và các trò nghịch phá cây trái, đi câu, bắn chim... ngày trước còn có nghĩa tìm cái bỏ vào miệng, chèn chiếc dạ dày lép kẹp lúc nào cũng réo sôi! Trẻ con bây giờ có mời chúng cũng không màng đến!
Đi qua thời thơ ấu, mỗi khi cùng bạn bè ngồi kể cho nhau nghe những trò chơi, nhất là trò mà con nít ở vùng quê bây giờ cũng không biết đến, chúng tôi lại thấy vui và có cả chút tự hào khi thời trẻ mình sống mới phong phú làm sao!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.