Mùi thơ ấu dắt ta về…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là tôi muốn đưa bạn trở về với thời thơ ấu, về với bếp quê, nơi có ngôi nhà nghèo khó mà suốt mấy mươi năm mẹ cha tôi tảo tần sớm hôm nuôi bốn anh em tôi khôn lớn; nơi mà mỗi lúc ngơi tay ngơi chân trong việc đồng áng, ruộng rẫy, mẹ tôi lại tranh thủ làm các món bánh cho anh em tôi ăn vặt. Mà cái chuyện làm bánh ngày xưa thì ôi thôi, cực phải biết!
Bây giờ, khi những bộn bề công việc đã lùi lại phía sau, tôi da diết nhớ khoảng trời thanh bình và an yên của những ngày tháng cũ, dẫu lúc đó gia đình tôi còn nhiều gian khó. Trong vô số kỷ niệm thời thơ ấu, mảng ký ức nào tôi cũng đều muốn cắt lát và kể lại, vì tôi sợ rất nhiều năm sau, khi bắt đầu bước vào ngưỡng của tuổi già, rồi tôi sẽ quên quên nhớ nhớ.
Quay về không gian của ngày tháng cũ, xộc vào mũi tôi là mùi thơm của bánh lá rau mơ mà mẹ tôi khéo léo nắn từng chút bột không quá dày, cũng không quá mỏng vào những cọng lá dừa xanh hoặc những lá mít to bằng bàn tay người lớn. Những lá mít mà anh Hai tôi kỹ lưỡng chọn vừa kịp già, đường gân hơi dày một chút, để khi mẹ tôi nắn bột và hấp chín thì trên miếng bánh nổi rõ từng gân lá.
Rất lâu rồi, tôi chưa có dịp ăn lại món bánh lá rau mơ. Dễ có đến 20 năm hơn. Những tưởng mùi ngọt bùi đó đã trở thành mùi của quá khứ, nhưng không, hương vị món bánh quê dân dã thời nghèo khó mà thỉnh thoảng mẹ vẫn làm cho anh em tôi ăn ngày đó, đang dậy thơm trong nỗi nhớ của tôi. Tôi như thấy mình lâng lâng trong mùi thơ ấu đang dẫn dắt tôi tìm về.
Không giống như cách làm bánh lá rau mơ bây giờ, là người ta hay trộn bột năng vào bột gạo cốt để cho khi hấp chín, bột không quá khô cũng không quá mềm; và mùi của rau mơ thì không còn, vì người ta chỉ dùng hương liệu. Mẹ tôi hồi đó có cách xay, pha bột và làm bánh rất khác. Sau một ngày ngâm gạo, mẹ tôi tẻ lại nhiều lần cho nước thật trong, trong bốn anh em chúng tôi, mẹ sai hai đứa cùng nhau đi ra mấy cái liếp phía sau vườn nhà, chỗ nào có nhiều lá rau mơ thì hái và rửa sạch đem vào cho mẹ xắt thiệt mịn cho vào gạo trước khi mẹ xay bột. Nhớ lại hình ảnh mẹ ngồi xay bột, trong thau gạo có lá rau mơ xắt nhuyễn, vòng tay quay cối của mẹ cũng nặng hơn, chưa kể mấy lúc cái ngỗng cối bị lá rau mơ bám dày, đôi khi sơ ý, mẹ xay cũng bị trật cối.
Lúc này, trong cái bồng bột phía dưới, mùi của lá rau mơ đã thơm đầy. Mẹ tôi xay hơi đặc một chút, để khi dằn bồng, bột mau khô. Sau khi bột khô, mẹ bắt đầu nhào bột gạo với chút bột mì tinh (bột mì tinh được lấy từ củ dong) và chút nước cốt dừa đặc kẹo. Tôi vẫn nhớ hoài, hồi đó mẹ dặn tôi: “Sau này khi lớn lên, ít nhất phải biết làm vài món bánh ăn vặt, để còn có cái mà dạy lại con cái”. Cho nên lúc đó vừa nhào nặn bột, mẹ vừa nói: “Con nhớ nhào bột đến khi nào tay không còn bị bột dính là đạt yêu cầu cho nguyên liệu làm món bánh lá rau mơ này rồi”.
