Phút riêng mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Hình như quên ánh mắt ngác ngơ trong một cánh rừng/hình như quên nụ cười trong veo ở một thành phố lạ/rất nhiều gụi gần mà sao xa quá/ta trở thành lữ khách của đời ta” (Đọc sách ở đường mây-Nguyễn Trọng Hoàn). Đọc lại những câu thơ này, tôi chợt nghĩ về những thứ đang dần bị bỏ quên.
Cuộc sống bộn bề cuốn người ta đi với tốc độ có thể ví von một cách cụ thể bằng kilomet/giây hay nhanh hơn thế nữa? Đời người tưởng chừng dài rộng đấy nhưng rồi cũng chớp mắt ngắn ngủi vô thường. Người vừa gặp hôm qua, nay đã biền biệt trời mây. Chúng ta cứ mải miết với vòng quay cơm áo, ta luôn phải cố gắng ghi vào não bộ vốn hữu hạn của mình trăm thứ cần nhớ: nhớ những việc phải hoàn tất trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm; nhớ lịch học và biết bao việc khác liên quan đến con cái; nhớ những ngày “lễ trọng” của những đối tác làm ăn; nhớ từ những kế hoạch lớn lao cho đến chìa khóa xe để đâu, ra khỏi nhà nhớ tắt bếp gas và khóa cổng...  Và, trong rất nhiều thứ phải ghi nhớ ấy, có khi nào bạn chợt nhớ ra rằng bạn đã bỏ quên chính bản thân mình?!
Thỉnh thoảng, tôi ngồi một mình, vào buổi mai thật sớm bên ly cà phê đượm hương. Không phải vì tôi không thể tìm ra một người hợp với mình để hàn huyên, mà vì những lúc một mình ấy, tôi muốn có những phút giây thật tĩnh lặng đối diện với mình, để có thể nghĩ, để nhớ về những chuyện đã qua. Đôi khi tôi nhớ về những kỷ niệm, dù vui hay buồn cũng đều có một ý nghĩa nhất định đối với mỗi người, những chuyện đã xảy ra trong quá khứ luôn là những trải nghiệm thực tế giúp chúng ta tích lũy thành những bài học kinh nghiệm quý giá. Đôi khi, tôi nhớ đến một người đã rời khỏi thế gian, rồi lại có cảm giác day dứt về những ngày khi còn có thể nhìn thấy nhau, tôi hoặc đã ít dành thời gian cho họ hoặc đã đối xử với họ chưa thật sự hết lòng… Và, những day dứt ấy giúp tôi có thể sửa sai với những người đang sống bên mình.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Tôi thích ngồi ở một nơi yên tĩnh, nghe một bản nhạc quen thuộc hoặc đọc một quyển sách yêu thích. Những điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự cuộc sống quá bộn bề có lúc đã cuốn tôi đi với tốc độ chóng mặt. Có một dạo, tôi đã quên bẵng những thói quen ấy, cho đến khi con cái đỡ nheo nhóc một chút, tôi mới lại có thể dành cho mình những phút tĩnh tại như vậy. Và tôi rất sợ, những lo toan bận bịu sẽ lại cuốn mất những thói quen mà tôi đã duy trì từ những ngày còn cắp sách đến trường.
Mỗi ngày, khi thức dậy, người chúng ta đối diện đầu tiên là chính bản thân mình. Những phút giây dành cho riêng mình chính là lúc chúng ta được sống thật nhất, có thể khóc, có thể cười, có thể chán nản, tuyệt vọng và có thể tự mình vượt qua tất cả những cảm xúc tiêu cực hay không, đều là do bản thân chúng ta. Không có những phút đối diện với mình, có lẽ rồi những nói cười giả lả trong cuộc sống với rất nhiều thứ khiến chúng ta phải sống khác mình để “đẹp lòng” người, sẽ khiến ta quên mất mình là ai.
Chỉ mong giữa bộn bề cuộc sống, mỗi chúng ta không phải trở thành “lữ khách” trong chính cuộc đời mình.
KHÁNH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.