Phố sương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày tháng 8, già dặn mùa hè và non nớt khi vào thu. Đã thấy tang tảng sương giăng từ sớm mai, đến tối, sương ấy vẫn mờ mờ... Pleiku thường đón sương mù vào sáng sớm hay những chiều thiếu nắng khi một đợt áp thấp vừa đi qua, khi Tây Nguyên đang là những ngày mưa da diết. 
Tôi không biết mình phải lòng Pleiku từ bao giờ, gắn bó với thành phố này bởi điều gì nhất. Chỉ biết rằng khi không gian cô đặc bởi những áp lực công việc, khi trở mình thức giấc, tôi nghe tiếng sương rơi bên mái phố. Đó hẳn là lúc tôi trượt trôi trong bảng lảng sớm mai lúc đất trời mù sương khói và dịu dàng sơ nguyên, tinh khôi ngày mới. Cứ thế mà miên man chẳng tìm ra lời đáp: sương ùa về ngang qua phố hay thành phố vào mùa sương? Tiếc thay, sự tồn tại của nó thì thật ngắn ngủi. 
Thành phố níu lòng người đến độ chẳng thể dễ dàng đến rồi đi. Đến nỗi chỉ mới rời hôm trước, hôm sau đã lại muốn quay về, ngồi sau xe ai đó, thả lòng mình thênh thang trên những con dốc rồi tìm được một điểm cao lý tưởng, lưu lại thời khắc phố chuyển mình. Vậy nên, nói Phố núi biết chiều chuộng lòng người là thế!
Thỉnh thoảng, chỉ thấy con đường ẩn hiện xa xa giữa những dãy phố lúp xúp dưới tán thông. Ánh nắng non yếu ớt cố bám đậu trên lá, sương ở đâu tỏa lan khắp không gian mù mịt. Giây phút diệu ảo, vô thức thời gian ấy đưa tôi trôi về ngày cũ. Trong giấc mơ tuổi thơ tản bộ cắp sách đến trường, trên con đường sương phủ dày đặc, trắng xóa cả đất trời không thể nhìn thấy phía trước đoạn đường ngay cả tìm ra chiếc bóng chính mình, dù khoảng cách chỉ với vài tầm tay. Những lớp sương chờn vờn, lãng đãng khiến tầm nhìn bị che khuất.
Hồi đó, làm gì có máy ảnh hay chiếc điện thoại thông minh ghi lại được chùm lá kim đung đưa, đùa giỡn trong sương giá. Nhưng khoảng thời gian ấy luôn ăn sâu trong tiềm thức về một hình ảnh đẹp bất biến mà đôi lúc tôi vẫn luôn ao ước mình bé lại, cứ thế vô tư, hồn nhiên mà sống cùng hoài niệm của thế giới hư ảo, để thấy mình luôn mắc nợ thành phố này.
Sáng nay phố lại đầy sương! Lời tựa bức ảnh ray sáng, một buổi sớm đầy sương trên con dốc Hội Phú của người bạn đam mê nhiếp ảnh đăng trên mạng xã hội nhận được rất nhiều like và lời bình thích thú như một cách truyền trao tình yêu dành cho một thành phố Pleiku, dành cho cái đẹp.
Ray sáng là một chủ đề được nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra trong điều kiện không khí có lớp bẩn như sương mù, bụi... Muốn có “sương ray” (tia nắng xuyên qua sương dày) thì phải vào những vùng còn rừng thông nhưng anh bạn tôi lại thích không gian phố thị và bức ảnh cũng vì thế nhận được rất nhiều sự khen ngợi riêng biệt, sáng tạo. Tôi nhận thấy một điều lớn hơn bức ảnh ngàn like kia đó chính là tình yêu thương cuộc sống.
Vùng ven Pleiku chìm trong sương sớm. Ảnh: PHƯƠNG DUYÊN
Vùng ven Pleiku chìm trong sương sớm. Ảnh: PHƯƠNG DUYÊN
Một người bạn tận ngoài Huế đã tâm sự rằng, đã đến đây mà không chiêm ngưỡng thành phố mù sương trước lúc bình minh hay chiều tà thì thật là tiếc nuối. Do đó, cứ mỗi dịp bạn bè ghé thăm là tôi “chiêu đãi” tri kỷ của mình bằng một chuyến đi trong sương.
Nhưng bạn còn cất công hơn tôi nhiều, khi chỉ mới hơn 5 giờ bạn đã dậy, choàng áo khoác ngồi dưới ngọn đèn đường còn chiếu vài tia sáng nhỏ. Lãng đãng thế, huyền hoặc thế, bạn nói về dự án phát triển du lịch mà mình đang ấp ủ như thể bao nhiêu tình yêu bạn dành hết cho thành phố này vậy. Còn có rất nhiều những câu chuyện vui buồn về cái sự yêu của thành phố sương mù nhưng tựu trung lại là niềm yêu mến lớn lao của tôi, của bạn đối với Phố núi sương mù.
Có một dạo, tôi thường chạy bộ rất sớm ra con đường Hùng Vương để không bỏ lỡ dịp Pleiku mù sương. Con đường dọc một màu khói, cả thành phố một màu trầm. Sương choàng tấm áo khắp dãy phố, cài từng chiếc nút, gom hết vào chiếc túi thần kỳ chỉ để minh chứng, chỉ mỗi thành phố này được mang ân huệ đó. Rồi khi đêm xuống, sương đáp xuống thấp là là, đậu trên ban công nhà, quấn quýt trên vai người dạo phố. Người cũng vì thế mà khát khao rồi ngồi yên để được chìm đắm, tan ra cùng hơi sương đang loang loãng mềm dịu ngọt bờ môi.
Tôi và thành phố luôn dành một ngăn ký ức đựng chứa hết thảy những nồng nàn thương mến đó. Vì phố cũng như tôi giá lạnh và gầy guộc. Cuộc sống này nếu thiếu đi những tâm hồn tinh tế, thiếu đi sự đồng cảm thì thiên nhiên dẫu đẹp đẽ đến mấy cũng chỉ là những cảnh sắc vô hồn. Và những sớm mai bên phố sương cũng chỉ đơn thuần là một nỗi phiền toái mà thôi.
Tôi tần mần nép dưới hàng bằng lăng tím cuối mùa nhạt nhòa mưa xa. Tôi vốn dĩ quen thuộc từng gốc cây, biết hết bao nhiêu bông hoa vừa rụng đêm sương, nhớ được từng ô cửa kính có rèm phủ màu xanh, thuộc hết từng dãy số trên con đường thoai thoải thấp trong lòng thành phố. Chỉ lát nữa thôi, tất cả lại sáng rõ trong một ngày sương giá. Phố lại sẽ hiện ra cái vẻ náo nhiệt, xô bồ, rộn rã quen thuộc.
Nhưng ngay lúc này, phố được choàng phủ bởi một màn sương mơ hồ, lãng đãng đủ để tôi kịp thấy nó bí ẩn, dịu dàng tựa hồ như sống trong một thế giới khác lạ. Tôi vòng lên con dốc nhỏ khi ấy cũng đang mù mịt sương, thảng hoặc thấy sân nhà ai, nhánh hoa lan thủy tiên vàng vừa nở đẫm ướt, lặng lẽ tỏa sắc riêng mình trong cái màn bàng bạc và mịt mờ.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.