Quà tặng mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau mưa, bụi tre cuối góc vườn trở nên xanh tươi. Những mụt măng non mập mạp nhú lên khỏi mặt đất, chúng lớn nhanh từng ngày, chỉ vài hôm là đã có thể thu hoạch được.
Mùa măng, mẹ thường nấu rất nhiều món, hôm thì măng nấu với thịt vịt, hôm thì măng xào lá lốt, măng chua nấu canh với cá lòng tong bé xíu... Ngày mưa, vừa ở ngoài về lạnh, nhìn thấy mâm cơm mẹ dọn sẵn với dĩa cá ngừ kho măng, mùi dậy lên thơm nức thật khó cưỡng, thế là sà ngay vào bàn với tay bốc vụng một miếng măng cho vào miệng, để rồi bị bố mắng: “Con gái lớn rồi mà chẳng ý tứ!”...
Trong số những món mẹ nấu từ măng, tôi thích nhất là món gỏi. Măng non sau khi cắt từ vườn vào, mẹ bóc vỏ, cắt thành từng khúc, rồi thái sợi nhỏ dài tầm ngón tay, ngâm muối khoảng ba mươi phút thì mang luộc, măng chín thì bỏ ra vắt kiệt nước, thêm lá lốt thái sợi, đậu phộng rang, ớt tươi, nước mắm, một ít cá khô sông Sê San... trộn đều là thành món gỏi măng. Ăn miếng gỏi với đủ đầy vị cay của ớt, chua của chanh, ngọt giòn từ măng và cá, bùi bùi của đậu phộng... tôi lại liên tưởng đến hương vị cuộc sống đủ đầy dư vị chua-cay-mặn-ngọt.
Những hôm đào được nhiều măng, mẹ đem muối để dành nấu canh chua. Rồi mẹ lại gác tấm tôn lên bếp củi sấy măng để dành sang mùa sau ăn, thi thoảng có ai về Bắc lại tỉ mẩn gói gắm gửi về làm quà. Những món ăn nấu chung với măng thường đơn giản nhưng lại dễ ăn và luôn hấp dẫn cả nhà. Bố thường đùa chúng tôi: “Ngày xưa, nhà mình ăn măng thì bảo là do đói, vậy mà nay hết đói vẫn tốn cơm vì măng!”.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: Huyền Trang
Sau những ngày mưa dầm, khi nắng bắt đầu hửng lên thì nấm mối thi nhau mọc. Buổi sáng thức dậy, chạy ù ra khu vườn nhỏ xinh phía sau nhà để hít hà chút nắng sớm mai, tôi bất ngờ bắt gặp những cây nấm mối xinh xinh tựa những chiếc ô nhỏ. Có hôm, nấm mọc chi chít cả một góc vườn, tôi cứ đứng ngắm nhìn mãi chẳng chán mắt.
Một khung trời tuổi thơ lại ùa về, tiếng gọi nhau tìm nấm mối mỗi sáng và tiếng cười thích thú mỗi khi bắt gặp bầy nấm của đám con trẻ chúng tôi ngày ấy cứ như đâu đó bên tai. Thích nhất là cái cảm giác hái cây nấm này bỏ vào rổ, ngước lên lại thấy cây nấm khác trước mắt, rồi cứ thế mà hái mà ngỡ ngàng thích thú cho đến khi bốn phía trẻ con chúng tôi gặp nhau chính giữa thì hết nấm.
Có bữa, tôi tìm được cả rổ con nấm, tíu tít chạy về khoe mẹ, mẹ mang ra, rửa sạch, cạo lớp vỏ bên ngoài, rồi xé sợi, xào qua với dầu rồi cho lên nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp. Trong lúc mẹ rửa nấm thì tôi thường chìa cái tô xin mẹ một ít để nướng. Ôi chao nấm mối nướng thơm lựng và ngọt ngon làm sao! Chị em tôi vẫn thường nói với nhau “Nấm mối nướng ngon hơn thịt gà”.
Chiều nay, mẹ tôi nấu canh nấm mối với rau tập tàng, thêm dĩa cá kho măng nữa. Cả nhà vừa ăn vừa hàn huyên chuyện cũ, hình dung về những bữa cơm no nê ngày còn thiếu thốn thuở nào!
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.