Rao đêm, một thời để nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi mới ra trường, khoác ba lô lên Pleiku thì đã chớm mùa mưa, tôi được sắp xếp ở tại một phòng tập thể của Sở Nông nghiệp trên đường Nguyễn Du. Những hàng cây sũng nước, ngày không có mặt trời. Pleiku nhỏ bé, u tịch. Người bộ hành cũng đơn độc đăm chiêu như dắt díu hồn về nơi mờ mờ xa xăm nào đó... Thấp thoáng những sơn nữ Jrai mặc áo váy thổ cẩm mang gùi lầm lụi qua phố. Họ đem đổi những đọt bí, mụn măng, nấm mối lấy chút muối mắm, cá tôm. Lạ lẫm quá với một chàng trai lần đầu đến với Phố núi Pleiku.
Ban đêm, người có tiền thì ngồi quán cóc, kẻ đơn giản thì gọi ngay mấy quả trứng vịt lộn và xị đế thủ thỉ chuyện trò. Ngày ấy, những đường phố Pleiku đa phần chưa có đèn đường, đêm lép nhép tối tăm. Những con phố vắng tanh, ít ai ra đường. Mà phương tiện giao thông cũng chưa đông đúc, xe máy thôi vẫn còn ít, ô tô chỉ có ở cơ quan nhà nước mà chủ yếu là U oát làm phương tiện đi công tác.
Để giết thời gian và vợi nỗi buồn cô quạnh, đám thanh niên công sở thường gù nhau kiếm chai rượu mía, thứ rượu được sản xuất từ các nông trường mía và ngồi chay qua đêm. Bất chợt vang lên trong phố vắng đặc đen mưa gió tiếng rao của người đàn bà bán trứng vịt lộn. Tay cầm chiếc đèn chai mờ mờ leo lét trong rả rích mưa đêm, miệng rao như trút hồn vào bóng tối. Tiếng rao ấy trong đêm tịch mịch trầm lắng nghe văng vẳng nao nao buồn da diết. Có lẽ chỉ có tiếng rao ấy, nơi đường phố Pleiku mờ tối thời ấy, trong cái đêm khuya khoắt vắng lặng mới nhoi nhói bao nhiêu nỗi niềm! Những tiếng rao đêm vô tình khuấy động đánh thức phố đang chìm dưới những màn mưa phơ phất. Đó như là tiếng rao đặc trưng ngùi ngùi xa xót của xứ núi. Riêng Pleiku!
Những tiếng rao mưu sinh xuyên màn đêm, đội mưa gió lay lắt rong ruổi khắp mọi ngõ ngách phố buồn. Nó là một phần của đời sống Pleiku những ngày khốn khó. Những tiếng rao day dứt ấy làm nên những màn đêm Pleiku mờ ảo, hư thực, như một nét ma mị mê lầm giữa đêm lạnh phố núi quạnh hiu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Rồi một ngày, đời sống tốt hơn, phố đêm sáng hơn, những tiếng rao đêm vô tình mất đất sống. Những tiếng rao đêm biến mất khỏi đêm. Cái buồn cô quạnh đã khác đi. Màn đêm thay những tiếng rao bằng âm thanh ô tô, xe máy, bằng ti vi, điện thoại di động, bằng email, chát chít... Quán xá cũng nhiều hơn. Người ngồi quán cũng nhiều hơn. Nhu cầu về những tiếng rao biến mất.
Ôi những tiếng rao một thời da diết não nề đêm mưa, chỉ còn ứa lên trong ký ức và trong những câu thơ tôi từng viết: “Đêm/Pleiku/Mưa rây tí tách/Gió gây gây rét/Đường thưa/Cây gãy/Lá rụng/Những người bán vịt lộn/Xách đèn hạt đỗ trên tay/Đi dưới đêm dày/Rao như rứt ruột.../Đêm đen đặc/Đêm sũng nước/Tiếng rao đơn côi/Trôi giữa đời/Phiêu dạt/Có một bà già rao đêm vắng biệt/Nhớ buồn mờ khu phố xưa!”. 
Tiếng rao đêm Pleiku một thời đã thành dĩ vãng. Nhưng, nó sẽ mãi rung ngân trong ký ức những ai đã từng trải qua bao màn đêm rí rắc mịt mùng bóng tối nơi Phố núi.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.