Tiếng mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng gắt gay. Mái nhà, cỏ cây càng dày thêm những lớp bụi đất, hàng cây cổ thụ bên đường bắt đầu réo rắt tiếng ve dù xuân chưa qua, hè chưa tới. Vạn vật quắt quay đón những oi nồng của khoảnh khắc giao mùa theo chu kỳ tuần hoàn của trời đất.
Những ngày cuối cùng của tháng 3, Tây Nguyên vào thời điểm khô khát nhất. Rừng khộp vùng biên giới đang phải gánh chịu cái rát bỏng của đất, cái nóng như nung lửa của trời. Các chiến sĩ biên phòng dường như cũng vội vã hơn trên những cung đường tuần tra bởi vừa phải giữ gìn an ninh biên giới, vừa tham gia phòng-chống dịch Covid-19.
Những ngày cuối tháng 3, nhiều gia đình nổ máy xe công nông chở lỉnh kỉnh những cuộn ống to dùng cho việc tưới rẫy. Bà con vẫn ai vào việc nấy, không dám than nắng, không dám kêu nhức mỏi do những khắc nghiệt của lúc giao mùa. Và càng không dám mong mưa.
Nhưng bất ngờ mưa. Hiếm ai có thể ngờ cơn mưa rào lại đến vào cuối tháng 3. Đó là cơn “mưa vàng” của người làm rẫy trên vùng đất đỏ bazan này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mưa tháng 3 Tây Nguyên không giông gió. Trước đó, trời vẫn nắng, mây vẫn xanh, ve vẫn miệt mài những âm thanh gọi mùa hè tới. Tinh ý lắm mới nghe bụng trời sôi nhè nhẹ. Cây cối im lắng gió. Trời tối lại rất nhanh. Và mưa. Mưa lanh canh trên mái tôn. Mưa rầm rập trên con đường đất đỏ. Mưa rào rạt trên những phiến lá khô trước ngõ. Mưa xối xả trong rãnh thoát nước sau nhà. Nhưng chưa kịp hết cái oi nồng của đất thì mưa đã ngắt. Cha tôi bảo, cơn mưa rào tháng 3 là “mưa vàng” của người làm rẫy vì vừa đỡ tốn chi phí cho mùa tưới, vừa phủ đều nước khắp rẫy cho rễ cây thẩm thấu tốt hơn. Mưa tháng 3 là tiếng lòng đầy phấn khích của người dân Tây Nguyên.
Những ngày cuối tháng 3 năm nay cũng là lúc Chính phủ kêu gọi người dân hãy ở nhà để phòng tránh dịch Covid-19. Vậy là cả gia đình có dịp về quây quần bên khu vườn của mẹ. Cây cối trong vườn vẫn còn rung rinh sau cơn mưa rào bất chợt. Tiếng mưa còn rớt lại ở luống rau của mẹ, tôi phải nhắm mắt lại để lắng nghe tiếng cựa mình rất nhẹ trong từng nách lá khe khẽ, run run. Những nụ hồng lặng lẽ ngậm mưa, không phô trương sắc màu mà đầy hân hoan trong từng chồi non tim tím, mỡ màng. Niềm vui của người làm vườn nhiều năm không quá vồ vập, chỉ là nét căng giãn trên gương mặt rám nắng như là lời ngỏ: đừng trả giá với những bó rau mà người làm vườn vất vả thu hoạch bằng sự nhọc nhằn của nắng gió.
Đêm nằm nhớ tiếng mưa từ hồi chiều còn sót lại, tiếng mưa thơm mùi hương hoa cà phê trong rẫy của ba, tiếng mưa cựa mình trong vườn lá non của mẹ. Chợt nghĩ, đêm nay, nơi biên giới, các chiến sĩ đang nằm với cánh rừng khộp già, với tăng bạt trên những đường mòn, lối mở. Thương sự hy sinh của những quân nhân, những tình nguyện viên đang chung tay cùng cộng đồng chống dịch bệnh. Cơn mưa vội có đủ làm dịu đi nỗi vất vả của bao con người trong trận chiến với đại dịch năm nay?
Cơn mưa rào tháng 3 cho rẫy của ba, cơn mưa giải hạn cho vườn của mẹ, cơn mưa dịu mát cho người. Tiếng mưa dội về lòng người niềm hân hoan của mùa vụ, niềm tin vào sự đồng lòng để chiến thắng dịch bệnh của cộng đồng.
THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.