Lá dừa xanh và lá mít, sau khi rửa sạch và lau khô, mẹ tôi bắt đầu nắn bột lên. Hai bàn tay mẹ, đặc biệt là hai ngón tay cái cứ thoăn thoắt. Mẹ ngắt bột rất đều, rồi liên tục nắn lên lá dừa hoặc lá mít. Trước đó, mẹ cũng đã chuẩn bị sẵn cái mâm nhôm, để mỗi khi bột được nắn đầy chiếc lá nào mẹ để tạm lên mâm chiếc lá đó. Trước khi mẹ nắn bột, bà đã nhóm bếp củi ngoài đầu hè, lấy cái xoong hơi lớn tí xíu, cho nước vào ngập đáy nồi khoảng 5 phân, đặt ngược cái rế nhắc nồi vào (sau khi đã chùi rửa sạch lọ nghẹ). Khi nắn bột hơi kha khá chút, mẹ ngơi tay và để bột vào nồi hấp. Trong quá trình củi khô bén lửa cháy giòn, mẹ tiếp tục nắn bột lên lá dừa và lá mít.
Hình ảnh mẹ tôi nắn bột và hấp bánh, tay đều đều, không quá nhanh và cũng không quá chậm, thỉnh thoảng trên trán vài giọt mồ hôi lấm tấm rịn ra… Mà ngày đó, lũ chúng tôi chỉ có những cơn khát bánh, chả bao giờ quan tâm đến sự vất vả và nhọc nhằn của mẹ. Mỗi mẻ bánh vừa hấp chín, mùi của lá rau mơ cứ thơm dậy lên theo từng cơn thèm của bốn anh em chúng tôi. Mà bánh chín rồi thì cũng đã được mẹ cho ăn thử đâu. Mẹ tôi nói, món bánh lá rau mơ này, bánh ngon vẫn chưa đủ, mà nồi nước cốt thật thơm, thật béo ngậy, mùi hành lá xắt nhuyễn thơm bưng lên mới thật sự trọn vẹn khi nhúng từng miếng bánh lá rau mơ vào chén nước cốt dừa sóng sánh đậm đặc còn nghi ngút khói bay. Để có nồi nước cốt dừa sóng sánh thơm lừng cũng phải có kỹ thuật, mẹ dặn tôi phải biết cho bột khoảng bao nhiêu vào nước cốt dừa để vừa đủ, không bị quá đặc, không bị quá lỏng, thiếu độ sánh, miếng bánh không “bám” vào nước cốt được.
Một cái sịa tre vừa phải, mẹ lót hai nửa tàu lá chuối chồng mí lên nhau, sau khi bánh đã ráo mồ hôi và nguội hẳn, mẹ để lên sịa, chừa một chỗ trống để vừa tô nước cốt béo ngậy dậy mùi thơm hành lá lên. Trên bộ ván cũ, bốn anh em chúng tôi cứ giành giật nhau cái muỗng bé xíu để múc nước cốt ra từng chén nhỏ, mỗi lần đưa đôi đũa tre đầy cả gắp bánh vào miệng là một lần cửa thiên đường thơ ấu như vừa bật mở.
Tất cả chúng ta đều có chung một vé tàu lỡ để đi ngược về thời thơ ấu. Ngay lúc này đây, trong những ngày hậu giãn cách xã hội vì dịch Covid -19, khoảng trời an yên thanh bình của thuở ấu thơ cứ như dòng suối mát lành nhẹ nhàng chảy ngược vào làm dịu mát tâm hồn tôi. Bất giác, mùi bánh lá rau mơ thời đó mang tôi tìm về những cơn khát cũ. Cảm ơn mùi bánh lá rau mơ của mẹ ngày mấy anh em tôi còn nhỏ, mà hôm nay như nghe mùi thơ ấu đang dắt lối tôi về.
Theo HUỲNH THÚY KIỀU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.